Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

BẢN SẮC “NGOẠI GIAO CÂY TRE” - KIM CHỈ NAM DẪN ĐƯỜNG


Với nhiệm vụ bao trùm và thường xuyên là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước, chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, dựa trên nền móng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vun đắp phát triển để phù hợp với điều kiện trong nước và tình hình thế giới trong thời đại mới. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã xây dựng một trường phái đối ngoại và ngoại giao độc đáo và đặc sắc - “ngoại giao cây tre Việt Nam”.Hình ảnh cây tre với "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" mang đậm bản sắc Việt Nam và rất phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam; trường phái này thể hiện sự kiên định mà linh hoạt, mềm dẻo, khôn khéo, chủ động, khả năng thích ứng của ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Nói cách khác, trường phái "ngoại giao cây tre Việt Nam” là để phục vụ mục tiêu bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong mọi hoàn cảnh và mọi thời điểm.

         Gần đây, các trang tiếng Việt của một số cơ quan truyền thông nước ngoài như BBC, VOA, RFA, RFI, …luôn cổ súy cho hoạt động này. Với những luận điệu sai trái, xuyên tạc sự thật về “đường lối ngoại giao cây tre của Đảng, Nhà nước ta”, các thế lực thù địch đã lộ diện bản chất chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam vô cùng thâm độc. Họ đã và đang sử dụng nhiều chiêu thức, thủ đoạn xảo trá để xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, cho rằng đường lối “ngoại giao cây tre của Đảng, Nhà nước Việt Nam” đã “lạc hậu, lỗi thời”, “không còn phù hợp” với thời cuộc toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.

         Như chúng ta đã biết, lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước; trong các loại vũ khí ông cha ta sử dụng để chống giặc, có cây tre, gậy tre, chông tre…, những loại vũ khí đều từ từ cây tre mà ra nên nó luôn gần gũi với cuộc sống của người dân, mang đậm cốt cách văn hóa, tinh thần và nhân cách con người Việt Nam. Hình tượng, giá trị và ý nghĩa của cây tre đã được nhiều nhà văn, nhà thơ điển hình hóa, khắc họa thành hình ảnh sâu đậm, đi vào tâm trí bao lớp người dân Việt Nam yêu nước nên rất đỗi tự hào, gần gũi, thân thương và nó được vận dụng vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó có lĩnh vực ngoại giao Việt Nam. Đó là sự khẳng định sự mềm dẻo, linh hoạt của đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, sáng tạo; sự kiên trì, chắc chắn về chiến lược, mềm dẻo về sách lược, luôn vì chính nghĩa, vì hòa bình, hợp tác, phát triển và tiến bộ từ phiên bản cây tre.

         Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc “bất di bất dịch” trong mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế hiện nay của Đảng, Nhà nước ta. Đồng thời, là bài học kinh nghiệm “xương máu” được ông cha ta đúc kết từ thực tiễn hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, lấy “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để vận dụng vào thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng, Bác Hồ. Đó cũng là cơ sở vững chắc, thuyết phục để bác bỏ mọi quan điểm sai trái, thù địch, khi họ cố tình xuyên tạc “đường lối ngoại giao cây tre” của Đảng, Nhà nước ta.

          Để đập tan các âm mưu, thủ đoạn chống phá “đường lối ngoại giao cây tre của Đảng, Nhà nước ta”, nhất thiết chúng ta phải phát huy mạnh mẽ bản sắc “ngoại giao cây tre” Việt Nam trong tình hình mới. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh mới nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu để tăng cường đấu tranh phản bác mọi mưu đồ chống phá “đường lối ngoại giao cây tre” của Đảng; tiếp tục đề cao quan điểm, mục tiêu đối ngoại là “bảo đảm trên hết, trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc” trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Trong đó, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc phải là vấn đề tối thượng, cao nhất không bao giờ thay đổi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét