Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước”. Theo Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” của Ban Tôn giáo Chính phủ; hiện nay, ở nước ta có hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự; có hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung (trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam). Đó là thực tiễn về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam mà tất cả các tổ chức, quốc gia trên thế giới không thể phủ nhận.
Thời gian qua, về
cơ bản, tình hình tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và đại bộ phận chức sắc hoạt
động đúng quy định pháp luật, ổn định, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, do mặt trái của toàn cầu hóa và cơ chế thị
trường, âm mưu “chính trị hóa tôn giáo” của các thế lực thù địch đã làm cho đời
sống tôn giáo chịu tác động tiêu cực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ; trong đó nổi lên
những vấn đề như: Lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống Đảng và Nhà nước; vi
phạm pháp luật, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật
tự, an toàn xã hội; thành lập các hội, nhóm mang danh tôn giáo, đạo lạ; tổ chức
hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mê tín, trục lợi, làm lệch chuẩn văn hóa, đạo
đức xã hội...
Đặc biệt, sự xuất
hiện những tà đạo đội lốt tôn giáo như: Hội Thánh đức Chúa trời mẹ, đạo bà
Điền, đạo Dừa, Thanh Hải vô thượng sư, tà đạo Hà Mòn, Bà cô Dợ, Tin lành Đề ga,
tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, đạo Ty, đạo Tiên Rồng, Pháp lý vô vi khoa
học huyền bí Phật pháp... được lập ra với mục đích xâm phạm an ninh quốc gia,
trật tự, an toàn xã hội, làm xáo trộn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ
phận nhân dân. Những tà đạo này được truyền bá, phổ biến theo nhiều hình thức
truyền thông như trên internet, website, Facebook, Zalo, vlog, Twitter,
YouTube... thậm chí hình thành những “thị trường tâm linh”. Hoạt động của những
tà đạo đội lốt tôn giáo không ngừng gia tăng, với nhiều hình thức biến tướng
như: Hiện tượng xem bói online, livestream (phát sóng trực tiếp trên mạng xã
hội), dịch vụ tâm linh, du lịch tâm linh... Cá biệt, xuất hiện tà đạo lợi dụng
chiếm đoạt tài sản cá nhân, công ty, doanh nghiệp; lôi kéo trí thức, học sinh,
sinh viên tham gia bằng nhiều thủ đoạn gây ảnh hưởng tới tư tưởng, tâm lý các
tầng lớp nhân dân (trong đó có cán bộ, đảng viên). Chính vì vậy, việc nhận
diện, đấu tranh với các tà đạo đội lốt tôn giáo là rất cần thiết trên cơ sở
khách quan, khoa học, cách mạng.
Rõ ràng, ổn định
tình hình tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những yếu tố quan trọng góp phần
vào thành công của công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế-xã hội, đoàn
kết dân tộc và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Theo đó, công tác quản lý nhà nước
về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác bảo đảm an ninh trên lĩnh vực tôn giáo là
những nhiệm vụ quan trọng, vừa bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nâng
cao đời sống tinh thần của người dân, vừa hạn chế sự chống phá của các thế lực
thù địch, góp phần tạo sự ổn định và phát triển bền vững đất nước.
Chúng ta cần tiếp
tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở
Việt Nam; về thành tựu đã đạt được trong việc bảo đảm quyền con người ở Việt
Nam. Đặc biệt, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, làm cho người
dân hiểu rõ đâu là chính đạo, đâu là tà đạo, tác hại của các tà đạo đối với đời
sống vật chất, tinh thần của người dân và toàn xã hội. Từ đó vận động cán bộ,
đảng viên và nhân dân tự giác tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh chống
hoạt động của các tà đạo.
Đối với các tà
đạo đội lốt tôn giáo thì kiên quyết xử lý, xóa bỏ. Căn cứ vào Điều 5: “Các hành
vi bị nghiêm cấm” trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 làm cơ sở giải
quyết. Các cơ quan thông tấn, báo chí, các ngành, các địa phương cung cấp thông
tin rộng rãi và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức
đúng, nâng cao tinh thần cảnh giác. Không nghe, không tin, không theo và tích
cực tham gia đấu tranh trước luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, những lời xúi
giục của nhóm người cầm đầu tà đạo, lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo để
hành nghề mê tín, trục lợi bất chính, gây mất ổn định xã hội. Đối với những đối
tượng chủ mưu, cầm đầu các tà đạo, các cơ quan chức năng phải xử lý kiên quyết,
kịp thời, triệt để theo pháp luật; vạch trần bản chất và hành vi vi phạm pháp
luật, làm mất ổn định chính trị, xã hội, chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo,
lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để hoạt động tà đạo, mê tín dị đoan của số này
trước quần chúng nhân dân. Kịp thời định hướng dư luận trước các vấn đề “nổi
cộm”, nhất là các vấn đề liên quan đến tôn giáo, thu hút sự quan tâm sâu sắc
của chức sắc, tín đồ tôn giáo. Đẩy mạnh đấu tranh phản bác những luận điệu
xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn
dân tộc. Nêu gương điển hình tiên tiến đối với các cá nhân, tổ chức tôn giáo
thực hiện tốt phương hướng hoạt động “sống tốt đời, đẹp đạo”; tích cực tham gia
các phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương.
Bên cạnh đó,
cần chủ động triển khai nắm tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu, hoạt động
lôi kéo, thu hút người tham gia các hội nhóm tà đạo mới để triển khai những
biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm đối với số
đối tượng theo tà đạo ngoan cố, có những hoạt động chống phá chính quyền. Song
song với đó là tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói,
giảm nghèo... kết hợp với thực hiện công bằng xã hội, không ngừng nâng cao
trình độ dân trí, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng
xa, biên giới, hải đảo; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định
an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường xây dựng đời sống văn
hóa, tinh thần phong phú, lành mạnh cho mọi người dân nhằm tạo “sức đề kháng”,
“miễn dịch” mạnh mẽ trước hoạt động của các tà đạo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét