Điều 2, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân” nên “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Do đó, mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền ở Việt Nam không phải và không thể “tam quyền phân lập”.
Điều
đó không phải do ý chí chủ quan của bất kỳ một chủ thể nào mà do những quy định
tất yếu khách quan chi phối, bắt nguồn từ bản chất của chế độ chính trị, chế độ
kinh tế của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tiễn và kinh nghiệm 30 năm đổi mới đã qua cũng như việc học hỏi, tham khảo
kinh nghiệm của các nước trong tiến trình hội nhập quốc tế đã cho thấy, tính
đúng đắn và sáng tạo của Đảng trong hoạch định đường lối đổi mới, lựa chọn mô
hình tổ chức nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không tam quyền phân lập mà thống nhất quyền
lực của nhân dân, bởi nhân dân, vì nhân dân.
Xây
dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền là sự đồng thuận, phù hợp của Việt Nam với xu thế chung, phổ biến của tiến bộ lịch sử và
sự phát triển xã hội trong thế giới hiện đại và đương đại. Tính phổ biến đó
được thể hiện ở Việt Nam thông qua tính đặc thù. Nhận rõ tính phổ biến của thế giới để hiểu
đầy đủ hơn tính đặc thù của
dân tộc trong đổi mới và phát triển, hội nhập quốc tế và hiện đại hóa đất nước.
Đây là một tương tác biện chứng cần phải tính đến trong xác định đường lối,
chính sách, lựa chọn mô hình và tìm kiếm các giải pháp phát triển. Chủ động hội
nhập và tiếp thu có chọn lọc những giá trị và kinh nghiệm của các nước để Việt
Nam không ở bên ngoài tiến trình phát triển chung của thế giới. Mặt khác, với
tư duy đổi mới, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, cần phải độc lập giải
quyết những vấn đề của chính mình trong phát triển, không sao chép máy móc giáo
điều mô hình bên ngoài không phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam. Quan
điểm đó được chính thực tiễn (từ thực tiễn biến đổi của thế giới và thời đại
đến thực tiễn đất nước và dân tộc) soi sáng, chỉ dẫn. Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa thực hiện thống nhất quyền lực trên cơ sở phân công, phối hợp và
kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp,
hành pháp, tư pháp,... là sự lựa chọn đúng đắn, hợp lý mô hình tổ chức nhà nước
ở nước ta.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang
trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, là một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, đồng thời là một trong những phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta và là điều
kiện bảo đảm cho Việt Nam hội nhập quốc tế trong một thế giới toàn cầu hóa. Đại hội XII của Đảng đã xác
định: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do
Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”.
“Trong tổ chức và hoạt động của nhà nước, phải
thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển
biến tích cực, đạt kết quả cao hơn”2.
Điều
này nhất quán với nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước đã được hiến định trong
Hiến pháp năm 2013 “Quyền lực nhà nước
là thống nhất” bởi “tất cả
quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Do đó, vấn đề sâu xa, cốt yếu của
nhà nước pháp quyền ở nước ta là đảm
bảo dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân, phát triển năng lực làm chủ
và thực hành dân chủ của nhân dân trên tư cách người chủ của nhà nước và xã hội.
Không phân chia quyền lực nhưng phải đặc biệt phân định, phân biệt rõ các
quyền, trên cơ sở phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các quyền lập pháp, hành
pháp, tư pháp. Đổi mới đồng bộ từ Quốc hội (lập pháp) đến Chính phủ (hành pháp)
và Tòa án, Viện Kiểm sát (tư pháp) “và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ
thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”3, đó là
tinh gọn tổ chức bộ máy đi liền với chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đây
là chìa khóa để giải quyết vấn đề chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của
nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Một
vấn đề quan trọng khác là phải “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và
pháp luật”. Có cơ chế bảo hiến tốt mới có thể đẩy mạnh xử lý các hành vi vi
hiến một cách công khai, minh bạch, bình đẳng. Không có vùng cấm, nhà nước ở
trong xã hội và của người dân chứ không
đứng trên, không ở bên ngoài xã hội; kiểm soát quyền lực ở các cấp
chính quyền. Đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ với cải cách tư pháp, làm rõ
thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức trong cơ cấu nhà nước cũng
như trong hệ thống chính trị. Tăng cường các chế tài để xiết chặt kỷ luật, kỷ
cương, pháp chế và trách nhiệm đối với người dân. “Đẩy mạnh đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết
kiệm trong các cơ quan nhà nước và trong đội ngũ cán bộ, công chức”. Đảm bảo
tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cao của đội ngũ công chức, đề cao đạo đức
công chức và kỷ luật công vụ để phục vụ dân có hiệu quả, tăng trưởng niềm tin và mức độ hài lòng của
người dân đối với Nhà nước và công chức.
Để
tạo ra những chuyển biến đó, đòi hỏi sự nỗ lực và trách nhiệm của Đảng, Nhà
nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể trên tinh thần dân chủ, đoàn kết, đồng thuận vì
thắng lợi của đổi mới và phát triển mà sâu xa là phát triển con người - người
dân, những người chủ của xã hội dân chủ, của nhà nước pháp quyền./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét