NGHIÊM TRỊ HÀNH VI SỬ DỤNG MẠNG INTERNET PHÁ HOẠI NỘI BỘ, BÔI NHỌ, HẠ UY TÍN LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC
ADMIN.PSY11
Nhiều
đối tượng đã triệt để sử dụng facebook, blog, mạng xã hội đăng bài, đưa hình
ảnh sai sự thật, nói xấu đất nước, phỉ báng chế độ, chia rẽ nội bộ, xuyên tạc,
bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi
ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Khi
số này bị bắt giữ, điều tra, xử lý theo pháp luật, được sự hậu thuẫn của bên
ngoài, các đối tượng phản động trong và ngoài nước vu cáo Việt Nam đàn áp nhân
quyền, xuyên tạc tự do dân chủ, ngôn luận, tự do internet, từ đó kích động
chống phá, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự.
Tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tấn
công chia rẽ nội bộ
Hiện
nay, khi internet và điện thoại thông minh có chức năng kết nối 3G, 4G trở
thành vật bất ly thân của mỗi người, những kẻ chống phá đất nước triệt để lợi
dụng bằng các chiêu trò tạo dựng, phát tán các thông tin, hình ảnh giả tạo, sai
lệch, biến có thành không, không thành có, thật giả lẫn lộn, từ đó lôi kéo,
hướng lái dư luận ngả theo quan điểm sai trái, thù địch. Hành vi xâm phạm an
ninh, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi,
nguy hiểm, các đối tượng lập và sử dụng hàng ngàn website, blog, mạng xã hội,
diễn đàn trực tuyến (như trang “Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Châu Xuân
Nguyên”, “Anh Ba Sàm”, “Tin tức hàng ngày”, “Tạp chí sự thật”, “Người buôn
gió”…). Chúng liên tục mở các chiến dịch tuyên truyền chống phá Việt Nam theo
một số phương thức chủ yếu như: Tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tấn công chia
rẽ nội bộ, xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực
lượng vũ trang; kêu gọi tập hợp lực lượng, hình thành và công khai hóa tổ chức
chính trị đối lập trá hình trên không gian mạng; sử dụng Internet để công khai
bày tỏ quan điểm đối lập, đòi đa nguyên, đa đảng, từ đó lôi kéo, phát triển lực
lượng và hoạt động chống phá; lợi dụng các vấn đề nhạy cảm chính trị xã hội, vụ
việc phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng để kích động biểu tình, gây bất
ổn về an ninh, trật tự, tìm thời cơ tiến hành “cách mạng đường phố” tại Việt
Nam…
Một
trong những phương thức mà các đối tượng gia tăng hoạt động chống phá trên mạng
internet trong thời gian gần đây là xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí
lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, cụ thể là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc và nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của cơ quan Đảng, Nhà
nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo một số địa phương. Bằng các bài viết
xuyên tạc, đả kích, âm mưu của chúng nhằm phá hoại nội bộ hòng gây chia rẽ
trong lãnh đạo cấp cao, tác động tiêu cực tới nhận thức, quan điểm, tư tưởng
của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi
và làm suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Thủ đoạn chủ yếu
là giả mạo, cắt xén, ngụy tạo bằng chứng để vu cáo; sử dụng thông tin cũ với
những luận điệu mới; lợi dụng những vấn đề chính trị, thời sự để tung tin thất thiệt,
tạo dư luận xấu; từ các vụ việc tiêu cực, tham nhũng để quy chụp do đường lối
của Đảng, Nhà nước và chế độ. Các đối tượng đặt tên trang mạng, blog và đặt các
tiêu đề, tên bài với ngôn từ giật gân, kích thích tính tò mò của người đọc,
người xem, đăng tải tin, bài viết, video clip có nội dung phản động, thật giả
lẫn lộn. Gia tăng liên kết để đưa thông tin, bài viết, bình luận, tập trung
khoét sâu một chủ đề hoặc trích dẫn, đăng lại bài viết của nhau nhằm làm tăng
hiệu quả tuyên truyền phá hoại tư tưởng. Tận dụng tối đa sơ hở trong quản lý
truyền thông thế hệ mới (mạng 3G, 4G…), khai thác triệt để ưu thế của các ứng
dụng cung cấp nội dung cho người sử dụng Internet (Over The Top – OTT) để tán
phát tin bài, tác phẩm, tài liệu có nội dung chống Việt Nam; kết hợp giữa viễn
thông và Internet bằng cách đưa thông tin xấu lên mạng, sau đó tổ chức thành
chiến dịch nhắn tin thông báo đến các đồng chí lãnh đạo cấp cao…
800 tài khoản facebook, gần 300 kênh
Youtube thường xuyên đăng tải thông tin xuyên tạc, bịa đặt
Theo
thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2016 đến nay đã phát hiện gần 800
tài khoản facebook, gần 300 kênh Youtube do các đối tượng chống đối trong và
ngoài nước quản trị thường xuyên đăng tải thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm
công kích, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tung tin thất thiệt gây hoang
mang dư luận về vấn đề chính trị, kinh tế Việt Nam. Như vụ Nguyễn Chí Khương
(23 tuổi, trú tại Bến Tre) quay và đăng tải lên Facebook đoạn clip bịa đặt
“đoàn xe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về thăm Bến Tre”. Clip cho thấy
sự xuyên tạc trắng trợn khi trong ngày hôm đó (27-10-2016), đồng chí Nguyễn Thị
Kim Ngân đang điều hành phiên họp Quốc hội tại Hà Nội, thế mà cùng ngày, giờ
Khương lại dựng chuyện Chủ tịch Quốc hội thăm Bến Tre với dàn xe hộ tống (hơn
50 xe). Thực chất, clip mà Khương đã quay và tải lên mạng xã hội là đoàn xe của
các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và đơn vị chức năng của tỉnh Bến Tre tham
gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2016.
Thể
hiện rõ hơn là vụ đối tượng Nguyễn Danh Dũng (29 tuổi, trú tại TP Thanh Hóa),
là chủ tài khoản và quản trị, điều hành kênh Youtube “ThienAn TV”, đăng tải
video có tiêu đề xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tán
phát trên mạng Internet. Kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Danh Dũng khai nhận
đã tạo lập và quản trị các tài khoản Youtube ThienAn TV; Facebook “ThienAn”,
“quachthienan”; blog “tinhhinhdatnuocvietnam.blogspot.com”.
Dũng
biên tập các video clip với lời bình là bài viết được thu thập từ trang mạng
phản động hoặc sử dụng các video clip được thu thập từ các trang mạng xã hội
rồi biên tập lại nội dung bằng cách chèn logo ThienAn TV, thêm hình ảnh đại
diện, điều chỉnh lại giọng điệu, thay đổi các tiêu đề có nội dung xuyên tạc,
bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Dũng lợi dụng các sự kiện chính
trị như vụ ô nhiễm môi trường miền Trung, vụ Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước
ngoài… để xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước, Thủ tướng Chính phủ… Thậm chí, với thủ đoạn đưa tin, bài theo kiểu
thật giả lẫn lộn, lấy hình ảnh một đoàn xe đám cưới ở một địa phương khác để
gán vào tin bài đám cưới con trai một đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước mặc dù
đám cưới này chưa được tổ chức. Những thông tin xuyên tạc, bịa đặt với thủ đoạn
nêu trên đã gây sự chú ý, thu hút người xem (kết quả điều tra ban đầu xác định,
đối tượng đã đăng hơn 700 video clip thu hút hàng triệu lượt người xem).
Trước
đó, cơ quan chức năng bắt Hồ Văn Hải, đối tượng đã tạo lập, quản trị, điều hành
blog “BS Hồ Hải”, facebook “Hồ Hải”, tung một số bài viết rồi trích dẫn bình
luận, mục đích nhằm quy chụp, hướng lái người đọc hiểu sai vụ việc, bôi nhọ,
công kích đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hải thu thập thông tin từ các
trang mạng phản động rồi biên tập, thêm thắt, soạn thảo thành 4 bài viết có nội
dung xuyên tạc, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kêu gọi phá
hoại kinh tế Việt Nam, tẩy chay bầu cử Quốc hội, kích động biểu tình…
Gần
đây, trên một số trang mạng phản động nước ngoài đăng tải thông tin bịa đặt
liên quan vấn đề nhân sự ở Tổng Công ty 319 – Bộ Quốc phòng. Đại tá Phùng Quang
Hải bàn giao chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty 319 cho ông
Trần Đăng Tú để chuyển sang công tác mới, một số trang mạng bịa đặt kiểu râu
ông cắm cằm bà, suy diễn ông Tú là con trai của Chủ tịch nước Trần Đại Quang
vì… cùng họ Trần! (ông Trần Đăng Tú quê ở xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng
Yên). Từ đó, chúng dựng chuyện “phe nhóm”, viết các bài bôi nhọ và đưa ra những
lời bình, suy diễn rất lố bịch, trắng trợn, thiếu văn hóa hòng gây chia rẽ, phá
hoại nội bộ, vu cáo, hạ uy tín Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Qua đấu tranh cho thấy, việc các đối tượng trong nước
đăng tải thông tin bịa đặt, xuyên tạc có nguyên do tư lợi cá nhân, thiếu hiểu
biết. Đồng thời, các đối tượng phản động bên ngoài tìm cách lôi kéo, câu nhử để
các đối tượng trong nước trực tiếp hoặc tham gia quản trị, điều hành các trang
blog, facebook, youtube có nội dung xấu; thu thập thông tin để biên tập, gửi
bài viết cho đối tượng bên ngoài đăng tải. Nhiều người sau khi được giáo dục đã
kịp tỉnh ngộ, nhận rõ phải trái, cam kết không tái phạm. Song một số đối tượng
do bị tiêm nhiễm tư tưởng độc hại, khi bị bắt, xử lý vẫn có thái độ bất hợp
tác, vu cáo Nhà nước ta “đàn áp dân chủ, nhân quyền”.
Cảnh giác với “dân chủ” mạng
Tự
do internet không có nghĩa tuyệt đối. Không phải ai thích viết gì, nói gì, muốn xâm phạm cá nhân, tổ chức nào trên internet
cũng được. Ngày nay, với sự bùng nổ internet, các quốc gia căn cứ đặc điểm,
tình hình cụ thể để đề ra các quy định quản lý phù hợp. Điểm mấu chốt là dù
quản lý theo phương thức nào thì cũng nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc,
lợi ích cá nhân, tổ chức, tránh các hành vi lạm dụng phạm pháp. Tại những nước
phát triển như Hàn Quốc, người dùng phải cung cấp tên thật trên tất cả các nội
dung bình luận, entry trên mạng. Đây là quy định chặt chẽ hơn so với nhiều nước
khi phần lớn không bắt buộc phải nêu rõ tên thật khi chat, bình luận. Tại
Singapore, nhằm thắt chặt an ninh, tất cả các máy tính được sử dụng bởi công
chức Singapore sẽ bị cắt mạng internet từ tháng 5-2017. Còn tại Anh, tháng
8-2011, Thủ tướng Anh Cameron đã tuyên bố trước phiên họp của Quốc hội: “Chính
phủ sẽ trừng trị nghiêm khắc những phần tử sử dụng các trang mạng xã hội và
phương tiện truyền thông xã hội để âm mưu gây bạo loạn và bất ổn xã hội”. Tại
“thiên đường tự do” Mỹ thì sao? Điều 2385, Chương 115, Bộ luật Hình sự Mỹ ghi:
“Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá và mọi
hình thức vận động, xúi giục lật đổ, tiêu diệt chính quyền bất kỳ cấp nào”. Và
thực tế, chính ở Mỹ mới là nơi có nhiều trường hợp bị xử lý vì người sử dụng
mạng internet có hành vi xúc phạm, lăng mạ người khác. Đầu tháng 9 vừa qua, báo
chí tại Mỹ thông tin, tờ The Huffington Post đã đuổi việc một phóng viên vì
người này đã viết bài bịa đặt về tình hình sức khỏe của ứng viên nữ Tổng thống
Mỹ – bà Hillary Clinton. Tháng 12 năm 2016, nhằm ngăn chặn thông tin bịa đặt,
cực đoan, Chính phủ CHLB Đức đưa ra yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ mạng xã
hội thành lập văn phòng phản ứng ngay trong vòng 24h khi có phản ánh về phát
ngôn cực đoan hoặc thông tin bịa đặt, và sẽ phạt các công ty này nếu không chấp
hành, mức phạt là 500.000 Euro cho mỗi lần không thực hiện.
Rõ
ràng, với hành động lợi dụng internet để xúc phạm người khác, nguy hại hơn là xâm
phạm an ninh quốc gia, chống phá đất nước thì không có quốc gia nào dung túng.
Việt Nam đưa ra các quy định pháp luật để quản lý mạng internet là phù hợp luật
pháp quốc tế và thực tiễn chung của các quốc gia trên thế giới.
Điều
25, Bộ luật dân sự 2005 quy định khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm
thì người đó có quyền yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có
thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính công khai,
yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi
phạm bồi thường thiệt hại. Đồng thời, Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ các điều
luật về “tội vu khống”, “tội lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của
Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”… để xử lý các hành vi
phạm tội.
Ai
cũng có quyền tiếp cận thông tin, nhưng mỗi người hãy tự biết cách bảo vệ mình
trước những thông tin sai trái, bịa đặt, độc hại. Quyền tự do thể hiện quan
điểm, chính kiến nhưng quyền ấy là có ranh giới, cần tỉnh táo nhận diện để
không bị rơi vào sự hỗn độn thông tin, không bị kẻ xấu hướng lái, lôi kéo, biến
mình thành nhà “dân chủ mạng”, trở thành con rối của kẻ địch, sử dụng mạng
internet thành công cụ xâm hại cá nhân, tổ chức, xâm hại quốc gia, dân tộc mà
mình là chủ thể có nghĩa vụ bảo vệ, gìn giữ. Cần đặc biệt cảnh giác với các
thông tin bịa đặt, độc hại trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản
động hòng chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân và phải nghiêm trị
hành vi sử dụng mạng internet phá hoại nội bộ, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo
Đảng, Nhà nước.
ADMIN.PSY11
(Theo Công An Nhân Dân)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét