Tháng 11/1973, trên chuyên mục "Sinh hoạt tư tưởng" của Tạp chí Cộng sản có đăng bài viết "Bệnh sợ trách nhiệm" của đồng chí Nguyễn Phú Trọng với bút danh "Người xây dựng". Khi đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là biên tập viên của Tạp chí Cộng sản. Nửa thế kỷ đã đi qua, đọc lại bài viết này và liên hệ với tình hình hiện nay, chúng ta có rất nhiều điều suy ngẫm.
Ngày ấy, sau chiến tranh phá hoại bằng B52 của đế quốc Mỹ nhằm
đưa miền bắc trở về thời kỳ "đồ đá", tình hình hai miền của đất nước
đứng trước những yêu cầu, đòi hỏi rất khẩn trương. Miền bắc vừa tập trung khắc
phục hậu quả chiến tranh và phát triển kinh tế, vừa làm hậu phương lớn chi viện
cho chiến trường miền nam. Ở miền nam, quân dân ta đang dốc sức chuẩn bị tổng
tiến công để sớm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Tình hình này, theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đòi hỏi mỗi cán
bộ, đảng viên phải là một chiến sĩ xung kích với tinh thần cách mạng tiến công,
ý thức trách nhiệm cao, sự nỗ lực rất lớn, chủ động và sáng tạo trong cuộc đấu
tranh xây dựng nền kinh tế mới, chế độ mới, con người mới, kiên quyết đấu tranh
chống những tư tưởng và hành động trái quan điểm, đường lối của Đảng, chống xu
hướng tiêu cực, bảo thủ.
Yêu cầu đòi hỏi là vậy, nhưng lúc bấy giờ trong cán bộ, đảng
viên còn có những đồng chí sợ trách nhiệm. Người sợ trách nhiệm khi đó được tác
giả bài viết nhìn nhận, chỉ rõ: (1) Làm việc cầm chừng cho đủ bổn phận, cốt sao
không phạm khuyết điểm; (2) Rụt rè, do dự khi giải quyết công việc, không phát
biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc
phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao; (3) Lấy lý do làm việc tập thể, tôn
trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể, việc lớn việc nhỏ gì cũng đưa ra tập thể
bàn, chờ ý kiến tập thể cho đỡ phiền; (4) Ngại va chạm với đồng chí trong đơn
vị, với cấp trên và cả cấp dưới, không thẳng thắn phê bình những người phạm
khuyết điểm, không đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, những tư tưởng và
việc làm trái với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Tập hợp các biểu hiện thường thấy của những người sợ trách nhiệm
được đồng chí Nguyễn Phú Trọng gọi là "Bệnh sợ trách nhiệm" và cho
rằng đây là một khuyết điểm thuộc về ý thức tư tưởng, phẩm chất cách mạng của
cán bộ, đảng viên.
Đồng chí nhấn mạnh, tinh thần trách nhiệm là một yêu cầu thuộc
về tiêu chuẩn của người cán bộ; mỗi cán bộ đều được Đảng và Nhà nước giao cho
một nhiệm vụ, công tác nhất định; lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, phẩm
chất, năng lực của cán bộ thể hiện trước hết và chủ yếu ở tinh thần phấn đấu
không mệt mỏi, quyết vượt mọi khó khăn, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đem hết
sức lực và tài năng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao.
Từ sự phân tích, đánh giá thực trạng tình hình, yêu cầu nhiệm vụ
lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định "Người nào sợ trách
nhiệm không phải là người lãnh đạo".
Hiện nay, đất nước ta bên cạnh những thuận lợi là cơ bản cũng
đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước tác động kép từ ảnh
hưởng của đại dịch Covid-19 và những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường
của tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới, khu vực. Trong điều kiện
đó, Đảng ta đặt ra yêu cầu "thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới
cho phát triển nhanh và bền vững đất nước"(1). Điều này đồng nghĩa với cán
bộ, đảng viên phải "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám
đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi
ích chung"(2).
Nhưng trên thực tế lại có một bộ phận cán bộ, đảng viên, công
chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh,
sợ sai không dám làm, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh
tế-xã hội và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Tình trạng này diễn
ra ở nhiều lĩnh vực, có cả ở các cơ quan Trung ương lẫn địa phương, tập trung ở
3 nhóm cán bộ, công chức, viên chức: (1) Nhóm vốn đã trót "nhúng
chàm", có khuyết điểm, sai phạm; (2) Nhóm thực thi công vụ nhưng không
nhận được bổng lộc, quà biếu; (3) Nhóm nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về pháp
luật, năng lực, trình độ, bản lĩnh còn hạn chế.
Biểu hiện cụ thể của tình trạng sợ trách nhiệm trong cán bộ,
đảng viên, công chức hiện nay có nhiều điểm giống với những biểu hiện mà đồng
chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra cách đây 50 năm, rõ nhất là trên lĩnh vực đầu tư
công, quản lý đất đai, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thực hiện thủ tục
hành chính, cung ứng các dịch vụ công trực tiếp liên quan đến người dân và
doanh nghiệp…
Biểu hiện cụ thể của tình trạng sợ trách nhiệm trong cán bộ,
đảng viên, công chức hiện nay có nhiều điểm giống với những biểu hiện mà đồng
chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra cách đây 50 năm, rõ nhất là trên lĩnh vực đầu tư
công, quản lý đất đai, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thực hiện thủ tục
hành chính, cung ứng các dịch vụ công trực tiếp liên quan đến người dân và
doanh nghiệp…
Nguyên nhân thì có nhiều, như cơ chế, chính sách, pháp luật còn
có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tế, nên cán bộ,
công chức không dám "vượt rào" hoặc nếu áp dụng quy định này thì lại
không đúng với quy định ở các văn bản khác; công tác cán bộ ở một số nơi còn
bất cập, nhất là chưa lựa chọn đúng người để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo,
quản lý; việc đánh giá cán bộ còn hình thức, chế tài xử lý đối với cán bộ sợ
trách nhiệm chưa đủ mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa
được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại trong quá
trình triển khai thực hiện, khiến cho cán bộ e ngại, sợ bị xem xét trách
nhiệm...
Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa, nguyên nhân chính của bệnh sợ trách
nhiệm ở cả thời điểm 50 năm trước và hiện nay được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
chỉ ra chủ yếu là do "chủ nghĩa cá nhân"; tinh thần, trách nhiệm, ý
thức phục vụ lợi ích chung, phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức,
viên chức chưa cao.
Từ bài viết "Bệnh sợ trách nhiệm" cách đây tròn nửa
thế kỷ và sự chỉ đạo quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu
cực hiện nay của người đứng đầu Đảng ta khẳng định sự nhất quán giữa nói và
làm, giữa tư tưởng và hành động của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong việc kiên
quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Nguồn gốc sâu xa, nguyên nhân chính của bệnh sợ trách nhiệm ở cả
thời điểm 50 năm trước và hiện nay được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra chủ
yếu là do "chủ nghĩa cá nhân"; tinh thần, trách nhiệm, ý thức phục vụ
lợi ích chung, phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức
chưa cao.
Chính suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là gốc
rễ của những khuyết điểm, sai phạm, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân nên phải
quyết tâm phòng chống cho bằng được. Đồng chí Tổng Bí thư luôn trăn trở suy
nghĩ về điều này và thường nói "chống suy thoái về tư tưởng chính trị
chính là chống tham nhũng tiêu cực trước một bước".
Nếu như trước đây, với trách nhiệm là nhà báo - đảng viên, đồng
chí Nguyễn Phú Trọng mạnh dạn phê phán "Người nào sợ trách nhiệm không
phải là người lãnh đạo" thì nay, trên cương vị là người đứng đầu của Đảng,
đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu phải chấn chỉnh, khắc phục cho
được tình trạng "sợ trách nhiệm": Ai không dám làm, không làm được
thì đứng sang một bên để người khác làm.
Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai
không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, cùng với hoàn thiện thể chế,
tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm thực thi công vụ, các cấp ủy, tổ chức
đảng, cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần quán triệt, triển khai
thực hiện có hiệu quả Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị và
Nghị định số 73-NĐ/CP, ngày 29/9/2023 của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán
bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích
chung.
Điều quan trọng, căn cơ, bền vững nhất là phải đấu tranh loại bỏ
"chủ nghĩa cá nhân", bởi đây là nguyên nhân sâu xa của tham nhũng,
tiêu cực nói chung và "bệnh sợ trách nhiệm" nói riêng, bởi "sợ
trách nhiệm" là một khuyết điểm thuộc về ý thức tư tưởng, về phẩm chất
cách mạng.
Đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, công chức có bản
lĩnh chính trị vững vàng, xác định rõ trách nhiệm "là công bộc của
dân", phải thực thi công vụ theo đúng quy định của pháp luật, vì lợi ích
chung, xóa bỏ nhận thức "không làm không sai". Đặc biệt là thực hiện
các quy định về nêu gương, nhất là nêu gương của người lãnh đạo.
Đồng thời mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao ý thức tự phê bình, tự
giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tự học tập nâng cao năng lực, trình độ
để "có trái tim sục sôi bầu nhiệt huyết cách mạng, sẵn sàng hành động vì
nước vì dân; có cái đầu đầy bản lĩnh và trí tuệ để khó khăn nào cũng vượt qua,
kẻ thù nào cũng đánh thắng; có đôi chân vững chắc và bàn tay sạch để đứng vững,
đứng thẳng và khước từ mọi cám dỗ tầm thường, giữ danh dự của người cán
bộ" như lời dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm
"Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp
phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh".
Bài "Bệnh sợ trách nhiệm" của đồng chí Nguyễn Phú
Trọng viết cách đây đã 50 năm, nhưng tinh thần nội dung bài viết như đang viết
cho hiện nay. Đó là giá trị lịch sử và ý nghĩa thực tiễn của bài viết. Do đó,
cần nghiên cứu, vận dụng, quán triệt sâu sắc tinh thần nội dung bài viết của
đồng chí Nguyễn Phú Trọng để chấn chỉnh, khắc phục có hiệu quả tình trạng né
tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công
chức hiện nay.
(1) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb
CTQGST, H.2021, Tập 1, tr.110.
(2) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb
CTQGST, H.2021, Tập 1, tr.187.
Nguồn: TS NGUYỄN THÁI HỌC - Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét