Tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật
NoBita91275
Ngày
08/12/2016 đối tượng Trần Gia Phụng (trú tại Canada) tán phát tài liệu, nội
dung tuyên truyền, vu khống các cơ quan chức năng của Việt Nam “vi phạm tự do
tôn giáo” xuyên tạc Đảng và Nhà nước ta “dùng bạo lực để đàn áp giáo dân”,
đồng thời kêu gọi các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài “hỗ trợ cho các phong
trào đấu tranh ở Việt Nam”.
Trong âm mưu diễn biến hòa bình chống Việt Nam, các thế lực thù địch, phản
động luôn tìm cách lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, để phá hoại khối đại
đoàn kết dân tộc, kích động chống đối, nhằm làm mất ổn định chính trị - xã
hội, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của ta.
Điều đáng chú ý là mỗi khi Nhà nước ta bổ sung hoặc ban
hành văn bản pháp luật mới về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm phù hợp
với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, thì họ lại dấy lên chiến dịch
xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam bóp nghẹt tự do tôn giáo, đòi phải bãi bỏ
những văn bản pháp luật đó. Họ đòi tôn giáo phải độc lập và không
chịu sự quản lý của Nhà nước. Họ tâng bốc, ca ngợi tự do tôn giáo ở các nước
tư bản: "Tôn giáo được tự do hoạt động, không chịu sự quản lý của Nhà
nước". Đây không chỉ là luận điệu cố tình xuyên tạc công tác quản lý nhà
nước về hoạt động tôn giáo ở các nước trên thế giới, mà còn kích động, nhằm
làm cho dư luận ngộ nhận rằng, việc Nhà nước ta ban hành các văn bản pháp
luật về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo là đi ngược lại sự tiến bộ xã hội, tạo
phản ứng tiêu cực trong một bộ phận chức sắc, nhà tu hành và quần chúng tín
đồ.
Lý luận về quản lý nhà nước và thực
tiễn tình hình tôn giáo trên thế giới cho thấy: Quản lý nhà nước với hoạt
động tôn giáo là một yêu cầu khách quan của mọi quốc gia.
Hoạt động tôn giáo không chỉ thuần
túy nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, mà còn
liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Ví dụ như việc xây dựng nơi
thờ tự, không chỉ đơn thuần là việc củng cố, phát triển cơ sở vật chất của
giáo hội, mà còn liên quan đến những quy định của Nhà nước về đất đai, quy
hoạch, xây dựng; hoạt động in ấn kinh bổn, sản xuất đồ dùng việc đạo liên
quan đến những quy định về văn hóa, xuất bản; hoạt động quan hệ với các tổ
chức, cá nhân tôn giáo nước ngoài liên quan đến chính sách, pháp luật trên
lĩnh vực đối ngoại, xuất nhập cảnh của Nhà nước... Mọi hoạt động của các cơ
quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và mọi công dân liên quan đến các
lĩnh vực đời sống xã hội đều phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước. Tôn giáo
và hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở bất kỳ quốc gia nào cũng không thể đứng
ngoài pháp luật của quốc gia đó.
Các quốc gia trên thế giới đều quan
tâm đến công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo. Tại các nước
phát triển, tôn giáo cũng luôn phải tuân thủ pháp luật, chịu sự quản lý của
Nhà nước. Luật ngày 9-12-1905 của nước Cộng hòa Pháp, tại Điều 26 quy định:
"Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự
kiểm soát của cơ quan chính quyền có chức năng giữ gìn trật tự công cộng. Cấm
việc hội họp có tính chất chính trị ở nơi chuyên dùng vào việc thờ cúng và
thực hành lễ nghi tôn giáo". Điều 35 của luật này cũng nêu rõ:
"Giáo sĩ nào công khai bằng lời nói hoặc bằng văn bản kêu gọi, khước từ
việc thi hành pháp luật của nhà nước sẽ bị phạt tù từ 3 tháng tới 2
năm". Tại Nhật Bản, Luật Pháp nhân tôn giáo ban hành, có hiệu lực từ năm
1951. Đến năm 1995, sau sự kiện giáo phái Chân lý AUM khủng bố trong hệ
thống đường tàu điện ngầm ở Tô-ky-ô bằng chất độc Sa-rin, Nghị viện Nhật Bản
đã bổ sung, sửa đổi luật này theo hướng quy định chặt chẽ hơn đối với các
hoạt động tôn giáo.
Ở nước ta, quản lý nhà nước về hoạt
động tôn giáo đã được hình thành từ các triều đại phong kiến. Bộ Quốc Triều
hình luật (Luật Hồng Đức) thời Hậu Lê có 722 điều, trong đó 4 điều quy định
về những vấn đề liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngay sau khi nước Việt Nam dân
chủ Cộng hòa ra đời, Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm đến công tác quản lý nhà
nước về tôn giáo. Đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp
luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến tôn giáo và hoạt động tôn
giáo. Pháp luật về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trở thành một bộ phận không
thể thiếu trong hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Công
tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này ngày càng được củng cố, hoàn thiện,
góp phần quan trọng bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân,
đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đấu
tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm
an ninh quốc gia. Chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước đã cơ
bản đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân, củng cố niềm tin, tạo
động lực để đồng bào các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, góp phần xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm qua, các tôn giáo ở nước ta
phát triển nhanh về số lượng tín đồ và cơ sở thờ tự, mở rộng quan hệ với các
tổ chức, cá nhân tôn giáo, đồng đạo ở nước ngoài; mọi hoạt động tín ngưỡng,
tôn giáo của nhân dân đều được chính quyền tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi;
đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo ngày càng được cải
thiện, nâng cao. Đồng bào theo đạo ở nước ta chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước.
Đại đa số tín đồ các tôn giáo đều là nhân dân lao động, có tinh thần yêu
nước, chống giặc ngoại xâm, sống tốt đời đẹp đạo, có nhiều đóng góp cho sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại đa số quần chúng tín đồ và chức sắc
các tôn giáo đều phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tham gia tích
cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành quả của Việt Nam trong
lĩnh vực tôn giáo là không thể phủ nhận. Thế nhưng các thế lực thù địch vẫn
tìm cách vu cáo Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền, đòi
tôn giáo hoạt động không chịu sự quản lý của nhà nước... Khi một số đối tượng
lợi dụng tôn giáo hoạt động chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật bị cơ
quan chức năng Việt Nam xử lý theo quy định của pháp luật thì họ
tìm cách xuyên tạc, vu cáo nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo, bắt bớ các nhà
tu hành vì lý do tôn giáo, can thiệp đòi thả các đối tượng đó...
Hoạt động tôn giáo ở nước ta, bên
cạnh xu hướng tuân thủ pháp luật là chủ yếu, thời gian qua đã xảy ra một số
vụ lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để gây rối trật tự công cộng, đi ngược
lại lợi ích của cộng đồng; muốn tách khỏi sự quản lý của nhà nước trong các
lĩnh vực: Xây dựng, sửa nơi thờ tự, hoạt động lễ hội, quan hệ với các tổ
chức, cá nhân, tôn giáo nước ngoài; tranh chấp, khiếu kiện đòi lại nhà, đất
và cơ sở thờ tự... Một số hoạt động và hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện, như
phát triển đạo Tin lành trái pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số,
thành lập hội đoàn, dòng tu... không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm
quyền... Một số đối tượng tổ chức tuyên truyền đạo trái pháp luật, lợi dụng
tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan. Việc khiếu kiện, tranh chấp
liên quan đến đất đai và cơ sở vật chất của tôn giáo ở một số nơi tăng lên,
có nơi gay gắt, phức tạp. Một số địa phương, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số,
một số đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tiến hành các hoạt động
chống đối, kích động tín đồ, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
gây mất ổn định chính trị. Điển hình, trên địa bàn Tây Nguyên, qua đấu tranh,
các lực lượng chức năng của ta đã làm rõ “Tin lành Đề ga” thực chất là một tổ
chức phản động đội lốt tôn giáo để lừa bịp, tập hợp lực lượng, phục vụ âm mưu
thành lập “Nhà nước Đề ga”.
Các tôn giáo ở Việt Nam dù
nội sinh hay ngoại nhập, muốn phát triển được đều hòa đồng với văn hóa
dân tộc và dưới sự quản lý của Nhà nước. Đây là yêu cầu khách quan, bởi vì
không có một tôn giáo nào đứng ngoài quốc gia, dân tộc và đứng trên lợi ích
quốc gia, dân tộc. Lợi ích quốc gia là cao nhất, trong đó có lợi ích của các
tôn giáo. Nội dung quản lý nhà nước ở Việt Namđược ghi nhận trong hiến
pháp và pháp luật. Nhà nước ta xác định rõ quyền hạn hoạt động của các tổ
chức, cá nhân tôn giáo trên các lĩnh vực quản đạo, hành đạo, truyền đạo; nơi
thờ tự của các tôn giáo được Nhà nước bảo hộ; việc thành lập tổ chức tôn giáo
phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, hoạt động tín ngưỡng, tôn
giáo phải đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức, văn hóa và thuần
phong mỹ tục của dân tộc. Mọi hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo
đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc, dân tộc, gây phương hại an ninh quốc gia,
trật tự an toàn xã hội đều phải bị lên án, đấu tranh ngăn chặn, xử lý
nghiêm.
Thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh
tuyên truyền sâu rộng để quần chúng nhân dân, nhất là chức sắc, tín đồ các
tôn giáo nắm và hiểu rõ quan điểm, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn
giáo của Đảng, Nhà nước; thấy rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do
không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân không chỉ được ghi nhận trong Hiến
pháp và các văn bản pháp luật mà còn được tôn trọng, bảo đảm thực hiện trong
cuộc sống. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời trong cộng
đồng nhân dân Việt Nam; mọi chính sách phát triển KT-XH của Đảng, Nhà
nước đều nhằm thực hiện "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ,
văn minh”, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Trong công tác tuyên
truyền cần chỉ rõ âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế
lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và công cuộc đổi mới đất
nước do Đảng lãnh đạo; đồng thời giáo dục để chức sắc, tín đồ thấy rõ trách
nhiệm công dân, chủ động đấu tranh với các hoạt động sai trái, vi phạm pháp
luật.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, cần
quan tâm phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần
cho đồng bào các tôn giáo. Cán bộ làm công tác vận động quần chúng tín đồ,
chức sắc tôn giáo các cấp cần nắm chắc chính sách, pháp luật về tôn giáo;
thực sự gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của quần chúng tín đồ;
tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để tín đồ, chức sắc các tôn giáo hoạt
động đúng pháp luật, vận động đồng bào giáo dân tích cực tham gia các
phong trào cách mạng ở địa phương.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền
đối ngoại để nhân dân thế giới và người Việt Nam định cư ở nước ngoài hiểu
rõ, hiểu đúng về chính sách tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, tình hình tôn
giáo ở trong nước; chủ động đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế
lực thù địch phản động, lợi dụng chiêu bài tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhân
quyền... để chống phá Nhà nước Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc,
thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, gây mất ổn định chính trị - xã hội của
đất nước. Đối với số đối tượng lợi dụng tôn giáo ngoan cố chống đối, làm tay
sai cho địch cần điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét