Đồng bằng sông Cửu Long là bộ phận của châu thổ sông Mê Công có diện tích khoảng 40,6 ngàn km2, chiếm 13% diện tích tự nhiên cả nước; trong đó có khoảng 1,5 triệu ha đất trồng lúa màu mỡ bậc nhất ở nước ta và trên thế giới; dân số vùng khoảng 17,5 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong 6 Vùng kinh tế - xã hội của cả nước, bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới. Đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, hào hùng và rất vẻ vang; là địa bàn sinh sống, gắn bó đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm…
Những năm qua, kinh tế - xã
hội của vùng đạt được kết quả khá toàn diện; trở thành vùng trọng điểm nông
nghiệp của cả nước, với nhiều sản phẩm chủ lực; là vùng sản xuất và xuất khẩu
lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp
khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản
nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.
Kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng được cải thiện; quy mô kinh tế được mở
rộng, năm 2020 đạt khoảng 970 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng GDP cả nước;
GRDP bình quân đầu người đạt mức 56,02 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế
chuyển dịch tích cực; nhiều dự án công nghiệp trọng điểm về năng lượng đi vào
hoạt động.
Chương trình mục tiêu quốc
gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả truan trọng, năm 2020 có 60,8%
số xã đạt chuẩn quốc gia. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư bằng
nhiều nguồn lực, góp phần thay đổi diện mạo của vùng. Nhiều hình thức liên kết,
hợp tác vùng được hình thành. Quản lý và khai thác tài nguyên, nhất là tài
nguyên nước, bảo vệ môi trường được chú trọng; chủ động hơn trong thích ứng với
biến đổi khí hậu.
Văn hóa xã hội có nhiều tiến
bộ; chất lượng giáo dục - đào tạo và các chỉ tiêu y tế cơ bản được cải thiện.
Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,8%.
Công tác giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội đạt nhiều kết quả. Đời
sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng không ngừng được cải thiện.
Công tác xây dựng Đảng, hệ
thống chính trị được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao.
Công tác dân tộc và tôn giáo được quan tâm, đạt kết quả quan trọng. Trật tự, an
toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững, nhất là an ninh
chính trị, an ninh biên giới, bảo vệ vững chắc vùng đất, vùng trời, vùng biển
của Tổ quốc.
Trong những năm qua, Đảng và
Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, chương trình và
dự án cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để thúc đẩy phát
triển vùng. Để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển của Vùng trong thời kỳ mới,
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế
- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm
2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 13-NQ/TW). Trước đó, Chính phủ ban
hành Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng
sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và ngày 28/02/2022, Thủ tướng
Chính phủ ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng
sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Chính trị ban hành
Nghị quyết lần này là để quán triệt sâu sắc hơn và tổ chức triển khai thực hiện
tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII
của Đảng về phát triển vùng; đồng thời để tạo ra một bước đột phá mới trong
việc phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn
tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong
giai đoạn mới và để tiếp tục phát huy những kết quả thành tựu to lớn đã đạt
được.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét