Nhân đọc chuyên đề “Chấn hưng văn hóa” ngày 27/10 vừa qua trên Báo CAND, dưới góc nhìn cá nhân, tôi đồng tình với quan điểm “Sự vô tận của văn hóa nên cần phải có bộ đo lường và ai là người chịu trách nhiệm” của tác giả Đức Hoàng; đồng thời cũng ủng hộ “chấn hưng văn hóa phải xuất phát từ giáo dục” trong bài “Chấn hưng văn hóa từ đâu?” của tác giả Hà Quang Minh. Tuy nhiên, người viết cũng xin góp thêm một góc nhìn để làm rõ thêm vấn đề: Tại sao lại cần phải chấn hưng văn hóa và tại sao chấn hưng văn hóa phải song trùng với sự nghiệp giáo dục?
Vẫn “nóng” đề xuất 350.000 tỷ đồng
Dư luận đang chưa “nguôi” về câu chuyện Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch (VH-TT&DL) đề xuất Chính phủ chi 350.000 tỷ đồng cho mục tiêu “chấn
hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn
2025-2035”, thì đề xuất 350.000 tỷ đồng cho mục tiêu chấn hưng văn hóa lại
“nóng” lên khi trong phiên thảo luận tổ tại Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng
VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Đề xuất 350.000 tỷ đồng chấn hưng văn
hóa là dùng cho các địa phương trong 11 năm, không phải lấy cho Bộ
VH-TT&DL. Số tiền này được tổng hợp từ nhu cầu chính đáng của các địa
phương, đã được cân nhắc, tính toán và sẽ lượng hóa cụ thể theo ngân sách từng
giai đoạn”.
Lý do mà Bộ VH-TT&DL đưa ra đó là Nghị quyết Đại hội Đảng
lần thứ XIII xác định văn hóa là trụ cột, nền tảng phát triển xã hội, là mục
tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng nhấn mạnh tư tưởng “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Tiếp theo là căn cứ
vào Kết luận số 42 về kinh tế - xã hội năm 2022-2023 của Trung ương cũng yêu
cầu triển khai Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa. Năm 2022, Thường vụ
Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng,
phát triển văn hóa, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Theo đề xuất, đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có
đủ ba loại hình thiết chế văn hóa như trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa
nghệ thuật, bảo tàng, thư viện. Cấp huyện và cấp xã có trung tâm văn hóa thể
thao, 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn
tạo. Có ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xã vùng
đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được thụ hưởng, tham gia các hoạt động văn
hóa.
Đến năm 2035, 100% thư viện bảo đảm điều kiện hoạt động, 100%
công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc đơn vị
công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, có năm trường
đại học trọng điểm và hai viện nghiên cứu được tập trung đầu tư trở thành cơ sở
đào tạo, nghiên cứu trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật,
sân khấu, điện ảnh, văn hóa ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực. Dĩ
nhiên, đề xuất này đang nhận được những ý kiến trái chiều từ dư luận, cũng như
giới chuyên gia.
Cẩn trọng việc lạm dụng đầu tư “phần xác” mà thiếu “phần hồn”
Chúng ta sẽ thấy hợp lý khi nếu xét riêng về văn hóa truyền
thống, chúng ta có trên 400 di sản văn hóa phi vật thể và hàng nghìn di tích
văn hóa lịch sử được công nhận ở cấp thế giới, quốc gia và tỉnh. Và để duy trì,
phát huy các giá trị văn hóa, các thiết chế văn hóa cũng rất cần thiết. Có
điều, đúng như đại biểu Phạm Văn Hòa nói: “Thời gian qua, có thể nói rằng,
thiết chế văn hóa cơ sở của chúng ta đang thực hiện còn hình thức. Bộ
VH-TT&DL cần định hình lại thiết chế văn hóa. Không làm cẩn thận sẽ rất
hình thức và gây tốn kém, lãng phí”. Và dưới góc nhìn cá nhân, người viết xin
phép được diễn giải thêm vấn đề “tại sao chấn hưng văn hóa lại phải song trùng
với sự nghiệp giáo dục?”.
Tôi nghĩ rằng, để lại “nhà cao cửa rộng”, khối tài sản kếch xù
cho con cháu không bằng bồi dưỡng cho con cháu về hệ tư tưởng, truyền thống
hiếu học của gia tộc, nề nếp gia phong, đạo đức, trí tuệ, dũng mãnh, tinh thần
tự lực tự cường, tự trọng bản thân, tự tôn văn hóa dân tộc.
Nói vậy bởi từ cổ chí kim, tất cả các triều đại hưng vượng đều
là do công lao gây dựng bằng hệ tư tưởng, đạo đức, trí tuệ, dũng mãnh, tinh
thần tự lực tự cường, tự tôn văn hóa dân tộc, yêu nước thương dân của các vị
vua đầu triều. Và cuối cùng cũng đều suy vong bởi các ông vua cuối triều vì chỉ
biết lo hưởng thụ trong cung vàng điện ngọc, đánh mất hệ tư tưởng, mất truyền
thống tốt đẹp của cha ông, mất đạo đức - trí tuệ - dũng mãnh, mất tinh thần tự
lực tự cường, mất tính tự tôn văn hóa dân tộc, mất lòng dân.
Cũng vậy, văn hóa là một phạm trù rất lớn, rất phức tạp và rất
khó khăn. Cho nên việc đầu tư số tiền 350.000 tỷ đồng để chấn hưng văn hóa,
trong đó phải tạo ra nhiều thiết chế văn hóa như trung tâm văn hóa, trung tâm
văn hóa nghệ thuật, bảo tàng, thư viện... nếu không cẩn trọng thì đó chỉ là đầu
tư cho “phần xác”, mà văn hóa là cái “phần hồn”, nhất là tiếng nói và chữ viết.
Nói cách khác, những cái gọi là thiết chế kia chỉ là trống rỗng, vô hồn. Bởi
vì, văn hóa nằm ở trong tâm tính mỗi con người, lưu truyền ở mọi dạng thức khác
nhau thông qua hoạt động của con người. Do đó, những thiết chế kia sẽ không
bằng việc tạo ra môi trường sáng tạo văn hóa thông thoáng, trào lưu sáng tạo
văn hóa sôi động trong lành mạnh, kế thừa và phát triển được hệ tư tưởng,
truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Tức là, chấn hưng văn hóa là chấn hưng hệ tư tưởng, truyền thống
hiếu học của gia tộc, nề nếp gia phong, đạo đức, trí tuệ, dũng mãnh, tinh thần
tự lực tự cường, tự trọng bản thân, tự tôn văn hóa dân tộc trong mỗi con người.
Và việc chấn hưng văn hóa phải song trùng cùng với sự nghiệp giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong một hội
thảo từng nhìn nhận: “Giáo dục là một thiết chế văn hóa, thậm chí có thể coi là
một thiết chế lớn nhất, là một lĩnh vực của văn hóa và bản thân giáo dục cũng
chính là văn hóa. Giáo dục và đào tạo là con đường để tạo dựng các giá trị văn
hóa, bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa, sáng tạo văn hóa và từ đó điều
chỉnh, phát triển văn hóa”.
Có thể nói, bản chất cội nguồn ngàn đời của dân tộc không thể
nào mất đi, nhưng hiện hữu nỗi lo là có sự đứt gãy, lu mờ trong giai đoạn nhất
định. Do vậy, vai trò của giáo dục càng quan trọng. Giáo dục phải nuôi dưỡng từ
nền tảng của “nếp nhà”, từ ứng xử nhân ái, nghĩa tình ở xung quanh cộng đồng
nhỏ, ra đến tâm thế chung của toàn xã hội, đất nước. Rồi được chăm bồi, phát
triển trong giáo dục lành mạnh. Một khi giáo dục con người có sức mạnh nội sinh
thì con người sẽ vững vàng, có được “bộ lọc” khi đón nhận, tiếp thu “cái mới”
một cách bình tĩnh, chắt lọc tinh hoa. Gốc rễ của văn hóa phải song trùng từ
giáo dục là thế. Còn nếu chỉ đổ tiền hàng trăm nghìn tỷ cho những công trình,
dự án gắn mắc chấn hưng văn hóa thì rất khó kiểm soát, tạo điều kiện cho tham
nhũng và làm lãng phí tiền của nhân dân.
Nguồn: Sông Hàn - Báo
Công an nhân dân
CH-K11
0 nhận xét:
Đăng nhận xét