Trong sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ
tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở đảng viên của Đảng phải luôn gắn chặt
với Đảng, với giai cấp, với nhân dân. Người nêu rõ: Đảng viên là người thay mặt
Đảng, đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt
Nam; do vậy mà lợi ích của người đảng viên luôn luôn gắn liền, ở bên trong lợi
ích của Đảng, của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động. Từ đó, Người khẳng
định nếu rời khỏi Đảng, rời khỏi giai cấp, rời khỏi nhân dân lao động thì “cá
nhân dù tài giỏi mấy, cũng nhất định không làm nên việc gì”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Bất kỳ bao giờ,
bất kỳ việc gì, đều phải tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của
Đảng lên trên hết, trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân phải để
lại sau. Đó là nguyên tắc tối cao của Đảng. Mỗi một đảng viên phải ghi chắc
điều đó. Chúng ta gọi nó là tính Đảng”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí
Minh, tính Đảng thể hiện rõ ở ba nội dung sau: “Một là: Phải đặt lợi ích của
Đảng, của dân tộc lên trên hết. Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn
thận và làm đến nơi đến chốn. Phải hiểu rằng: Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt
chính sách mới đúng. Mà muốn hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và
báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu. Nếu không
biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn”
không ăn khớp gì hết. Ba là: Lý luận và thực hành phải luôn đi đôi với nhau”.
Để giữ vững, tăng cường, phát huy tốt tính Đảng, Hồ
Chí Minh chỉ rõ vai trò quyết định, tiên phong, tự giác rèn luyện phấn đấu, làm
gương cho quần chúng noi theo. Người xác định nhiệm vụ: “Tất cả cán bộ, đảng
viên của Đảng phải vì Đảng, vì dân mà hăng hái phấn đấu. Phải chịu khó học tập
chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế
phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui”.
Người chỉ rõ: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản”
mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn
hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Trong đó,
Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng,
chính quyền, đoàn thể. Ngày 11-2-1951, Người phát biểu tại Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ II của Đảng: “Mỗi đảng viên cần phải làm kiểu mẫu phục tùng
kỷ luật, chẳng những kỷ luật của Đảng, mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân
và của cơ quan chính quyền cách mạng”.
Cùng với tự giác, nỗ lực của đảng viên, Hồ Chí Minh
chỉ rõ vai trò hết sức quan trọng của tổ chức Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ
đạo, hướng dẫn đảng viên rèn luyện phấn đấu. Tháng 2-1969, trong tác phẩm nổi
tiếng “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người viết:
“Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ
nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng
viên”. Người rất chú trọng nhắc nhở các tổ chức đảng phải duy trì thực hiện
nghiêm túc một nguyên tắc cơ bản của Đảng: “Phải thực hành phê bình và tự phê
bình nghiêm chỉnh trong Đảng”. Người đặc biệt yêu cầu tổ chức Đảng: “Chế độ
sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công
tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.
Hồ Chí Minh còn xác định rõ Đảng và đảng viên của Đảng
phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng
viên. Với quan điểm: Xây Đảng là công việc của Đảng và của đảng viên, mà cũng
là của toàn dân, Người yêu cầu Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cần: “Tin vào
dân chúng. Đưa mọi vấn đề để cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết.
Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết
gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của
dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Người chỉ ra phương pháp cụ
thể: “Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập
trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng.
Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa nó thành
cách chỉ đạo nhân dân”.
Hơn 93 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam và đội ngũ cán
bộ, đảng viên của Đảng đã thấm nhuần, thực hiện nghiêm túc tư tưởng, lời dạy
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn giữ vững, tăng cường, phát huy tính Đảng, thiết
thực góp phần lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến
thắng lợi khác. Trong thời kỳ đổi mới cũng như trước yêu cầu cấp thiết của
Đảng, Nhà nước, nhân dân, tính Đảng đã và đang tiếp tục được thực hiện với ý
chí quyết tâm cao, những chủ trương, giải pháp tích cực, phù hợp đem lại kết
quả thiết thực. Có thể nêu ra rất nhiều ví dụ cụ thể đã và đang được triển khai
thực hiện trên thực tế, như: Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung
ương khóa XII đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó
có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, quy định tại Điều 4, như sau:
“Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu,
không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung
bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết
lòng vì nước, vì dân; không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao”. Và một
trong nhiều giải pháp khắc phục biểu hiện trên đã được Nghị quyết Đại hội Đảng
lần thứ XIII đề ra: “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những
cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của
Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách
nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết
liệt trong hành động vì lợi ích chung”.
Hiện nay, một mục tiêu, giải pháp xây dựng, tăng
cường, phát huy tính Đảng mà Nghị quyết Trung ương Năm khóa XIII đã đề ra, đang
được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức phấn đấu thực hiện: “Xây dựng mối
quan hệ mật thiết giữa tổ chức cơ sở đảng, đảng viên với nhân dân; lấy kết quả
công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để
đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên”./.
NXT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét