Một cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ chốt muốn thực thi
được chức trách của mình thì phải có uy tín. Chức vụ càng cao càng phải có uy
tín. Không có uy tín thì khó thuyết phục, tập hợp, lãnh đạo người dưới quyền.
Uy tín chính là điều kiện bảo đảm hiệu quả công tác của người lãnh đạo.
Hiện nay, bên cạnh những cán bộ vừa có “uy”, vừa có “tín”,
xứng tầm với trọng trách được giao thì không ít người chưa hội đủ những tiêu
chí cần và đủ của người lãnh đạo. Ở họ, thay vì khổ công rèn luyện để có được
chữ “tín” thì họ luôn sợ người dưới quyền đánh giá thấp về năng lực và phẩm
chất của mình nên thường tự khoe khoang, thích thành tích, thích danh vọng,
tranh công đổ lỗi, sợ trách nhiệm, thích những lời tâng bốc, tạo ra vây cánh
để tăng thêm “uy tín ảo”.
Vậy uy tín (oai tín) của người lãnh đạo là cái gì? Oai là uy,
uy quyền; tín là tin, niềm tin. Uy tín là sự tín nhiệm và mến phục của mọi
người. Uy tín là sự phản ánh phẩm chất và năng lực của một cá nhân, do đó tất
yếu nó phải do phẩm chất và năng lực quyết định. Tức là người lãnh đạo phải
có chuyên môn giỏi để cấp dưới nể phục, không có tì vết về phẩm chất đạo đức,
quan hệ gần gũi, hòa nhã với mọi người; luôn lo sự nghiệp chung nhưng vẫn
không quên trách nhiệm, tình cảm của mình với người thân trong gia đình.
Người lãnh đạo có uy tín thì những người dưới quyền không chỉ phục tùng mà
quan trọng hơn là họ tự giác phục tùng với niềm tin mãnh liệt.
Như vậy, uy tín là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố thuộc về
sự nỗ lực chủ quan của một người trên cả hai mặt phẩm chất và năng lực, trong
đó nổi bật nhất, quan trọng nhất là những yếu tố sau đây:
- Sự gương mẫu, gương mẫu đến mực thước về các mặt, trước hết
là về mặt phẩm chất đạo đức, có lối sống trong sạch, tận tụy, khiêm tốn,
“mình vì mọi người”; sự thấu cảm và chia sẻ.
- Có học thức cao, năng lực lãnh đạo và quản lý giỏi; tầm hiểu
biết sâu rộng, bao gồm cả nhãn quan chính trị, trình độ nhận thức và vốn
sống; sự đổi mới và khả năng thích nghi; khát vọng và hoài bão.
- Có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức, thể hiện ở
chỗ hoàn thành xuất sắc chức vụ mà mình đảm trách.
- Nắm vững kỹ năng lãnh đạo, ứng xử có văn hóa; có quan hệ
đúng đắn, trước hết là với những người cùng cộng tác hoặc có quan hệ trực
tiếp với mình; biết tự kiểm soát, tự kiềm chế.
Tóm lại là hội đủ cả ba yếu tố: Tâm, Tầm, Tài.
Các tố chất cá nhân ở trên đều là những tố chất cần thiết quan
trọng cho một cán bộ lãnh đạo để tạo nên phong cách lãnh đạo dân chủ, hòa
đồng; biết chủ động kiểm soát trí tuệ, cảm xúc của mình thì người cán bộ đó,
đã và đang xây dựng thành công hình tượng, uy tín của một nhà lãnh đạo.
Uy tín không phải từ trên trời rơi xuống. Nó là kết quả của sự
phấn đấu rèn luyện gian khổ, bền bỉ của bản thân cán bộ. Người lãnh đạo cần
phải giành lấy uy tín tuyệt đối trong tập thể bằng chính tài năng, đức độ,
nghị lực, bằng ảnh hưởng tư tưởng và hành động thực tế của mình chứ không
phải bằng danh hiệu và chức vụ hoặc bằng thủ đoạn và tiểu xảo. Như Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã nói: “Không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà được họ
yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng
dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Uy tín không phải bao giờ cũng tỉ lệ thuận với chức vụ. Chức
vụ chỉ là điều kiện khách quan để củng cố và nâng cao uy tín, còn uy tín là
cái quyết định sự tồn tại của chức vụ. Nếu uy tín mất đi thì theo quy luật
thông thường, chức vụ trước sau cũng sẽ mất theo. Giữa chức vụ và uy tín có
mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Theo ý nghĩa nào đó, có thể hiểu mối quan hệ
giữa chức vụ và uy tín như là mối quan hệ giữa hình thức và nội dung. Chức vụ
là hình thức, còn uy tín là nội dung.
Trong đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp hiện nay, xuất hiện
hai loại:
Thứ nhất, ngộ nhận mình có uy tín. Những
người này thường tự đánh giá rất cao về mình, luôn tỏ ra mình là nhân vật
quan trọng, có uy tín mà không trau dồi uy tín.
Thứ hai, dùng thủ đoạn để tạo dựng uy tín. Họ thường ve vãn, lôi
kéo lập bè cánh; công kích, nói xấu, hạ uy tín người khác và đề cao mình.
Trước mặt cấp trên họ xun xoe, nịnh bợ lấy lòng, tỏ vẻ mình là đệ tử thân
cận; sau lưng thì họ sẵn sàng trở mặt, nói xấu, bịa đặt. Họ chỉ làm và tìm mọi
cách dành lấy những việc dễ làm, dễ nổi tiếng; không ngại ngùng tô vẽ thành
tích và “tranh công đổ lỗi”.
Vậy, uy tín của người cán bộ lãnh đạo hình thành và phát triển
theo con đường nào? Cái gì quyết định uy tín?
Có thể khẳng định - uy tín tất yếu phải do phẩm chất và năng
lực của cá nhân cán bộ quyết định, thể hiện ở các yếu tố: Khả năng tổ chức và
chuyên môn giỏi; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và kiên định trong
công tác; có quan hệ bình đẳng, tính tập thể và phát huy được sức mạnh tổng
hợp; gương mẫu đi đầu trong mọi công tác; gần gũi, dân chủ, cởi mở với mọi
người; tính chiến đấu, tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, không tranh công,
đổ lỗi.
Người có uy tín còn là người biết lắng nghe, kể cả những lời
nói trái; không tự ái, sĩ diện, thành kiến. Người có uy tín là người có bản
lĩnh, dũng cảm, kiên cường, bảo vệ người ngay thẳng, trung thực, đấu tranh
với những hành vi sai trái, những biểu hiện cơ hội, thực dụng, không nịnh ai
và cũng không thích ai nịnh mình.
Xây dựng cho được một uy tín cần thiết đã khó, nhưng phấn đấu
để giữ vững và không ngừng nâng cao uy tín lại càng khó. Trong mỗi cán bộ đều
có cái tốt, cái xấu. Uy tín thật - cái tốt, uy tín giả - cái xấu. Học cái tốt
thì khó, vì như “người ta leo núi phải vất vả và khó nhọc mới lên đến đỉnh.
Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh chỉ trượt chân một cái là nhào xuống vực
sâu”. Điều đó đòi hỏi người cán bộ phải có ý chí và nghị lực rất cao. Người ở
cương vị càng cao càng phải hết sức chăm lo giữ gìn uy tín, vì uy tín của họ
không phải đơn thuần chỉ là uy tín cá nhân mà còn liên quan đến uy tín chung
của tập thể. Gần đây đã có một vài cán bộ trọng trách quên mất điều sơ đẳng
này, chạy theo dục vọng cá nhân, không biết kiềm chế, không dám hi sinh… phút
chốc làm hoen ố uy tín cá nhân và uy tín của cả tổ chức.
Uy tín không đồng nghĩa với chức vụ. Một số người lầm tưởng
rằng, dường như họ có chức vụ là đã có uy tín, mọi lời nói và việc làm của họ
đều được mọi người đồng tình. Từ đó, họ chủ quan trong công tác, không chịu
học tập, rèn luyện, không khiêm tốn, không dân chủ khi bàn bạc công việc,
thậm chí cá nhân, độc đoán, thích lên lớp dạy khôn người khác, thích người
khác phải quỵ lụy mình. Họ không biết rằng, do kém gương mẫu, kém năng lực,
làm nhiều việc sai trái dẫn đến không được tập thể tín nhiệm nữa, uy tín của
họ cũng mất tiêu.
Có người muốn xây dựng cho mình một uy tín nào đó, nhưng không
phải bằng nghị lực, tài năng và sự gương mẫu của mình, mà lại bằng những thủ
đoạn bỉ ổi.
Ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị xuất hiện tình trạng
không lành mạnh là cả một nhóm người vì lợi ích nhóm, họ tán tụng, tâng bốc
đề cao nhau. Khi phạm khuyết điểm, sai lầm, họ vào hùa với nhau để tìm cách
lấp liếm, bao che, gìn giữ “uy tín”, biến tội thành công, thổi phồng thành
tích. Họ không xấu hổ tự vơ về mình đủ thứ danh hiệu; tiến cử nhau vào vị trí
này, vị trí nọ; thổi “uy tín” của nhau lên tít mây xanh.
Người giữ một chức vụ trong hệ thống chính trị là người được
tổ chức trao cho quyền lực nhất định theo quy định của điều lệ của tổ chức đó
và theo quy định của pháp luật. Đó là quyền lực tất yếu của người lãnh đạo,
là điều kiện cần có để người lãnh đạo thực thi nhiệm vụ, chức trách của mình.
Nhưng sức mạnh của người lãnh đạo không chỉ ở chức vụ và quyền hạn được giao
phó mà cái quan trọng hơn, có tính quyết định sự thành bại của người lãnh đạo
là uy tín của người giữ chức vụ đó. Trên thực tế, để có uy tín, trước hết
người lãnh đạo phải là người có trí tuệ, có tư duy khoa học sâu sắc, có kiến
thức về lĩnh vực đảm trách, có lối sống mẫu mực, nói đi đôi với làm; có tấm lòng
nhân ái, vị tha, độ lượng; phong cách lãnh đạo khoa học; thu phục được lòng
người bằng chính đức độ, tài năng, chứ không phải dùng quyền lực hoặc thủ
đoạn.
Uy tín là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có một
số yếu tố cơ bản là: Quyền lực của người cán bộ lãnh đạo, phẩm chất, năng lực
tương xứng với chức vụ được giao; có nhân cách mẫu mực, thực thi được quyền
lực; có sự tín nhiệm phục tùng, tự nguyện của mọi người dưới quyền và phạm vi
ảnh hưởng tác động sâu rộng; có sự tin tưởng, đánh giá cao của cấp trên và sự
khâm phục của bạn bè, đồng nghiệp; có phong thái thích hợp với cương vị, chức
vụ lãnh đạo, quản lý; có những nét cá tính hấp dẫn, thu hút mọi người.
Không hiếm người muốn xây dựng uy tín cho mình nhưng không
phải bằng sự cố gắng của bản thân mà lại dùng những thủ đoạn như lôi kéo
người này, nói xấu, hạ thấp uy tín của người khác để đề cao mình. Họ không
dám tự phê bình, càng không muốn người khác phê bình mình, không nói thẳng,
nói thật, rất chú ý giữ mình cốt không để vi phạm khuyết điểm và giữ “thể
diện”. Họ cũng rất chuộng hình thức, thích “nổi tiếng”, thích được lên các
phương tiện thông tin đại chúng, thích nịnh bợ, khoe khoang; đồng thời lại có
thái độ quan cách với cấp dưới để thể hiện “quyền uy” của mình. Họ luôn tìm
cách “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” bằng cấp, “chạy” huân, huy chương để
nâng cao “uy tín” của mình, nếu bị phát hiện thì “chạy” tội để giữ gìn “uy
tín” đó. Họ là những ảo thuật gia tài năng biến “uy tín giả” thành “uy tín
thật”.
Hiện nay, tình trạng giảm sút và mất uy tín ở một bộ phận cán
bộ lãnh đạo đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng và Nhà
nước. Việc củng cố và nâng cao uy tín của cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ
lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, các ngành trở thành một yêu cầu quan trọng, cấp
thiết không chỉ đối với tổ chức mà với chính mỗi cán bộ lãnh đạo. Để có thể
xây dựng, củng cố và nâng cao uy tín của người cán bộ lãnh đạo, xin kiến nghị
một số giải pháp sau:
Một là, người cán bộ lãnh đạo cần nuôi dưỡng khát vọng vươn lên,
thực hiện lý tưởng của Đảng, phục vụ nhân dân, không được lấy uy tín làm mục
đích mà phải coi đó là phương tiện, điều kiện để thực hiện mục đích lãnh đạo.
Như thế uy tín sẽ được giữ gìn và bảo vệ từ mọi phía, nhất là từ phía nhân
dân và cấp dưới. Mỗi cán bộ lãnh đạo phải có phương hướng, biện pháp để tu
dưỡng, rèn luyện, giữ gìn và nâng cao uy tín của mình. Đây là biện pháp quan
trọng và quyết định nhất. Phải thường xuyên tự giác tu dưỡng rèn luyện, bồi
dưỡng phẩm chất và năng lực cần thiết, có thái độ nghiêm khắc với bản thân, đề
cao tính tự chủ, tự kiềm chế, tự điều chỉnh, đặc biệt là luôn đề cao tự phê
bình và phê bình.
Hai là, các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị cần tạo điều kiện
để cán bộ lãnh đạo phát huy hết phẩm chất, tài năng của mình, quan tâm củng
cố và nâng cao uy tín của người cán bộ lãnh đạo bởi uy tín của cá nhân họ
cũng là uy tín của tổ chức. Sự quan tâm đó sẽ góp phần giữ vững và nâng cao
uy tín thực của người cán bộ lãnh đạo, đồng thời khắc phục những hiện tượng
tạo uy tín giả.
Ba là, thường xuyên kiểm tra, giám sát uy tín của đội ngũ cán
bộ lãnh đạo bằng cách lấy phiếu tín nhiệm của tổ chức, ý kiến đóng góp của
cán bộ cấp dưới, của nhân dân một cách nghiêm túc, chân thực.
Bốn là, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị lần thứ
tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học
tập, làm theo tấm gương đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kiên
quyết thực hiện các nhóm giải pháp cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi
đôi với việc tăng cường giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ , công chức.
Cần có quy chế để từng cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo và cán bộ
quản lý các cấp từ Trung ương trở xuống phải đăng ký học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh với những nội dung cụ thể sao cho sát hợp với chức
năng, nhiệm vụ công tác của mình và phải có kiểm điểm gắn liền với kiểm điểm
công tác hàng tháng./.
|
Psy33lq81
0 nhận xét:
Đăng nhận xét