Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

VỊ TRÍ CỦA NHÀ GIÁO ĐỐI VỚI XÃ HỘI




Đặng.V.L.Psy.11

Trong từng nấc thang phát triển của lịch sử xã hội nói chung, đất nước Việt Nam nói riêng đã chứng minh vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục và đào tạo, đồng nghĩa với đó là vị trí vai trò của nghề dạy học luôn được đề cao nhằm đào tạo ra những con người phục vụ cho xã hội, cũng như sự phát triển đất nước. Trong sự nghiệp trồng người đó, có công lao hết sức to lớn của đội ngũ Nhà giáo.
Khi nói về vai trò của nghề dạy học. Nhà giáo dục học vĩ đại Cô-men-xki đã từng nói: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Sinh thời Bác Hồ của chúng ta khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục thì không có cán bộ, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hoá”. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng: “ Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Cho thấy rằng nghề dạy học thật cao quý, đặc thù không có ngành nghề nào có thể so sánh được mà sản phẩm là con người, ảnh hưởng đến vận mệnh của đất nước.
Để tôn vinh đội ngũ nhà giáo theo Quyết định số 167/HĐBT ngày 28 tháng 9 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng Quyết định lấy ngày 20 tháng 11 hàng năm là ngày nhà giáo Việt Nam. Quyết định có một vị trí ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa thể hiện sự ra đời hiến chương các nhà giáo trên thế giới, vừa thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước ta, phù hợp với nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội đối với đội ngũ nhà giáo. Trải qua 35 năm các thế hệ con người Việt Nam đều khắc sâu vào tiềm thức, ngày để hướng về các nhà giáo, bày tỏ tình cảm kính trọng, biết ơn đội ngũ nhà giáo điều đó cũng thể hiện truyền thống hàng năm của dân tộc ta, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”,  với những câu ca dao, tục ngữ đã đi vào tâm trí.
“Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
Hay: Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy; không thầy đố mày làm nên.
Người thầy giáo không những dạy chữ còn cả dạy người, những kỹ sư tâm hồn ươm mầm xanh cho đất nước. Thầy cô như những người lái đò cần mẫn đưa những con đò sang sông, gieo mầm tri thức giúp người học đi đến bến bờ vinh quang.
Ngày nay trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, dưới ánh sáng Nghị quyết của Đảng qua các kỳ Đại hội đặc biệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Đủ thấy được sự tôn trọng của xã hội dành cho nhà giáo.
Để thực hiện được mục tiêu đó vấn đề phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo giữ vị trí vai trò hết sức quan trọng. Đòi hỏi trong tình hình hiện nay đội ngũ nhà giáo cần phải hội tụ đầy đủ phẩm chất “Trí”, “Tâm”, “Tầm” đồng thời tích cực rèn luyện phẩm chất nhân cách của mình đáp ứng được yêu cầu của sự  nghiệp đổi mới đất nước.
Trước hết, củng cố bản lĩnh chính trị vững vàng: Đó là những phẩm chất nhân cách hàng đầu giữ vị trí chủ đạo trong nhân cách người nhà giáo, biểu hiện đó là tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc với nhân dân với chế độ xã hội chủ nghĩa, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm chắc và vận dụng quan điểm đúng đắn sáng tạo quan điểm của đảng vào trong quá trình giảng dạy.
Tiếp đến, rèn luyện đạo đức trong sáng mẫu mực: Đạo đức mẫu mực của người Nhà giáo có tác động mẫu mực đến hiệu quả hoạt động sư phạm, hiệu quả hoạt động sư phạm tăng lên khi bằng sự trong sáng mẫu mực của mình, giảng viên thuyết phục được người học, xây dựng được niềm tin cho người học, đạo đức trong sáng, mẫu mực của người giáo viên là tấm gương sáng về nhân cách để người học noi theo.
Hơn nữa, Nhà giáo phải yêu ngành, yêu nghề, yêu người, gắn bó với nghề, nghề trồng người.
Một phẩm chất hết sức quan trọng của Nhà giáo đó là năng lực sư phạm và sự thành thạo nghiệp vụ sư phạm. Thể hiện ở óc quan sát, tính sáng tạo; ở trí tuệ, cảm xúc, ý chí, tầm rộng và tầng sâu của kiến thức, cùng các kỹ xảo, kỹ năng hoạt động sư phạm, đó còn là khả năng tiếp thu, xử lý thông tin, tài liệu dạy học, khả năng sử dụng ngôn ngữ, các phương tiện sử dụng dạy học, khả năng quản lý, định hướng hoạt động học và nghiên cứu khoa học của người học.
Ngày 20 tháng 11 năm nay đang đến gần, ngày để nhớ về cuội nguồn, thể hiện đạo lý, truyền thống người Việt Nam. Trước niềm tin của xã hội và truyền thống tôn sư trọng đạo của  người Việt Nam dành cho đội ngũ nhà giáo, tin chắc rằng đội ngũ nhà giáo sẽ tiếp tục cống hiến, phát huy nhiều hơn nữa sự nghiệp trồng người, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29 của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện, giáo dục, đào tạo.









0 nhận xét:

Đăng nhận xét