Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

VỮNG TIN VÀO CÔNG CUỘC XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG

 ADMIN PSY11
Thời gian gần đây, dư luận hết sức quan tâm, bày tỏ đồng thuận cao trước những chủ trương, biện pháp trong quản lý, kỷ luật cán bộ, đảng viên của Đảng. Qua những vụ việc, vụ án được cơ quan chức năng đưa ra xem xét, xử lý chính xác, công khai, minh bạch đã góp phần rất quan trọng củng cố niềm tin của cán bộ, nhân dân vào sự lãnh đạo và sức mạnh của Đảng.
Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân nên ít nhiều xuất hiện những ý kiến bày tỏ nghi ngại về số lượng các vụ kỷ luật Đảng có ảnh hưởng đến sức mạnh của Đảng. Lại có lập luận "hoài nghi" về tình hình đoàn kết trong Đảng; hoài nghi về mục đích xử lý kỷ luật thời gian qua một phần nguyên nhân do “đấu đá”, “hạ bệ”, “thanh trừng”, “tranh giành quyền lực”... Thực chất, đây là những suy nghĩ, lập luận chưa đúng, khác xa với bản chất việc duy trì kỷ luật Đảng.
"Kỷ luật thép" - nguồn sức mạnh nội sinh của Đảng
Từ nhiều vụ việc cụ thể được đưa ra xem xét, xử lý thời gian qua, nhất là những vụ kỷ luật do Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong việc siết chặt kỷ cương, tăng cường kỷ luật Đảng. Theo quy định của Điều lệ Đảng, mọi tổ chức đảng, đảng viên nếu có thành tích, lập chiến công thì đều được ghi nhận và khen thưởng xứng đáng; nếu vi phạm kỷ luật, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây tổn hại đến quyền lợi, lợi ích của nhân dân đều bị xử lý nghiêm minh, không phân biệt cán bộ Trung ương hay cơ sở, cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu, nghỉ chế độ... Việc khen thưởng đảng viên có thành tích hay xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật được thực hiện công khai, dân chủ, tiến hành trình tự từ thấp đến cao trên nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số.
Việc tăng cường kỷ luật Đảng xuất phát từ thực tiễn khách quan trong công tác xây dựng Đảng và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đất nước; đồng thời cũng là sự kế thừa, phát huy truyền thống, bản chất cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Là đội tiên phong chiến đấu, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng nước nhà, Đảng CSVN phải là một tổ chức TSVM. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên”. Kỷ luật Đảng nghiêm minh là điều kiện quan trọng bảo đảm cho Đảng thật sự là một khối đoàn kết, thống nhất; bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh, thực hiện thắng lợi. Nói cách khác, kỷ luật Đảng là điều kiện tiên quyết bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, làm cho mọi tổ chức đảng và đảng viên tuyệt đối phục tùng và chấp hành nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Đảng CSVN cho thấy: Duy trì kỷ luật Đảng là một nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng, đồng thời cũng là quy luật phát triển của một đảng cộng sản chân chính. Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, Đảng CSVN luôn nhất quán tư tưởng đấu tranh không khoan nhượng với những thành phần thoái hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật. Vụ án Trần Dụ Châu tham ô bị xử tử (năm 1950); vụ án tử hình Mười Vân, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai vì lợi dụng chủ trương khoan hồng của Đảng để lấy vàng từ người dân và liên quan đến vụ án này; Ủy viên Trung ương Đảng (khóa 5), Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Văn Y (tức Năm Chữ) bị khai trừ Đảng, xử án treo... là những ví dụ cho thấy tính nghiêm minh, nghiêm khắc của kỷ luật Đảng. Theo ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, có giai đoạn ở miền Bắc, các tổ chức đảng đã đưa ra khỏi Đảng gần 86.000 đảng viên; trong đó gần 63.000 đảng viên thoái hóa, biến chất, tự chuyển hóa, vi phạm kỷ luật Đảng. Thậm chí, có thời điểm, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh, Đảng CSVN chủ trương ngừng kết nạp đảng viên mới để tập trung sức chỉnh đốn Đảng... Chính việc duy trì kỷ luật Đảng nghiêm minh như vậy đã góp phần giúp Đảng CSVN có đủ năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ cách mạng vẻ vang.
Kịp thời phát hiện, xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật là một đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển Đảng. Đó cũng là một trong những giải pháp hàng đầu làm cho tổ chức đảng "trong hơn, sạch hơn, mạnh hơn"; đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: Nếu kỷ luật của Đảng lỏng lẻo thì những kẻ cơ hội, những phần tử phản động dễ dàng chui vào hàng ngũ để phá hoại Đảng.
Thực tế cho thấy, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật mà cán bộ, đảng viên không dám đấu tranh, im lặng, né tránh thì hậu quả để lại rất to lớn. Đối tượng vi phạm sẽ có cơ hội “đục nước béo cò”, coi thường sự lãnh đạo của tổ chức, coi khinh dư luận; tỏ thái độ độc đoán, chuyên quyền; dẫn đến làm giảm sút vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, gây mất đoàn kết nội bộ... Nguy hại hơn, đây còn là "mảnh đất màu mỡ" cho các thành phần cơ hội, biến chất lọt vào hàng ngũ, chống phá và làm cho Đảng bị "mục ruỗng" từ bên trong.
Để tăng cường kỷ luật Đảng, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp có ý nghĩa quyết định. Đó cũng là truyền thống quý báu của Đảng ta cần được khơi dậy, phát huy trong giai đoạn mới. Chúng ta không thể quên, ngay chính trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, Đảng đã tự phê bình, nhận ra sai lầm “tả khuynh” của tổ chức. Giai đoạn đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư, tuy còn non trẻ, nhưng Đảng đã “Tự chỉ trích” rất nghiêm khắc. Rồi cải cách ruộng đất có những sai lầm, Bác Hồ đã khóc, xin được nhận hình thức kỷ luật và xin lỗi quốc dân đồng bào; Tổng Bí thư Trường Chinh thì xin từ chức... Hoặc vào thời điểm khi Đảng phân công đồng chí Nguyễn Chí Thanh sang công tác trong Quân đội nhân dân Việt Nam, giữ cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, toàn quân đã tiến hành cuộc “rèn cán, chỉnh quân” rất nghiêm túc, mang lại hiệu quả cao... Mới đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự đau lòng trước Hội nghị Trung ương vì hiệu quả của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) thời điểm đó chưa đạt kết quả như mong muốn... Đó là những bằng chứng sinh động minh chứng cho sự nêu gương và tinh thần quyết liệt, toàn tâm, toàn ý duy trì, tăng cường kỷ luật Đảng, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng.
Mục đích cao nhất là sự tiến bộ của tổ chức, đảng viên
          Trước hết, Đảng CSVN là một Đảng cách mạng chân chính với tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Đảng CSVN chủ trương không lấy việc kỷ luật cán bộ, đảng viên làm thành tích chống tiêu cực; làm phương cách duy nhất trong xây dựng Đảng. Hơn nữa, kỷ luật của Đảng là kỷ luật tự giác, nghiêm minh, lấy giáo dục, răn đe cán bộ, đảng viên làm trọng, trên cơ sở tuyệt đối thực hiện đúng, đủ điều lệ, nguyên tắc, quy định của Đảng.
Mục đích trong sáng, cao nhất của việc duy trì nghiêm kỷ luật Đảng là ngăn chặn cán bộ, đảng viên vi phạm, chứ không phải là sự “thanh trừng”, "bài xích", "hạ bệ" nhau. Ở khoản 1, Điều 2, Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30-3-2013 về Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Bộ Chính trị, xác định: "Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị, lĩnh vực công tác nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh". Mọi cán bộ, đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật Đảng; không có bất kỳ lực lượng, thành phần, cá nhân ngoại lệ, đứng ngoài, đứng trên kỷ luật Đảng. Tuy nhiên, việc giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng tuyệt nhiên không phải thi hành kỷ luật thật nhiều, thật nặng mà chính là một cách xây dựng, duy trì ý thức tổ chức kỷ luật trong Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) về xây dựng Đảng, xác định giải pháp cơ bản để chỉnh đốn Đảng, chống tiêu cực trong nội bộ là “tự phê bình và phê bình” thể hiện rất rõ tinh thần trong sáng ấy trong mục tiêu tăng cường kỷ cương, kỷ luật Đảng. Hơn thế, thực tế cũng đã kiểm định, chứng minh: Có không ít cán bộ, đảng viên từng mắc sai lầm, từng chịu kỷ luật Đảng, nhưng kịp thời sửa chữa, khắc phục khuyết điểm; tiếp tục được tổ chức quan tâm, giúp đỡ, dìu dắt, rồi trưởng thành, phát triển, trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, đảm nhiệm các cương vị quan trọng, then chốt.
Như vậy, kỷ luật Đảng là nghiêm minh, chính xác và công bằng. Đảng thực thi kỷ luật không có mục tiêu nào khác ngoài quyết tâm làm trong sạch đội ngũ, xây dựng tổ chức vững mạnh, uốn nắn đảng viên tiến bộ, trưởng thành. Việc xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên được Đảng ta xem xét rất thận trọng; điều tra, nghiên cứu khách quan, kỹ lưỡng, gắn với từng giai đoạn phát triển của đất nước, của xã hội. Xem xét kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên được gắn với chức trách, nhiệm vụ mà không có biểu hiện đánh đồng, quy chụp. Tính công khai quan điểm của Đảng đối với tập thể, cá nhân vi phạm kỷ luật được duy trì nền nếp, rõ ràng không chỉ trong nội bộ mà còn được thông tin đến các tầng lớp xã hội. Trước những quyết định quan trọng liên quan đến xem xét, kỷ luật Đảng được dư luận quan tâm, Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cơ quan chức năng luôn chủ động, kịp thời cung cấp thông tin đến báo chí trong nước, quốc tế nhằm công khai rộng rãi; để tăng cường sự quản lý, giám sát của nhân dân; phát huy sức dân trong tham gia xây dựng Đảng. Hơn thế, theo điều lệ, nguyên tắc của Đảng CSVN, việc đưa ra quyết định thi hành kỷ luật những tổ chức, cá nhân vi phạm đều thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ do tập thể xem xét, quyết nghị (bằng hình thức bỏ phiếu kín), lại được xem xét theo phân cấp. Do đó, không thể có sự can thiệp, trù dập, đấu đá mang tính cá nhân trong thực hành kỷ luật Đảng như một số người còn hoài nghi về mục đích, mục tiêu tiến hành kỷ luật Đảng trong thời gian qua. 
Xét về bản chất thì kỷ luật của Đảng là kỷ luật dựa trên tình đồng chí, đồng đội; kỷ luật của những người cùng chung lý tưởng, tự nguyện đứng trong một hàng ngũ, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc. Mọi đảng viên và tổ chức đảng liên kết với nhau theo một kỷ luật chung dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, sự thống nhất chặt chẽ về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, được thể hiện tập trung trong các điều khoản của Điều lệ Đảng. Do đó, kỷ luật Đảng xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, chứ không phải là "chủ ý" của bất kỳ lực lượng, cá nhân nào. Đó là căn cứ vững chắc để công tác thi hành kỷ luật Đảng luôn được tiến hành tự giác, nghiêm minh, đúng người, đúng tội; đồng thời cũng là cơ sở để nhận diện, đẩy lùi những kết luận nóng vội, quy chụp về tình hình kỷ luật Đảng nói chung, diễn tiến từng sự việc, sự vụ, vụ án nói riêng. Giữ nghiêm kỷ luật của Đảng chính là phương cách để thức tỉnh và ngăn chặn kịp thời những đảng viên, tổ chức đảng có những hành vi vi phạm. Kỷ luật Đảng chính là để giữ được tổ chức, giữ được đảng viên. Kỷ luật Đảng là để từng tổ chức, từng đảng viên thấy rõ khuyết điểm của mình mà nỗ lực phấn đấu, sửa chữa, tiến bộ.
          Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đấu tranh cách mạng, trong công tác hằng ngày, cán bộ, đảng viên không tránh khỏi mắc khuyết điểm, sai lầm; điều quan trọng là thấy rõ khuyết điểm, sai lầm, không giấu giếm và quyết tâm sửa chữa, để Đảng ta, cán bộ ta tiến bộ mãi. Người chỉ rõ: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”; “có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”. Theo Người, Đảng có khuyết điểm, cán bộ mắc sai lầm thì không nên giấu giếm. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Có người thì cho rằng: Trong Đảng việc gì cũng tốt, không có khuyết điểm gì đáng lo. Có người lại cho rằng: Trong Đảng cái gì cũng kém, đầy khuyết điểm, vì vậy mà họ bi quan, thất vọng”. Người khẳng định: “Hai cách nhận xét đó đều không đúng”. Vì vậy, Người chỉ ra rằng: “Thái độ mỗi người đối với những khuyết điểm của Đảng ta cũng khác nhau: Bọn phản động thì lợi dụng những khuyết điểm đó và tô vẽ thêm để phá hoại Đảng ta. Lợi dụng những sai lầm và khuyết điểm đó để đạt mục đích tự tư tự lợi của họ. Đó là thái độ của đảng viên và cán bộ đầu cơ. Bọn thứ ba thì sao cũng mặc kệ, sao xong chuyện thì thôi. Không phê bình, không tự phê bình. Đó là thái độ của những đảng viên và cán bộ ươn hèn, yếu ớt. Bọn thứ tư thì đối với những người có khuyết điểm và sai lầm đó, như đối với hổ mang, thuồng luồng. Họ đòi phải đuổi bọn kia ra khỏi Đảng ngay. Nếu Đảng không làm như thế thì họ cho rằng: Thôi, hỏng hết rồi! Do đó, họ đâm ra chán nản, thất vọng. Hoặc họ không làm gì nữa hết. Thậm chí họ bỏ Đảng. Đó là thái độ những người máy móc quá. Đó cũng là bệnh “chủ quan”. Thái độ thứ năm, là thái độ đúng. Tức là: a) Phân tích rõ ràng, cái gì đúng, cái gì sai. b) Không chịu nổi ảnh hưởng của những chủ trương sai lầm, những phần tử không tốt. Ra sức học tập và nâng cao những kiểu mẫu tốt. c) Không để mặc kệ. Mà ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm, không để nó phát triển ra, không để nó có hại cho Đảng. d) Không làm máy móc.
Nhưng khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ. đ) Đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng”.
Duy trì giữ nghiêm kỷ luật Đảng là bảo đảm để Đảng ngày càng mạnh hơn, đoàn kết hơn, trong sạch hơn. Giữ nghiêm kỷ luật Đảng là giúp từng đảng viên, từng tổ chức đảng sớm nhận ra sai lầm khuyết điểm của mình để khắc phục, sửa chữa, tiến bộ. Đó là mục đích cao nhất, duy nhất; là công việc hằng ngày, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng. Xây dựng phải đi đôi với chỉnh đốn vừa có tính quy luật, vừa là nguyên tắc căn bản trong công tác xây dựng Đảng.
        ADMIN PSY11
(nguồn Báo điện tử QĐND)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét