Cuộc chiến phòng chống tham
nhũng sẽ không có điểm dừng nếu vẫn còn hiện tượng tham nhũng. Con đường phía trước của cuộc đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm
chính trị của toàn Đảng, sự quan tâm, đồng lòng, sự quyết tâm trong nhận thức
và hành động của toàn dân, sẽ vượt qua bằng sức mạnh nội sinh, cội nguồn là sức
mạnh niềm tin của dân đối với Đảng. Điều đó được minh chứng tại phiên tòa xét xử 54 bị cáo
trong vụ án “chuyến bay giải cứu” vừa kết thúc sau 18 ngày xét xử và nghị án.
Đây là vụ án thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân trong nước và dư luận
quốc tế. Đại đa số nhân dân đều đồng tình với phán quyết của phiên tòa xét xử
sơ thẩm, với hình phạt dành cho 54 bị cáo, trong đó có 4 án chung thân. Các đối
tượng đưa và nhận hối lộ bị xét xử đúng người, đúng tội, thể hiện tinh thần
nghiêm minh của luật pháp. Đồng thời, thể hiện rõ quyết tâm chính trị trong
công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, kiên quyết
đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ tư cách phẩm chất và đạo đức.
Có thể khẳng định trong 54 bị
cáo, nhiều người đã từng là công chức Nhà nước, có người giữ chức vụ cao (thứ
trưởng, vụ trưởng, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh…), tất cả đều bị đưa ra xét xử.
Điều đó chứng tỏ rằng, chúng ta đấu tranh phòng, chống tham nhũng không có vùng
cấm, không có ngoại lệ. Cũng phải nói thêm rằng, việc tổ chức các “chuyến bay
giải cứu” là một chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Sau khi
tổ chức giải cứu 30 công dân Việt Nam ở Vũ Hán, Trung Quốc về Việt Nam vào
tháng 2/2020, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đến tháng
4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu theo hình thức
công dân thuộc diện ưu tiên được về trên các chuyến bay do cơ quan Nhà nước
phối hợp tổ chức thực hiện và cách ly. Sau khi tổ chức các chuyến bay thí điểm
thành công, Chính phủ tiếp tục cho phép tổ chức các chuyến bay “combo” song
song với các “chuyến bay giải cứu” đến hết tháng 1/2022. Chủ trương kịp thời
này đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của đồng
bào trong và ngoài nước, ghi dấu ấn ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc
tế, thể hiện tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước.
Từ chính chính sách tốt đẹp,
mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn đó lại xuất hiện nhiều cán bộ, đảng viên -
những người mang trong mình trọng trách là “công bộc” của dân đã lợi dụng chức
vụ, quyền hạn, móc ngoặc với nhau để đưa và nhận hối lộ, tư lợi cá nhân với số
tiền lớn, phạm vi rộng. Thành công lớn nhất của phiên tòa xét xử 54 bị cáo
trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, theo ý kiến của các chuyên gia pháp luật, đó
là tính công khai, tính rõ ràng và sự tham gia rộng rãi của công luận, của báo
chí và mạng xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình bày tỏ ý kiến thì cũng có nhiều
chiều. Bên cạnh những ý kiến chân thành, mang tính xây dựng, đã xuất hiện một
số ý kiến mang tính công kích, hoặc đả phá, nói xấu cá nhân hoặc cơ quan mà
không có chứng cứ, quy kết, để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc sự
thật. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, tinh thần chỉ đạo công tác đấu
tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng ngày càng quyết liệt hơn, thực chất hơn với phương châm “không
có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Những thành tựu to lớn trong công tác đấu
tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian qua đã góp phần củng
cố niềm tin của nhân dân, nhận được sự đồng tình, tin tưởng của quần chúng nhân
dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đối với Đảng Cộng sản Việt Nam với
Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn đó bác bỏ luận điệu sai trái của các thế
lực thù địch, chống đối cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán
bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, là “thanh trừng, triệt
hạ”…
Phiên tòa hình sự sơ thẩm xét
xử 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” cho thấy, chống tham nhũng, tiêu
cực phải đi liền với chống lợi ích nhóm, suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo
đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Qua phiên tòa cũng gợi nên
nhiều vấn đề để chúng ta cùng xem xét, tìm cách “bịt lỗ hổng” vào cơ chế phòng,
chống tham nhũng. Ví dụ như việc cấp phép cho các chuyến bay phải qua 5 bộ. Mỗi
bộ đều phải báo cáo, đều phải có một quy trình rất dài. Đấy chính là mảnh đất
màu mỡ cho tham nhũng phát triển. Vụ án cũng chứng minh chủ trương “kiên quyết,
không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước ta được thực thi trên
thực tế chứ không phải “khẩu hiệu suông, mị dân” như luận điệu của kẻ xấu.
Chúng ta đã thấy rõ những tác hại của vấn nạn tham nhũng gây ra, thấy rõ sự vào
cuộc đồng bộ, mạnh mẽ, quyết tâm cao trong công cuộc phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực của cả hệ thống chính trị. Vụ án cũng cho thấy tính chất phức tạp của
vấn nạn tham nhũng, tiêu cực hiện nay, nếu không được kiểm soát tốt có thể lây
lan thành căn bệnh nguy hiểm với sự tham gia của nhiều cán bộ có chức quyền ở
nhiều bộ, ngành, địa phương. Với tính chất phức tạp, khó khăn của cuộc đấu
tranh chống “viên đạn bọc đường” và âm mưu của kẻ địch lợi dụng cuộc đấu tranh
đó để chống phá Đảng, Nhà nước, đòi hỏi mỗi người phải luôn nâng cao cảnh giác,
đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn, xuyên tạc phá hoại công cuộc phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực, không để bị lôi kéo, kích động, biến thành những con rối.
Con đường phía trước của cuộc đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức,
nhưng với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, sự quan tâm, đồng lòng, sự quyết
tâm trong nhận thức và hành động của toàn dân, sẽ vượt qua bằng sức mạnh nội
sinh, cội nguồn là sức mạnh niềm tin của dân đối với Đảng. Khi người dân đã có
niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thì tự nó có giá trị như một loại “vắc xin”
để phòng, chống “giặc nội xâm”.Việc xét xử tại tòa hình sự sơ thẩm vụ
án “chuyến bay giải cứu” trong những ngày qua là minh chứng rõ ràng cho công
tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta ngày càng quyết liệt hơn, mở
ra niềm tin lớn trong phòng, chống tham nhũng./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét