Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, xác định đây là nhiệm vụ then chốt. Cùng với tập trung nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, Đảng ta thường xuyên chú trọng công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Muốn cho Đảng mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng, đòi hỏi đảng viên phải có chất lượng”.
Mục tiêu mà Đảng ta hướng
tới là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, gần
dân, sâu sát cơ sở, có trách nhiệm cao với nhiệm vụ, có phẩm chất đạo đức cách
mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành các công việc được giao,
có bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách… Để thực hiện mục
tiêu ấy, Đảng ta có nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực. Công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên được Đảng ta nhấn mạnh,
làm rõ trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định. Quán triệt và thực hiện các
nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, từng tổ chức cơ sở đảng đã cụ thể hóa
thành các kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với thực tiễn và nhiệm vụ
chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương mình nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ
đảng viên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng từng nói: “Bằng chính bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong;
bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho nhân dân, cho đất nước;
bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán
bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc; bằng
mối liên hệ máu thịt với nhân dân…”, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng
nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình. Đội ngũ đảng viên của
Đảng là một trong những nhân tố quyết định sự tồn tại, phát triển lớn mạnh và
việc thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng.
Bên cạnh đại đa số đảng
viên vẫn giữ gìn được phẩm chất đạo đức cách mạng, vị trí, vai trò và uy tín
lãnh đạo, nhưng vẫn có một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống. Thực tế ấy không phải bây giờ Đảng ta mới nhận
thấy. Nguy cơ tha hóa của đảng viên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo và
chỉ ra ngay sau khi nước nhà giành được độc lập.
Những năm gần đây, do tác
động bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tình trạng suy thoái trong
một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn biến ngày càng phức tạp. Từ chỗ
trước Đại hội XI, Đảng ta chỉ đánh giá “một bộ phận”, nhưng đến Nghị quyết Hội
nghị Trung ương 4 khóa XI, Đảng ta chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng
viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số
cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”. Trong văn
kiện Đại hội XII, Đảng ta một lần nữa chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa
bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”. Trong văn kiện Đại
hội XIII, Đảng ta tiếp tục chỉ ra rằng: “Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối
sống của một số cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, nền nếp, vẫn còn tình
trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng, quan liêu,
tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa… việc đấu tranh với các biểu hiện lệch
lạc về đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ. Tự phê bình và phê bình ở một số nơi còn
hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi”.
Đảng ta nhận định rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống của một bộ phận không nhỏ đảng viên đã tác động làm giảm sút lòng tin của
nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò
lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Hội nghị Ban Chấp hành
Trung ương 4 khóa XIII nhận thấy nội dung của các nghị quyết, chỉ thị, quy định
đã ban hành đến nay cơ bản vẫn còn phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của công tác
quản lý, giáo dục và rèn luyện đội ngũ đảng viên. Nhưng thực tiễn luôn biến
đổi, vận động không ngừng. Trước yêu cầu mới của tình hình nhiệm vụ, Ban Chấp
hành Trung ương nhận thấy cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội
dung quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối
sống của cán bộ, đảng viên. Việc bổ sung, hoàn thiện này không ngoài mục đích
góp phần ngăn ngừa, khắc phục một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn những biểu
hiện suy thoái, tiêu cực của cán bộ, đảng viên; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương
của Đảng. Cùng với đó Đảng ta cũng nhận thấy, có một số nội dung qua thực tiễn
chưa đầy đủ, rõ ràng, có nội dung khó áp dụng, gây khó khăn khi phải xem xét vi
phạm của cán bộ, đảng viên; có nội dung quy định của Đảng và Nhà nước đã thay
đổi, do đó cần phải được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Tuy nhiên, đi vào cụ thể
trước hết chúng ta cần đổi mới nội dung, phương pháp phân tích, đánh giá chất
lượng đảng viên. Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện, phát triển, sàng lọc
đảng viên phải được tăng cường. Đối với những người vi phạm nghiêm trọng Điều
lệ Đảng, những điều đảng viên không được làm và pháp luật Nhà nước, cần kiên
quyết đưa ra khỏi Đảng. Mặt khác, trong mọi hoạt động của các cấp ủy, tổ chức
đảng phải cần phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; đề cao trách nhiệm
của người chủ trì lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương. Cấp ủy các cấp
phải xây dựng và thường xuyên bổ sung quy chế lãnh đạo và quy chế làm việc,
thực hiện nghiêm quy chế chất vấn trong sinh hoạt Đảng, bảo đảm cho mọi đảng
viên đều được thực hiện quyền tham gia vào các công việc của Đảng. Công tác
kiểm tra, giám sát được nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm túc, góp phần phát
hiện và khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót khi mới manh nha, ngăn chặn kịp
thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong bộ máy Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, phải thực hiện
nghiêm, có hiệu quả cụ thể hơn nữa Quy định về những điều đảng viên không được
làm mà Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII mới bổ sung, sửa
đổi, hoàn thiện; kiên quyết khắc phục cho được những hạn chế, bất cập, thiếu
sót trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đáp ứng được yêu cầu của công tác xây
dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và công tác quản lý, giáo dục nâng cao chất
lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng trong tình hình mới.
VHC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét