Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Phản ánh tâm lý là sự phản ánh đặc biệt
Đ.Q.PSY11
Tâm lý người không chỉ là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người thông qua chủ thể, mà tâm lý người còn thể hiện bản chất xã hội. Tâm lý người là kinh nghiệm xã hội lịch sử biến thành cái của mỗi người. Tâm lý được hình thành trong thực tiễn xã hội. Nếu con người tách khỏi môi trường xã hội, tách khỏi các quan hệ xã hội thì tâm lý của chủ thể không mang bản chất tâm lý người. Một minh chứng cho điều này là những biểu hiện của những đứa trẻ được đưa về từ hang sói (đứa trẻ bị lạc trong rừng và được bầy sói nuôi). Khi đứa trẻ sinh ra không được sống trong xã hội loài người, sống trong xã hội của loài sói thì nó có biểu hiện của loài sói, chứ không có những hành vi, cách ứng xử của con người. 
Tâm lý người khác với tâm lý của động vật ở chỗ tính mục đích có ý thức. Ý thức là đặc điểm cơ bản của tâm lý người. Nhờ ý thức con người nhận biết được các mối liên hệ nhân quả của các sự vật hiện tượng, xác định được mục tiêu cho hành động của mình. Tâm lý con người có thể được ý thức hoặc không được ý thức. Song, những gì không được ý thức của con người cũng khác về chất so với tâm lý của động vật.
Trong tâm lý con người thể hiện tất cả các sự kiện quá khứ, hiện tại và tương lai. Các sự kiện quá khứ thể hiện trong các kinh nghiệm, các biểu tượng và trí nhớ; các sự kiện hiện tại được thể hiện trong các hình ảnh, các trải nghiệm cảm xúc và hành động trí tuệ; các sự kiện của tương lai thể hiện trong động cơ, mục đích, tưởng tượng, ước mơ...
Các dấu hiệu cơ bản của tâm lý là: 1) Phản ánh đem lại hình ảnh về môi trường hoạt động của cơ thể sống; 2) Định hướng cho cơ thể sống trong môi trường đó; 3) Thoả mãn nhu cầu tiếp xúc của cơ thể với môi trường.
Đối với con người, thực tiễn xã hội là thước đo tính đúng đắn các phản ứng tâm lý. Tâm lý được hình thành qua hoạt động thực tiễn của con người và phản ánh hoạt động thực tiễn của con người. Tâm lý của mỗi cá nhân là kết quả của quá trình lĩnh hội, tiếp thu các kinh nghiệm xã hội, các giá trị văn hoá thông qua hoạt động và giao tiếp.

Tâm lý của con người được hình thành từ hoạt động thực tiễn, song nó không đơn thuần là kết quả của hoạt động thực tiễn, mà còn có ảnh hưởng có ý nghĩa đối với hoạt động của con người. Tâm lý định hướng cho hoạt động của chủ thể thể hiện qua động cơ, mục đích hoạt động. Tâm lý thúc đẩy hoạt động, giúp con người điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với mục tiêu đã xác định, với hoàn cảnh thực tế.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét