Thứ Ba, 12 tháng 9, 2023

NVE40-VẠCH TRẦN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

 Tự do tôn giáo luôn được Đảng, nhà nước ta quan tâm và thực hiện một cách có hiệu quả nhưng mới đây tại một “phiên điều trần” với chủ đề: “Tình trạng tồi tệ về tự do tôn giáo trên thế giới” vừa được Tiểu ban Sức khỏe toàn cầu, Nhân quyền toàn cầu và Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ, cùng một vài tổ chức quốc tế tiến hành. Tại “phiên điều trần”, đại diện một số tổ chức như: Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF); Tổ chức Cứu trợ người vượt biển (BPSOS) và đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề tự do tôn giáo đã đưa ra những phát biểu hồ đồ, vô căn cứ, sai sự thật về việc thực hiện quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam. Họ cho rằng, ở Việt Nam “không có tự do tôn giáo” và vu cáo Việt Nam “đàn áp và bỏ tù” hàng loạt người dân tộc thiểu số hoạt động tôn giáo...


Như chúng ta đã thấy thực chất của cái gọi là “phiên điều trần” này không gì khác là nhằm tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân thù địch xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo về tự do tôn giáo ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những phát biểu của một vài tổ chức như đã nói tại “phiên điều trần” về tự do tôn giáo ở Việt Nam là hồ đồ, vô căn cứ, bóp méo, xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn. Tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã nhiều lần công bố trước thế giới quan điểm, chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo. Khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành động vi phạm tự do tín ngưỡng; đồng thời, nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân”.

Những minh chứng cho thấy Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”. Trong Hiến pháp và các văn bản luật của Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân luôn được ghi nhận. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 24 (Chương II) của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Đặc biệt, sự ra đời của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 đã chứng minh quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

Công tác bảo đảm tự do tôn giáo luôn phát trin và đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước đến nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với hơn 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% tổng dân số, trên 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không một tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị ngăn cấm. Mọi người dân Việt Nam hoàn toàn tự nguyện, tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào, không bị ép buộc, cấm đoán. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân luôn được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và đảm bảo. Ở Việt Nam ngày càng có thêm nhiều tổ chức tôn giáo được công nhận và hoạt động. Số lượng các tín đồ tôn giáo tăng nhanh. Các cơ sở thờ tự liên tục được xây dựng, mở mang, tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo. Hoạt động in ấn, phát hành kinh sách được xuất bản tự do theo nhu cầu của các tôn giáo. Công tác giáo dục, đào tạo về tôn giáo được thúc đẩy. Các hoạt động đối ngoại về tôn giáo ngày càng được đẩy mạnh…

Tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản các tín đồ thực hiện nghĩa vụ công dân; đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc…”. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Nhà nước Việt Nam không cho phép bất kỳ tôn giáo nào được đứng ngoài luật pháp, đứng ngoài dân tộc, đứng trên lợi ích quốc gia. Một yêu cầu khách quan đặt ra trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam là dù nội sinh hay ngoại sinh, các tôn giáo muốn phát triển đều phải hòa đồng với dòng chảy văn hóa của dân tộc và phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Khi xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, một trong những yêu cầu cơ bản mà Nhà nước Việt Nam đặt ra là trong sáng vô tư, không có sự phân biệt hay đối xử thiên vị giữa các tôn giáo. Mục tiêu trong thực hiện chính sách tôn giáo của Việt Nam là đoàn kết dân tộc, phát huy lòng yêu nước, trách nhiệm của đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy chúng ta cần nhận thức rõ những âm mưu và hoạt động của các cá nhân, tổ chức thù địch lợi dụng tự do tôn giáo nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, lật đổ chế độ chính trị tại Việt Nam. Để thực hiện mưu đồ đó, họ thường lợi dụng những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo. Bằng mọi cách, họ tiến hành các hoạt động xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo sự thật nhằm làm giảm sút uy tín, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, tạo cớ hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Nhưng có một thực tế hiển nhiên họ không thể phủ nhận được là: Ở Việt Nam quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được tôn trọng và đảm bảo, mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Điều này không chỉ được thể hiện trong hệ thống đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn được thể hiện sinh động trong thực tiễn./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét