Thứ Ba, 10 tháng 10, 2023

CẢNH GIÁC TRƯỚC ÂM MƯU KÍCH ĐỘNG KỲ THỊ DÂN TỘC NHẰM PHÁ HOẠI KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN

 

Đoàn kết dân tộc là một trong những truyền thống quý báu và là cội nguồn mang lại sức mạnh vô địch cho dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng được củng cố và mở rộng, quy tụ mọi người dân Việt Nam từ tất cả các thành phần dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp khác nhau. Hiện nay, các thế lực thù địch thường xuyên kích động kỳ thị dân tộc nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, đây là âm mưu hết sức thâm độc nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của chúng.

Kỳ thị thường gắn liền với phân biệt đối xử. Kỳ thị, phân biệt đối xử là một khái niệm giao thoa giữa chính trị - văn hóa và xã hội. Kỳ thị dân tộc, chủng tộc là sự nhìn nhận, đánh giá làm giảm giá trị đối với một một dân tộc, một chủng tộc từ một quan niệm chính trị, văn hóa hoặc xã hội nào đó. Ở Việt Nam, kể từ khi bắt đầu xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách chia để trị và chia cắt nước ta thành ba miền (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) với những chính sách khác nhau trên các lĩnh vực chính trị, xã hội và kinh tế nhằm tạo ra sự khác biệt cơ bản giữa ba miền với âm mưu chia cắt vĩnh viễn. Thay chân thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai cũng từng thực hiện chiến lược chia cắt lâu dài hai miền Nam, Bắc hòng tiến đến xóa bỏ chế độ xã hội XHCN và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Khi chủ nghĩa thực dân cũ và mới bị đánh đổ tại Việt Nam, tàn dư của tư tưởng kỳ thị, phân biệt đối xử dân tộc, chủng tộc đã không còn hiện hữu nữa. Nhưng nhen nhóm sự kỳ thị dân tộc vẫn được các thế lực thù địch tuyên truyền, kích động hướng đến tư tưởng dân tộc cực đoan trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta hòng làm rạn nứt, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và bạo loạn, lật đổ, đưa dân tộc ta sang con đường lệ thuộc nước ngoài.

Bài học về sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu cho thấy, các thế lực thù địch triệt để sử dụng con bài kỳ thị chủng tộc đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan để đòi quyền dân tộc tự quyết. Các thế lực thù địch không chỉ áp dụng thủ đoạn này đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc trong vấn đề Tây Tạng, Nam Tư trong vấn đề Kosovo…

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với những đặc điểm riêng mà nhiều quốc gia khác không có. Với 54 dân tộc anh em, dân số giữa các dân tộc rất khác nhau, có dân tộc có số dân trên một triệu người như Tày, Thái… nhưng cũng có dân tộc chỉ có vài trăm người như Pu Péo, Rơ-măm, Brâu… Dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dân cư. Các dân tộc Việt Nam cư trú phân tán và xen kẽ nhau. Địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số thường ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Khác với nhiều quốc gia đa dân tộc, các dân tộc thiểu số Việt Nam không có khu vực lãnh thổ riêng mà sống xen kẽ với nhau.

Trọng tâm hoạt động kích động kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc của các thế lực thù địch hướng đến các địa bàn Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, vùng có đông đồng bào theo đạo. Để kích động, chia rẽ người Kinh với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, các thế lực thù địch đã sử dụng tổ chức FULRO tuyên truyền, xuyên tạc rằng “Tây Nguyên là của người Thượng”, “đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên phải liên kết lại đuổi người Kinh về xuôi”…

Ở Tây Bắc, chúng dựng lên cái gọi là “Vương quốc Mông” để làm cái cớ chia rẽ đồng bào các dân tộc anh em. Chúng vận động đồng bào người Mông về “một miền đất hứa” mọi người sẽ được “ban sức khỏe, hạnh phúc, không làm cũng có ăn, sự giàu sang và phú quý”; “những người Mông đến đây sẽ được chúa trời giáng trần cứu thế”… Từ đó, chúng lôi kéo người dân tụ tập, kích động phá rối gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Ở Tây Nam Bộ, chúng tập trung tuyên truyền tư tưởng “ly khai tự trị”, đòi thành lập “Nhà nước Khơme Campuchia Krôm độc lập”. Lợi dụng tranh chấp, khiếu kiện, những vấn đề do lịch sử để lại, vấn đề dân sinh, dân chủ để kích động, tập hợp lực lượng, móc nối lôi kéo, tạo dựng ngọn cờ, thực hiện ý đồ biểu tình, bạo loạn lật đổ; lừa bịp, xúi giục người vượt biên, gây sức ép xin tổ chức UNHCR lập trại tỵ nạn; vu cáo, xuyên tạc Việt Nam có kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, vi phạm dân chủ, nhân quyền. Âm mưu trước mắt và lâu dài của chúng nhằm gây mất ổn định chính trị để “quốc tế hóa” vấn đề “Khơme Krôm”, thành lập “Nhà nước Khơme Campuchia Krôm tự trị”…

Ngày nay, việc cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, sắc tộc đã được quy định trong nhiều điều ước quốc tế và tạo thành yếu tố quan trọng trong pháp luật của nhiều quốc gia. Trong đó, quan trọng nhất là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, có hiệu lực từ năm 1969 và đến nay đã được 170 nước trên thế giới phê chuẩn. Tại Việt Nam, với chính sách và pháp luật thể hiện tinh thần tiến bộ, bình đẳng, công bằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở cả trên bình diện quốc tế và quốc gia.

Ngày 9/6/1981, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD), với bốn lần đệ trình báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012. Qua đó cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện Công ước CERD, đặc biệt là việc đảm bảo quyền của các dân tộc thiểu số như: Xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội… Trong đó, nhấn mạnh đến những thành tựu trong việc đảm bảo quyền cho người dân tộc thiểu số như: Hệ thống pháp luật, các quy định đảm bảo quyền con người, các chính sách cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội…

Âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch với chiêu bài kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc là rất tinh vi, thâm độc, hành động quyết liệt, trắng trợn; đối tượng đa dạng, phức tạp, mục đích không thay đổi, hậu quả khó lường. Dù những âm mưu và hành động trên đã bị phát hiện và đấu tranh ngăn chặn kịp thời nhưng các thế lực thù địch không từ bỏ, vẫn luôn tìm mọi cách phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, các tổ chức và công dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, phát huy trách nhiệm của bản thân trong phòng tránh, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của chúng.

NT

XUNG ĐỘT NGA - UKRAINA VÀ ĐƯỜNG LỐI NGOẠI GIAO ĐÚNG ĐẮN CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA

 Những ngày qua, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina tiếp tục diễn ra căng thẳng. Đây là hệ quả của một loạt những căng thẳng xung quanh mối quan hệ giữa hai nước. Chính phủ Ukraine tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên Xô vào tháng 8.1991. Khi đó, Ukraine là nơi tập trung sức mạnh nông nghiệp, công nghiệp quốc phòng và quân sự của Liên Xô, cũng là nước đông dân thứ 2 trong liên bang, sau Nga. Vì vậy, việc nước này tuyên bố độc lập có tác động rất lớn, dẫn đến việc Liên Xô giải thể. Ukraine có vai trò đặc biệt quan trọng với Nga khi xét tới vị trí của nước này, vốn được coi là bức tường thành giữa Nga và các nước Đông Âu, cũng như có tầm quan trọng mang tính lịch sử và biểu tượng. Ukraine thường được ví như “viên đá quý” trên chiếc “vương miện” của Liên Xô. Tổng thống Putin từng nhận định Ukraine có mối quan hệ về kinh tế, ngôn ngữ và văn hóa chặt chẽ với Nga, đồng thời miêu tả người dân Nga và người dân Ukraine là “một dân tộc”. Dù vậy, dưới thời Tổng thống Volodymyr Zelensky, Ukraine lại hướng về phương Tây để nhận được sự hỗ trợ kinh tế và vị thế địa chính trị, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Ukraine cũng nhiều lần thể hiện mong muốn gia nhập EU và NATO. Ukraine là vị trí cuối cùng của NATO khi tiến về hướng Đông giáp Nga. Bởi vậy, Ukraine được coi như là khu cấm địa của Nga và là nơi “tranh chấp bóng” quyết liệt nhất của Mỹ, phương Tây và Nga.

Tổ chức hiệp ước Bắc đại tây dương - NATO là tổ chức quân sự được phương Tây lập ra do Mỹ đứng đầu nhằm đối phó với phe Xã hội chủ nghĩa trong chiến tranh lạnh. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, tổ chức này không ngừng mở rộng việc kết nạp các thành viên mới về phía Đông, hướng tới các quốc gia thuộc Liên xô cũ. Mục đích của hoạt động này rất rõ ràng đó là tạo sự kiềm tỏa về quân sự đối với Liên Bang Nga, đất nước kế thừa địa vị của Liên Xô trên trường quốc tế. Nếu Ukraina gia nhập, NATO sẽ áp sát biên giới Nga và hoàn thành mục tiêu tạo sự răn đe quân sự với Nga. Và sự việc vừa qua, Ukraina có mong muốn gia nhập NATO như là giọt nước tràn ly trong mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và Ukraina. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xung đột vũ trang giữa hai nước như hiện nay.

Như vậy, có thể thấy, xoay quanh vấn đề Ukraina hiện nay là việc cạnh tranh lợi ích, ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây đứng đầu là Mỹ. Đây là vấn đề không thể tránh khỏi xuất phát từ vị trí địa chính trị và lịch sử để lại đối với Ukraina. Nếu như Ukraina lựa chọn một cách tiếp cận phù hợp hơn, hài hòa lợi ích giữa Nga và phương Tây thay vì đứng hẳn về một bên như hiện nay sẽ giúp nước này hạn chế được những mất mát, thiệt thòi về lãnh thổ, lợi ích quốc gia. Bởi nếu ngả về phương Tây và Mỹ, Ukraina có thể có được lợi ích kinh tế, nhưng sẽ phải đối đầu quân sự trực diện với Nga. Và nước Nga dưới thời Putin sẽ sẵn sàng trả bất cứ giá nào để củng cố nền quốc phòng và an ninh Nga. Một đất nước có 1/4 dân số người Nga, lại phân bố tập trung vào vùng Donbass và Crimea mà ở đó có căn cứ quân sự của Nga; một đất nước mà hoàn toàn phụ thuộc Nga về năng lượng, khí đốt…mà lại ngả về phía phương Tây và Mỹ để chống lại Nga. Đường lối ngoại giao đó đã đẩy mối quan hệ giữa Nga và Ukraina đi vào ngõ cụt và đi tới chiến tranh.

Thực tiễn từ Ukraina cho chúng ta thấy sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Nhà nước ta trong hài hòa các mối quan hệ ngoại giao, đặc biệt là với Trung Quốc và Mỹ. Với chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, Đảng đã phát triển thành hệ thống quan điểm, phương châm chỉ đạo xuyên suốt đối ngoại Việt Nam thời kỳ đổi mới là nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; "là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế"; nắm vững hai mặt đối tác- đối tượng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, nhưng linh hoạt, khôn khéo về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”...

Với đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng đã góp phần rất quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước. Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện gồm tất cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và 17 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20)… Từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung và khép kín, đến nay Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có liên kết kinh tế sâu rộng, đã ký và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương khoảng 200% GDP, thu hút khoảng 400 tỷ USD vốn FDI đăng ký.

PHÒNG, CHỐNG "TỰ DIỄN BIẾN", "TỰ CHUYỂN HÓA": CHỦ ĐỘNG, KIÊN QUYẾT, NGHIÊM MINH HƠN NỮA

 

Cách mạng Việt Nam từ khi hình thành đến nay luôn gặp phải sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Trong môi trường hòa bình, ổn định hiện nay, sự chống phá ấy thể hiện trên mọi mặt của đời sống xã hội, sự phá hoại phi quân sự mà điển hình là chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Để thực hiện, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tăng cường thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sử dụng lợi ích vật chất để mua chuộc, móc nối cán bộ, đảng viên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường sử dụng các ứng dụng của mạng Internet, đã lập hàng nghìn trang web, blog, trang Facebook, Fanpage, Youtube, hàng trăm cơ quan báo chí, nhà xuất bản và các đài phát thanh, truyền hình có trụ sở, máy chủ ở nước ngoài nhằm tuyên truyền, tác động tiêu cực vào tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên để xuyên tạc, vu khống tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước, thông tin không đúng sự thật về những vụ việc “nóng” trong xã hội nhằm tạo sự hoài nghi, gây mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch âm mưu tạo dựng lớp người, nhất là thế hệ trẻ có tư tưởng thân Mỹ và phương Tây, ưa chuộng giá trị tư bản chủ nghĩa. Thực tế có một bộ phận giới trẻ, học sinh, sinh viên có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, niềm tin, niềm tự hào vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa; có tư tưởng “sính ngoại”, đua đòi theo những trào lưu văn hóa không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam...

Trong nội bộ, tình hình tham nhũng, tiêu cực diễn ra phức tạp theo chiều hướng nghiêm trọng hơn; đối tượng vi phạm thuộc nhiều thành phần, lĩnh vực, giữ chức vụ cao ở các cấp, các ngành gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Một số cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chưa gương mẫu trong tu dưỡng và rèn luyện... dẫn đến công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh chưa thực sự hiệu quả.

Với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch cùng với tình hình thực tế trong nội bộ, đồng thời dưới tác động của tình hình chính trị - kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, dự báo tình hình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên đang công tác trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, khó nhận diện hơn, tuy nhiên các biểu hiện vẫn tập trung vào 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ như Nghị quyết số 04- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ ra.

 Trong thời gian tới, để góp phần đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiệ“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Kế hoạch số 03- KH/TW ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiệ“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 101- QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55/QĐ-TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương; Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và các văn bản khác liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; để sớm nhận diện, đồng thời ngăn chặn, phòng ngừa đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng gắn với giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Lấy mức độ tuân thủ và chấp hành tốt các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, ý thức tổ chức, kỷ luật, các quy chế, quy định của Đảng, của cấp uỷ, chi bộ là tiêu chí quan trọng để đánh giá lập trường, quan điểm, tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên. Đây là biện pháp rất quan trong trong việc chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay.

Hai là, tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; đây là điều kiện tiên quyết trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiệ“tự diễn biến’, “tự chuyển hóa”. Vì mọi sự mơ hồ, xem nhẹ chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, Cương lĩnh của Đảng đều là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong Đảng, trong xã hội. Hơn nữa, nhận diện biểu hiện trên không khó, nó diễn ra ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng; để phòng ngừa, ngăn chặn, các cấp ủy đảng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc, kiên định hệ tư tưởng của giai cấp công nhân; quá trình tuyên truyền, giáo dục, cần tiếp tục khẳng định bản chất cách mạng, khoa học, giá trị của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Khi thấy những hiện tượng tiêu cực, lạc hậu nảy sinh ở cơ quan, đơn vị mình, phải thể hiện rõ thái độ bất bình, dũng cảm đấu tranh. Mọi sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm hoặc nể nang, né tránh đồng nghĩa với việc dung túng, bao che để chúng có điều kiện nảy sinh, tồn tại và phát triển.

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, nhất là trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống, suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiệ“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra và các cơ quan tư pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ sai phạm theo quy định của pháp luật. Xử lý đồng bộ về kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, xử lý hình sự đối với các sai phạm về kinh tế, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Bốn là, tiếp tục tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc; người đứng đầu phải nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, đảng viên công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, sai phạm.

Năm là, Các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; kịp thời đưa tin phản ánh vụ việc tiêu cực, sai phạm, vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật. Quan tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí có “bản lĩnh, liêm chính”, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục sẽ có những diễn biến phức tạp. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa cá nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Đại dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế thế giới, khu vực, trong đó có nước ta.

Ở trong nước, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; phát tiển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức nhất là tác động của suy thoái kinh tế, tài chính, những tiêu cực và tệ nạn xã hội, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo,… làm ảnh hưởng đến tư tưởng và đời sống của các tầng lớp nhân dân.

Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước theo tinh thần của Cương lĩnh chính trị, các văn kiện quan trọng khác mà Đại hội XIII của Đảng vừa quyết định đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta những nhệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang. Do đó đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực cao hơn nữa, đoàn kết thống nhất chặt chẽ hơn nữa để phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Công tác nhận diện, đấu tranh, phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với cán bộ, đảng viên đang công tác trong hệ thống chính trị là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bên cạnh những thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, phức tạp, lại chịu sự tác động của nhiều yếu tố tiêu cực. Vì vậy, muốn phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiệ“tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tự thân cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng; có tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; có tư duy sáng tạo, kiến thức, bản lĩnh vững vàng; phong cách làm việc khoa học, nói đi đôi với làm, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng, bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.

NT