Thứ Ba, 12 tháng 9, 2023

NVE40- NHỮNG MINH CHỨNG KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM

Biển đảo Việt Nam là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc được cha ông truyền lại. Cúng ta phải ra sức gìn giữ toàn vẹn phần lãnh thổ này như lời Bác Hồ năm xưa đã dặn “các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. “Lãnh thổ Việt Nam là một khối thống nhất và toàn vẹn bao gồm vùng đất, vùng biển và vùng trời. Nước ta có đường bờ biển dài 3260 km, cong hình chữ S, chạy từ thị xã Móng Cái  (Quảng Ninh) ở phía Bắc đến thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) ở phía Tây Nam… Nước ta có hơn 4000 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là các đảo ven bờ và có hai quần đảo ở ngoài khơi xa trên biển Đông là quần đảo Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng) và quần đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa)… Biển Đông đối với nước ta là một hướng chiến lược quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước. Các đảo và quần đảo tạo thành hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền, hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới, khai thác có hiệu quả các nguồn lợi vùng biển, hải đảo, thềm lục địa.


Biển Đông được coi là 1 trong 5 bồn trũng chứa nhiều dầu khí lớn nhất thế giới. Kinh tế ven biển và thuần biển đã có đóng góp quan trọng vào tổng GDP của cả nước, và cùng với đó, thu nhập bình quân của người dân ven biển đang tăng nhanh. Vùng biển của Việt Nam được phê chuẩn theo công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 và vào năm 1994. Theo đó, một quốc gia ven biển sẽ có 5 vùng biển là: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Căn cứ để tính chiều rộng của các vùng biển của một quốc gia chính là đường cơ sở và đơn vị đo chính là hải lí. Một hải lí bằng 1852m.

Nước Việt Nam nằm bên bờ phía tây của Biển Đông. Bao đời nay, biển và hải đảo đã gắn bó chặt chẽ với các hoạt động sản xuất và đời sống của dân tộc ta. Ngay từ thời Hùng Vương, tổ tiên chúng ta đã biết khai thác biển, lúc đầu là đánh bắt các hải sản ven bờ, sau tiến ra các đảo và vùng biển xa hơn. Câu chuyện về chàng Mai An Tiêm bị vua cha hiểu lầm đuổi ra đảo hoang đã cùng vợ bỏ sức khai phá và trồng dưa hấu trên hòn đảo gần bờ biển vùng Nga Sơn (Thanh Hóa) đã phần nào phản ánh: Từ xa xưa, người Việt đã tới sinh sống và sản xuất trên các hải đảo ven bờ. Không những vậy, cư dân Lạc Việt thời đó cũng đã có khả năng vượt biển tới những vùng đất xa, bằng chứng là những chiếc thuyền vũ trang có chở nhiều đồ đồng quý giá như trống, bình đồng… mà người ta thấy được ở hầu khắp các đảo lớn thuộc Inđônêxia và ven bờ biển Malaixia, Thái Lan.

Các triều đại phong kiến Việt Nam sau này đều thấy rõ vai trò của biển đối với sự phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.Trên nhiều tấm bản đồ cổ của nước ta cũng như của nước ngoài đều thể hiện chủ quyền biển đảo Việt Nam. Bộ Hồng Đức bản đồ gồm bản đồ cả nước và các địa phương, trong đó có vùng biển, đảo đã ghi lại khá toàn diện hình ảnh của quốc gia Đại Việt ở cuối thế kỉ 14. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thì trên những bản đồ cổ của Tây Phương và cả những bản đồ từ thế kỉ 15 của Trung Quốc đều dùng địa danh biển Giao Chỉ (tức là biển của Việt Nam) để chỉ vùng biển ở phía đông nước ta. Giao Chỉ là tên gọi do các triều đại phong kiến Trung Quốc dùng để chỉ người và nước Việt Nam xưa. Giao Chỉ là một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Các triều đại phong kiến Trung Quốc sau này nhiều khi vẫn dùng tên Giao Chỉ cũng như tên An Nam để chỉ quốc gia và nhân dân Đại Việt.

Sang thế kỉ XIX hoạt động chủ quyền của nhà Nguyễn được tổ chức chặt chẽ, thường xuyên và phong phú hơn, nhất là dưới các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Nhà Nguyễn nối tiếp chúa Nguyễn và vương triều Tây Sơn đã thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa dưới nhiều hình thức và biện pháp khác nhau như vãng thám kiểm tra kiểm soát, khai thác các hóa vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát, đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ lưu dấu để ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết… Lực lượng ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ có các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, các đội Thủy quân, biền binh, vệ giám thành mà cả binh đinh, dân phu (chủ yếu ở hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định). Mỗi chuyến đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đều phải có quyết định của nhà nước dưới hình thức “tờ sai để thi hành công vụ” và nhiều khi chính nhà vua trực tiếp chỉ đạo việc quyết định cho thuyền ra khơi hay tạm dừng lại vì bão gió. Tập tài liệu của Trung Quốc Ngũ quốc Nam hải chư đảo sử liệu hội biên do Hàn Chấn Hoa chủ biên, trang 115 thiên thứ nhất, cũng ghi chép dấu vết trên đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) ở Hoàng Sa có miếu gọi là Hoàng Sa tự (Hoàng Sa tự được vua Minh Mạng triều Nguyễn cho xây dựng).

Từ khi chiếm lĩnh được hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông cha ta đã cho người ra cắm mốc chủ quyền. Khi chính quyền Pháp bảo hộ, họ cũng đã cắm bia chủ quyền ghi “Cộng hòa Pháp- Đế quốc An Nam quần đảo Hoàng Sa”. Vào năm 1956, khi người Pháp rút, bàn giao 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa.Như vậy, qua các căn cứ trên ,chúng ta hiểu rằng Hoàng Sa,Trường Sa là của Việt Nam.Bất kì sự xâm phạm của quốc gia nào vào vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta là đã đi ngược Công ước về luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc.

Trong thời gian qua,Trung Quốc đã nhiều lần tái diễn hành vi xâm phạm vùng biển Việt Nam: Tập trận ở vùng biển Hoàng Sa, tàu cá Trung Quốc, tàu dân quân biển, tàu khảo sát Trung Quốc…đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Biển Đông của chúng ta lại “nóng”lên trước các hoạt động của Trung Quốc. Trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Viện Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. 

Có thể khẳng định rằng chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm lược chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển, được xác định phù hợp với công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam hết sức coi trọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, thiện chí và sẵn sàng giải quyết các tranh chấp bất đồng bằng các biện pháp hòa bình. Trên cơ sở đó, trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”. Chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh để giữ vững chủ quyền quốc gia của tổ quốc, không để bị động, bất ngờ, không để mất đảo, mất dân, mất đất. Biển đảo là của tiền nhân để lại, một viên đá trên đảo, một ngụm nước biển thuộc chủ quyền của nước mình cũng khống thể để mất đi.   

Vì vậy chúng ta cần có nhận thức đúng đắn về vị trí vai trò của biển, đảo, hiểu biết sâu sắc về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc để tìm ra phương thức bảo vệ chủ quyền một cách hữu hiệu; Xây dựng, củng cố lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lập tự cường, nâng cao ý thức bảo vệ tổ quốc; Tích cực học tập huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu nhận và hoàn thành các nhiệm vụ Quân đội./. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét