Thời gian gần đây, các thế lực thù địch tập trung chống phá
Đảng, Nhà nước Việt Nam trên các lĩnh vực trong đó có nền kinh tế chúng cho
rằng “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là “mô hình kinh tế nầy
là giả tạo, nhất là việc đảng có thể dùng chủ nghĩa xã hội để định hướng kinh
tế thị trường... như thế là trái với quy luật khách quan, rất cần phải được
loại bỏ khỏi hiến pháp”. Thực chất đây là một luận điểm chống phá với mưu đồ hạ
thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận bản chất tốt đẹp, tính tất yếu khách
quan trong xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Bởi vì:
Thứ nhất, kinh tế thị trường là một kiểu tổ chức kinh tế
phản ảnh trình độ phát triển của văn minh nhân loại. Kinh tế thị trường đã hình
thành từ xã hội nô lệ, trong xã hội phong kiến có sự phát triển nhất định, đến
xã hội tư bản chủ nghĩa kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, đem lại sự giàu
có cho các nền kinh tế thị trường hiện đại.
Chủ nghĩa Mác - Lênin cũng chỉ ra, loài người nhất thiết
phải trải qua 5 hình thái kinh tế xã hội từ thấp đến cao: Cộng sản nguyên thủy,
chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và cuối cùng là chủ nghĩa cộng
sản. Kinh tế thị trường là một giai đoạn phát triển tất yếu lịch sử, song hiện
nay kinh tế thị trường đang có những bước phát triển thích nghi với sự phát
triển của các hình thái kinh tế xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập
quốc tế sâu rộng, cùng với sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư, để xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật cho xã hội, đòi hỏi các
nền kinh tế phải trải qua kinh tế thị trường. Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc
điểm, điều kiện của mỗi nước để vận dụng và phát triển kinh tế thị trường, trên
cơ sở quy luật vận động chung của kinh tế thị trường, theo định hướng riêng của
mỗi nước.
Cần khẳng định rằng Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một
nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, hậu quả nặng nề do
chiến tranh để lại, các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách chống phá. Theo
đó, mô hình kinh tế kế hoạch tập trung mang tính bao cấp chỉ đáp ứng được yêu
cầu của thời kỳ đất nước có chiến tranh. Do đó, để xây dựng cơ sở vật chất kỹ
thuật cho đi lên chủ nghĩa xã hội, cần phải trải qua thời kỳ quá độ với nhiều
bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen. Đại hội VI của Đảng
(tháng 12/1986), trên cơ sở đổi mới tư duy, nắm bắt đúng quy luật vận động
khách quan của kinh tế thị trường, xu thế phát triển tất yếu của thời đại, vận
dụng đúng đắn, sáng tạo vào điều kiện cụ thể Việt Nam; Đảng ta đề ra chủ trương
phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với những hình thức kinh doanh phù hợp.
Đại hội VII, VIII của Đảng đều xác định xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều
thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế
thị trường có sự quản lý của Nhà nước; và từ Đại hội IX của Đảng đến
nay, cũng như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đều xác định: Xây dựng nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp năm 2013
hiến định: Nền kinh tế Việt Nam là nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa; với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà
nước giữ vai trò chủ đạo”.
Lý luận về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện; đó là nền kinh tế thị trường
hiện đại; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị
trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản
chất của chủ nghĩa xã hội, có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam; với tính ưu việt được thể hiện cả trong sở hữu, tổ chức
quản lý và phân phối; gắn phát triển kinh tế với xã hội, tăng trưởng kinh tế đi
đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đó là mục tiêu tốt đẹp mà xã hội
loài người đang hướng tới và phấn đấu đạt được.
Thứ hai, thực tiễn quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hơn 36 năm qua đã chứng minh.
Qua hơn 36 năm đổi mới đất nước, từ Đại hội VI của Đảng (năm
1986) đến nay, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện về mọi mặt;
kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản bảo
đảm, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao. Tổng kết 35 năm đổi mới (1986 –
2020), Việt Nam từ một nước có nền kinh tế kém phát triển, có thu nhập thấp, đã
trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, công nghiệp hóa,
hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; kinh tế Việt Nam phát triển
liên tục từ 1986 đến 2020 với tốc độ trung bình khoảng 7% mỗi năm; thu nhập
bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần. Năm 2021, do ảnh hưởng bởi đại dịch
Covid-19, trong khi nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng thấp, song
Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng 2,56%. Năm 2022, Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng
8,02%. Đời sống nhân dân được nâng lên, các chính sách an sinh xã hội bảo đảm
tốt; chính trị - xã hội đất nước ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường;
độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững.v.v.
Những thành tựu đó đã chứng minh đường lối xây dựng nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, phù
hợp với quy luật vận động khách quan của kinh tế thị trường, xu thế phát triển
tất yếu của thời đại và điều kiện cụ thể của Việt Nam. Cho nên, những luận điệu
mà các thế lực thù địch xuyên tạc là hoàn toàn sai trái, phủ nhận đường lối
lãnh đạo của Đảng, chống phá cách mạng Việt Nam. Vì vậy mỗi công dân cần có
nhận thức đúng đắn và tích cực đấu tranh với những luận điệu sai trái bảo vệ
vững chắc thành quả cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và
công cuộc đổi mới đất nước, kiên định con đường đã chọn./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét