Thứ Tư, 13 tháng 9, 2023

ĐẤU TRANH PHẢN BÁC NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH XUYÊN TẠC SỰ THẬT VỀ TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

         Trong âm mưu chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thì tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề mà chúng đặc biệt quan tâm. Bởi đây là lĩnh vực “nhạy cảm”, nên việc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo chống Việt Nam đã trở thành quy luật từ trước đến nay.

Âm mưu lâu dài của các thế lực thù địch, phản động chống Việt Nam rất rõ ràng, chúng thường lợi dụng những sơ hở trong các hoạt động tôn giáo để vu cáo, xuyên tạc Đảng, Nhà nước ta vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, đàn áp tôn giáo, hòng tạo phản ứng tiêu cực trong một bộ phận chức sắc và tín đồ tôn giáo.

Trong chiến lược “diễn biến hoà bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch và các nước phương Tây, hằng năm cứ đến dịp tháng 3, tháng 9, họ lại tự cho mình cái quyền công bố báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở các nước trên thế giới.

Các tổ chức nhân quyền, các phương tiện thông tin của Mỹ và các nước phương Tây được dịp phụ họa, “tát nước theo mưa” tuyên truyền rùm beng về cái gọi là “vi phạm các quyền con người”, “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới”; trong đó, họ cho Việt Nam là một trong những nước trọng điểm bị chỉ trích.

Ngày 14/8/2023, trên trang blog Tiếng Dân, đối tượng Tưởng Năng Tiến tán phát bài “Đảng Cộng sản Việt Nam và tà thuyết đấu tranh tôn giáo”; trên trang blog Đại Kỷ Nguyên tán phát bài “Thiếu tướng, nguyên Tổng Biên tập báo Quân đội: Pháp luân công mà Chính phủ phổ biến cho nhân dân thì chỉ có lợi”, nội dung xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta; vu cáo Việt Nam “ngăn cấm” hoạt động của tín đồ tôn giáo; bôi nhọ hình ảnh, uy tín của Quân đội; đồng thời cổ xuý cho hành vi vi phạm pháp luật của tà đạo “Pháp Luân công” và yêu cầu nhà nước công nhận tính hợp pháp cho “tà đạo” này.

Việc làm trên của các thế lực phản động, thù địch vừa tạo phản ứng tiêu cực của các chức sắc cực đoan và số tín đồ cuồng tín tìm cách tạo dựng các vụ việc phức tạp mang màu sắc của tôn giáo hòng phá hoại an ninh chính trị, trật tự xã hội và mục đích cao nhất là dùng sức mạnh của tôn giáo để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hiến pháp 2013 của Việt Nam quy định tại Điều 12 Chương I khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam là một trong những nước sớm phê chuẩn Công ước quốc tế về nhân quyền.

Nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, ngày 18 - 11 - 2016, đã thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Văn bản này đã đánh dấu một bước ngoặt cho quá trình hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, cụ thể hóa chủ trương nhất quán của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Sự ra đời của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo phù hợp với chủ trương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay ở Việt Nam, bảo đảm lợi ích của dân tộc và của các tổ chức tôn giáo. Như vậy, có thể thấy, quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân được thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.

Các quy định pháp lý đó không những phù hợp với tinh thần và nội dung tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Công ước quốc tế, mà còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, củng cố niềm tin, tạo động lực để đồng bào các tôn giáo “đồng hành cùng dân tộc”, góp phần quan trọng vào củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ  vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo”[Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.141.]

Là một nước đa tôn giáo, nhưng cộng đồng các tôn giáo hoạt động ở Việt Nam luôn gắn bó với dân tộc; đồng thời, là nhân tố xã hội và văn hoá tích cực góp phần làm cho nền văn hoá Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Việt Nam còn là một đất nước rất ôn hoà trong quan hệ giữa các tôn giáo, có truyền thống đoàn kết tôn giáo, đoàn kết toàn dân trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Việc chung sống hoà bình và bao dung giữa các tôn giáo cùng với tính nhân ái, nhân bản của con người và xã hội Việt Nam đã tạo ra một bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam: thuần tuý nhưng phong phú, đan xen nhưng không mâu thuẫn.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, quan hệ tích cực và mang tính xây dựng giữa các tôn giáo và Nhà nước đã được thể hiện rất rõ và ngày càng được củng cố. Đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có đoàn kết hoà hợp các tôn giáo là nguồn sức mạnh và là nhân tố quyết định bảo đảm cho mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết lương - giáo và giữa các tôn giáo; khắc phục thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống mọi hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, đồng thời nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc.

Đối với các luận điệu vu cáo rằng, Việt Nam có các hoạt động đàn áp tôn giáo, cấm đoán các tổ chức tôn giáo hoạt động, có thể thấy đây là những vu cáo vô căn cứ, không có cơ sở. Chẳng hạn, lâu nay tại Việt Nam đã xuất hiện không ít hoạt động tôn giáo trái pháp luật của một số tổ chức Tin Lành nước ngoài chưa được cấp phép, điển hình là các đạo lạ mang danh nghĩa Tin Lành truyền vào Việt Nam như Tân Thiên địa, Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ, Pháp Luân công .. Hoạt động của phần lớn các tổ chức này trái với văn hóa truyền thống của dân tộc, nhuốm màu mê tín dị đoan, có dấu hiệu trục lợi, nhiều tổ chức vi phạm pháp  luật. Tuy nhiên, đối với các hoạt động vi phạm pháp luật của các tổ chức này, lực lượng chức năng Việt Nam chủ yếu nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý dựa trên quy định pháp luật. Như vậy, ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là đàn áp tôn giáo. Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo chỉ là chiêu trò mà các thế lực thù địch lợi dụng, sử dụng để nhằm phục vụ âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Hơn nữa, cần phải thấy rằng, không thể có tự do tôn giáo tuyệt đối. Bởi xét về bản chất, tôn giáo là một tổ chức tập hợp những người tin theo một đối tượng tôn thờ. Mọi tổ chức tồn tại, hoạt động trong xã hội đều phải chịu sự quản lý, giám sát của Nhà nước, tuân thủ quy định của pháp luật. Do vậy, các tôn giáo cũng phải chịu sự quản lý của Nhà nước, phải chấp hành quy định của pháp luật và điều này hoàn toàn phù hợp với Khoản 3 Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Do đó, việc ban hành các văn bản pháp luật để tiến hành quản lý nhà nước đối với các tôn giáo là nhu cầu tất yếu, khách quan của mọi quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, những luận điệu cho rằng những chính sách tôn giáo của Việt Nam không phù hợp với luật pháp quốc tế là vô căn cứ.

Như vậy, một lần nữa có thể khẳng định, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân; nỗ lực bảo đảm cho các tôn giáo được hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật.

CH11

0 nhận xét:

Đăng nhận xét