GÓP PHẦN
PHÒNG, CHỐNG VĂN HÓA XẤU ĐỘC, PHI VĂN HÓA
PHẢN VĂN HÓA
Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
79.QA.24.MA
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí
Minh luôn khẳng định: “Văn hóa là một mặt
trận”. Tư tưởng ấy của Người là hiện thân những khát vọng của cả dân tộc ta
trong việc khẳng định bản sắc văn hóa của mình. Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua,
theo tinh thần ấy, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều các chính sách và quyết sách
liên quan đến việc xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo tồn di sản văn hóa và
luôn coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh
tế - xã hội và phải xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững
chắc của xã hội. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nêu rõ: “Làm cho giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi
lĩnh vực, mọi mặt hoạt động, mọi quan hệ xã hội, thành sức mạnh nội sinh quan
trọng của phát triển bền vững. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều
kiện để xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về
trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã
hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật; phát huy tốt vai
trò chủ thể sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong mọi hoạt
động kinh tế, chính trị, xã hội đều phải đề cao nhân tố văn hóa, con người…”.
Như vậy, ta thấy văn hóa luôn gắn liền với nhân cách, với con người và việc xây
dựng, bảo vệ, phát triển văn hóa cũng chính là xây dựng, bảo vệ và phát triển nhân
cách con người Việt Nam.
Trong mọi xã hội, văn hóa
luôn giữ vai trò là nền tảng tinh thần, được trao truyền bằng nhiều phương
thức, con đường khác nhau. Một trong số đó là thông qua sự tác động, ảnh hưởng
từ các sản phẩm văn hóa. Văn hóa là gốc rễ, là cội nguồn làm nên sức mạnh
nội sinh của mỗi dân tộc. Do vậy, ngoài việc chăm lo, xây dựng những giá trị
văn hóa tốt đẹp, cần phải nhận diện và kiên quyết ngăn ngừa, phòng chống, đẩy
lùi các sản phẩm văn hóa xấu độc, ngoại lai. Bởi vì, những sản phẩm văn hóa xấu
độc, ngoại lai cùng với những hành vi phản nhân văn, phi tiến bộ, phản văn
hóa, phi văn hóa tích tụ lâu ngày mà không được giải quyết tận gốc sẽ phá hủy
nền tảng đạo đức xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển ổn
định, lành mạnh, bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Tuy vậy, nhận diện những
nội dung văn hóa thâm nhập nào là phi văn hóa, phản văn hóa cũng không hề đơn
giản. Bởi sự xâm lăng văn hóa có lúc biểu hiện rõ, có lúc ngấm ngầm, thẩm thấu
dần dần, từ từ đi vào trong con người lúc nào không biết.
Hiện nay, trong xu thế toàn cầu hóa, hội
nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, sự phát triển như vũ
bão của khoa học công nghệ, phương tiện thông tin liên lạc, con người trên khắp
trái đất có điều kiện được giao lưu, giao tiếp với nhau dễ dàng hơn trước rất
nhiều. Tuy nhiên, cũng do điều kiện hội nhập văn hóa quốc tế, mà các tệ nạn xã
hội, các luồng văn hóa xấu, độc hại dễ dàng du nhập vào đất nước ta, đặc biệt
nhờ vào các tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực truyền thông như: Internet,
điện thoại di động, truyền hình cáp, máy tính bảng…
Thời gian qua, nhiều
sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con
đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của
một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng
và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Lối sống thực dụng, vụ lợi, vị
kỷ, thích hưởng lạc, sa đọa; cái xấu, cái ác, phi nhân tính, hiện tượng vô cảm…
có dấu hiệu tăng lên rõ rệt. Có thể coi hậu quả của nó chính là biểu hiện cụ
thể của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, đạo đức,
lối sống: Đề cao, sùng bái, chạy theo văn hóa, lối sống tư sản; từ bỏ các giá
trị văn hóa, đạo đức truyền thống, các giá trị văn hóa, đạo đức xã hội chủ
nghĩa; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận nền văn hóa cách mạng; thương mại hóa các
hoạt động văn hóa, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc; đề cao chủ nghĩa cá nhân,
lối sống thực dụng... Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm
trọng, có nguy cơ dẫn tới mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và
niềm tin của một bộ phận dân chúng. Tình trạng đó đã và đang ảnh hưởng trực
tiếp đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không những dẫn đến khuynh
hướng tự diễn biến về tư tưởng chính trị hiện nay, mà còn gây tác hại lâu dài
đến các thế hệ mai sau.
Trong xu hướng quá trình toàn cầu hóa, hội
nhập quốc tế, sự thâm nhập giá trị văn hóa của các nền văn hóa khác nhau, trong
đó có cả những giá trị văn hóa không phù hợp với giá trị văn hóa truyền thống
tốt đẹp của nước ta là điều hiển nhiên, không thể tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là
phải nhận diện rõ, trong các nguồn văn hóa thâm nhập đó, đâu là những giá trị
văn hóa phù hợp, có thể tiếp thu lĩnh hội, làm phong phú thêm đời sống văn hóa
tinh thần, nền văn hóa Việt Nam, nội dung văn hóa nào không phù hợp với giá trị
đạo đức, thuần phong mỹ tục, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Việt Nam, quá trình đó chính là quá trình tiếp thu có chọn lọc. Nhận diện rõ,
nhưng phải có những hành động, biện pháp cụ thể, kịp thời, hiệu quả để tiếp thu
cũng như để ngăn chặn cho phù hợp.
Nghị quyết Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ XII đã nhấn mạnh phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển
văn hóa, con người Việt Nam hiện nay là: “Xây
dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của
chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị
chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội
nhập quốc tế; tạo điều kiện và môi trường để phát triển về nhân cách, đạo đức,
trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ
công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”.
Quán triệt quan điểm của Đảng, chúng ta
nhận thấy biện pháp đầu tiên và rất quan trọng góp phần ngăn chặn và đấu tranh phòng,
chống văn hóa xấu độc, phi văn hóa, phản văn hóa đó là, phải tiến hành thường
xuyên, có hiệu quả công tác vận động, giáo dục, quán triệt, tuyên truyền đầy đủ
đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước
về văn hóa, chú trọng giáo dục nhận thức, làm cho văn hóa thấm sâu vào trong
mỗi con người, mỗi người dân Viẹt Nam. Qua đó, góp phần xây dựng và nâng cao
nhận thức cho mọi người về giá trị của văn hóa truyền thống dân tộc.
Hai là, cần chủ động xây dựng cơ chế phòng
ngừa từ xa. Đó là cần xây dựng động cơ, ý thức, thái độ, trách nhiệm cho bản
thân, xây dựng bản lĩnh, tính vững vàng, sẵn sàng, sự miễn nhiễm, làm chủ bản
thân, đó cũng chính là sự chuẩn bị tốt từ bên trong trước các tác động của các
giá trị văn hóa, các luồng văn hóa khác nhau từ bên ngoài thâm nhập vào.
Ba là, xây dựng môi trường văn hóa ở nơi
làm việc và nơi ở thực sự tốt đẹp, lành mạnh. Đưa con người vào hoạt động thực
tiễn trong môi trường văn hóa. Bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp,
có hành động phù hợp với các chuẩn mực, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp
của dân tộc.
Bốn là, tạo dư luận xã hội. Dư luận xã hội
có tác động rất mạnh trong việc điều chỉnh, điều khiển bản thân mỗi con người
giữ gìn, tuân theo các chuẩn mực, giá trị văn hóa, đó chính là biện pháp nâng
cao lòng tự trọng bản thân của mỗi người. Phải dùng dư luận xã hội để điều
chỉnh hành vi cá nhân, dùng dư luận để ca ngợi cái hay, cái đẹp, cái cao thượng
trong giữ gìn văn hóa truyền thống và lên án những hành vi sai trái, tiêu cực.
Cần tạo nên yếu tố tâm lý đám đông, hiệu ứng đám đông lành mạnh, đủ khả năng
khiến cho ai đó sẽ cảm thấy lạc lõng nếu làm khác mọi người, nếu có hành vi phi
văn hóa, phản văn hóa.
Năm là, xã hội hóa văn hóa. Phổ biến, nhân
rộng điển hình tiên tiến, hình mẫu để noi theo, để làm theo. Trong đó nêu gương
là giải pháp hàng đầu nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền
thống, nhân cách tốt đẹp của con người Việt Nam cho thế hệ trẻ. Việc quán
triệt, tuyên truyền tiếp tục thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về
xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển
bền vững đất nước, nếu được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và ngày càng lan
tỏa đều khắp trong cộng đồng sẽ hướng xã hội đi vào trật tự, kỷ cương, tiến bộ,
văn minh. Từ đó, sẽ lấn át những cái xấu, cái chưa tốt đi đến ngăn chặn, xóa bỏ
văn hóa xấu độc, phi văn hóa, phản văn hóa, tạo nên đời sống tinh thần tốt đẹp
bền vững, tạo sự chuyển biến, đồng thuận từ nhận thức đến hành động, để mỗi
người dân tự giác góp phần xây dựng giá trị đích thực của đời sống văn hóa ở
nước ta hiện nay.
Có thể nói, tư tưởng “Văn hóa là một mặt trận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sẽ luôn toả sáng, trường tồn theo thời gian và luôn đồng hành cùng dân tộc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét