Người xưa đã dạy: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà
nói cho vừa lòng nhau”, nhằm nhắc nhở nhau và khuyên nhủ thế hệ sau rằng, lời
nói có thể chuyển tải thông tin, kéo mọi người đến gần nhau, nhưng cũng có thể
làm xa cách nhau nếu không cân nhắc kỹ khi phát ngôn. Câu tục ngữ trên khuyên
rằng, nên nói đúng, nói đủ, khi nói cần thể hiện sự tôn trọng người nghe, nhưng
cũng là tôn trọng chính bản thân mình, quả thật có ý nghĩa vô cùng!
Tuy nhiên, tầng ý nghĩa khác của câu “Lời nói không mất
tiền mua…” lại là, phải biết phát ngôn khi cần thiết, bởi chỉ khi đó thông tin
được đưa ra mới mang ý nghĩa thiết thực. Khi nói, mỗi người nên cân nhắc
về cách nói (như thế nào?), nội dung nói (nói
cái gì?) và thời điểm cần nói (vào khi nào?). Có như vậy, lời
nói mới trở nên có giá trị, thực sự là “gói vàng” khi mang lại điều hay, lẽ
phải; chứ không phải là “lời nói, đọi máu”, do nói sai, không đúng lúc, đúng
chỗ. Hiểu được ý nghĩa trên có lẽ không khó với mỗi người, nhưng cái khó chính
là thực hiện được điều đó trong thực tiễn!
Trong thực tiễn cuộc sống có hiện tượng, nói một đằng, làm
một nẻo hoặc ý nghĩa đằng sau của lời nói khác hẳn thông tin khi phát ngôn, như
dân gian thường nói: “Nói vậy mà không phải vậy”! Có hiện tượng, trong cuộc
họp, mọi thành viên tham dự đều không phát biểu; hoặc nếu có thì “hùa” theo ý
kiến chung, theo sự gợi ý, định hướng. Kết cục là, cuộc họp bàn bạc về vấn đề
phức tạp đáng lẽ sẽ kéo dài, bởi cần phải tranh luận, thuyết phục nhau, “trao
đi, đổi lại” các ý kiến giữa những người tham gia, thì lại kết thúc rất nhanh,
với sự nhất trí rất cao. Đây chính là biểu hiện của cái gọi là “nói xuôi
chiều”, “nói đãi bôi”. Những người như thế cho rằng, mình nói cũng chẳng ai
nghe, nói nhiều thì phải làm nhiều, nói nhiều sẽ bị “soi”; hoặc đơn giản là
“chẳng biết nói gì”?!… Nhưng, khi một trong những quyết định nào đó của các
cuộc họp đưa vào thực hiện không được suôn sẻ, hiệu quả không được như kỳ vọng,
lại rộ lên những bình phẩm, thậm chí chê bai, dè bỉu, rằng quyết định đó “không
đủ tầm, không xứng tầm!”. Thực chất của những phát ngôn kiểu này chỉ là cách
“nói vuốt đuôi”.
Sau những cuộc họp như vậy, ở bên ngoài phòng họp, tại
những nơi riêng tư là sự bùng nổ về ngôn từ và tâm trạng hoặc là sự thờ ơ, vô
cảm, như đầm nước lạnh giá. Điều đó cho thấy, hóa ra mọi người đều có suy nghĩ
riêng với vô số lập luận và nhận định, đánh giá. Thế nhưng, những tâm tư,
nguyện vọng đó lại không biểu lộ ra, thể hiện ở những nơi cần thiết, khi cần
thiết, mà lại bộc lộ ở những địa điểm không chính thức, thời điểm không cần
thiết như vậy.
Tình trạng nói trên không phải hiếm. Nguyên nhân là do chưa
tạo được môi trường, điều kiện để người có liên quan nói những điều cần nói;
hoặc bởi mọi người chưa thấy được sự cần thiết phải nói; hoặc cố tình “mũ ni
che tai” nên không nói đủ, nói đúng, nói kịp thời... Dù bởi nguyên nhân nào,
tình trạng nói trên cũng gây ra những bất lợi cho sự phát triển của cơ quan,
tập thể, đơn vị, khi lãng phí nhiều nguồn năng lượng, trí tuệ, tài nguyên tập
thể; hoặc làm giảm tinh thần đấu tranh, phản biện xây dựng, tạo ra lối thỏa
hiệp dễ dãi, những sự “đồng thuận hờ”, dẫn đến tâm trạng tiêu cực trong tập
thể.
Ở góc độ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tư tưởng buông xuôi, lựa
chiều nói trên sẽ không góp phần vào thực hiện nhiệm vụ chung; đồng thời, không
phê phán, ngăn chặn được những tư tưởng, suy nghĩ sai lầm có thể nảy sinh trong
tập thể, do vậy, không có lợi cho sự nghiệp chung.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bổ sung một nội dung mới, đó
là cần khuyến khích, bảo vệ người “dám nói”. Vấn đề này có ý nghĩa rất quan
trọng, nhằm khuyến khích và bảo vệ những người dám nói, biết nói, dám làm và
biết làm vì lợi ích chung. Để thực hiện điều đó, trước hết, mỗi cơ quan, đơn
vị, tổ chức đảng cần mạnh dạn làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan
của căn bệnh “không dám nói, không muốn nói; nói không đúng lúc, không đúng
chỗ” để đề ra biện pháp thực hiện việc “dám nói” một cách phù hợp. Đó chính là
sự quán triệt, học tập nghị quyết Đại hội Đảng một cách thiết thực và phù hợp
nhất./.
LHN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét