Chỉ với hơn 1.000 từ vô cùng ngắn gọn, Di chúc của Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí quyết tâm
sắt đá, niềm tin mãnh liệt và sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, sức mạnh
của chính nghĩa và chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Sức mạnh của
chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Suốt đời lo cho dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu đã đi xa cách đây 54
năm nhưng những tư tưởng quý báu của Người đã trở thành di sản, soi sáng cho
cách mạng Việt Nam. Di chúc cho thấy tinh thần thấm đẫm nhân văn của Chủ tịch
Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng và phát triển con người. Một Hồ Chí Minh
đầy bao dung nhân ái, suốt đời dành tình thương yêu trọn vẹn đối với mọi tầng
lớp nhân dân và toàn thể nhân loại như nhà thơ Tố Hữu viết: “Bác ơi tim Bác
mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người”.
Những dòng đầu tiên trong nội dung Di chúc, Bác viết “Trước
hết nói về Đảng”. Trọn đời Người vì nước, vì dân, hết lòng hết sức phục vụ Tổ
quốc, phục vụ nhân dân và cho đến khi sắp đi xa mãi mãi, Người vẫn lo cho đất
nước, cho nhân dân, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ,
một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ
ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta
hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Và quả thực, cách
mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác dưới sự dẫn dắt của
Đảng.
Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn: “Đảng ta là một
Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách
mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật
trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành
của nhân dân”.
Niềm tin với nhân dân ngày càng tăng lên
Lời căn dặn của Người cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá
trị cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban
Văn hoá Tư tưởng Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) - phân tích:
Trong bản Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò phải xây dựng,
chỉnh đốn Đảng để Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là
người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Thực hiện Di chúc, kể từ năm 1969
đến nay, Đảng ta thường xuyên có các cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng,
đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
“Khi ta đọc lại Di chúc càng thấy được những điều căn dặn
của Bác Hồ rất căn bản. Cái gốc nhất vẫn là đạo đức. Đạo đức là cái gốc của
người cách mạng. Suy nghĩ về cuộc đấu tranh chống lại những suy thoái trong
Đảng hiện nay, chúng ta càng cần phải ngẫm lại Di chúc của Bác” - PGS.TS Đào
Duy Quát phân tích.
TS Lê Trung Kiên - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
- cho rằng, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn
Đảng trước hết phải bắt đầu từ những đảng viên.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng, nỗ
lực phòng, chống và đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân; phòng và chống các biểu
hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các biểu hiện tiêu cực khác trên tinh thần tự
soi, tự sửa và tu dưỡng suốt đời.
Đặc biệt, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, thống
nhất giữa nói và làm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trên
mọi lĩnh vực, nhất là trong đấu tranh phòng và chống tham nhũng, lợi ích nhóm…
Cùng với đó, phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong
xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, trong giám sát cán bộ, đảng viên nói
riêng, để “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và “Dân biết, dân
bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng” không chỉ là nằm trong
nghị quyết, trên khẩu hiệu mà là hiện thực sinh động trong thực tiễn.
LN11
0 nhận xét:
Đăng nhận xét