Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân
làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” không chỉ là mục tiêu mà còn là
động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực của Nhân dân, là quá trình hiện thực
hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống trong
công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh”.
Sau
hơn 35 năm đổi mới, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” luôn là kim chỉ
nam cho mọi hành động của Đảng, được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và
ngày càng phát huy hiệu quả trên thực tế. Để thực sự phát huy quyền làm chủ của
nhân dân hơn nữa, Đại hội XIII đã bổ sung nội dung “dân giám sát”, “dân thụ
hưởng”. Đây là sự phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện chủ trương của Đảng về
dân chủ. Sự phát triển, hoàn thiện đó có ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong
xây dựng và phát huy nguồn lực con người, là động lực, yếu tố sống còn, có ý
nghĩa quyết định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước giai đoạn tiếp
theo.
“Dân
biết” là nhân dân hiểu và nắm rõ được chủ trương, đường lối, chính sách,
pháp luật liên quan đến cuộc sống nhân dân, vận mệnh đất nước, dân tộc. Nhân
dân nắm, biết để bàn bạc, đóng góp ý kiến, hoạch định, góp phần bảo đảm khi
được ban hành, thực hiện trong đời sống, đem lại kết quả tốt. Nhân dân biết,
nắm rõ, hiểu được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, tạo cơ sở để
thống nhất, đồng thuận, đồng lòng, đoàn kết tổ chức, thực hiện đạt kết quả cao
trong cuộc sống. Nhân dân hiểu rõ mục đích cuối của chủ trương, chính sách,
pháp luật là phục vụ lợi ích của chính nhân dân, thành quả của chủ trương,
chính sách, pháp luật mang lại do nhân dân thụ hưởng, tạo ra xã hội trật tự, kỷ
cương, an toàn, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Để nhân dân “biết”
phải sử dụng hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thuyết phục.
“Dân bàn” là nhân dân được thảo luận, bàn bạc, ý kiến, góp ý với Đảng
và Nhà nước, để việc hoạch định, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách,
pháp luật được thực hiện một cách chính xác, phù hợp, hiệu quả. Nhân dân bàn
bạc, thống nhất cách thức, biện pháp tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả
vào thực tiễn công việc, mang lại lợi ích cho nhân dân, đất nước. Khi nhân dân
góp ý kiến đúng, xác đáng phải trân trọng, tiếp thu, hoàn thiện cho tốt hơn;
khi nhân dân góp ý kiến chưa xác đáng, chưa phù hợp phải giải thích, tuyên
truyền, thuyết phục để nhân dân hiểu, nắm rõ chủ trương, chính sách, pháp luật
và những lợi ích đem lại. Để nhân dân “bàn” phải có cơ chế, cách thức tổ chức
phù hợp.
“Dân làm” là nhân dân làm việc, thực hiện, hành động chủ trương, nghị
chính sách, pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, đảm bảo hiệu quả. Nhân dân thực
hiện tinh thần làm chủ, vai trò chủ thể thực hiện, triển khai hoạt động, công
việc với cách thức, phương pháp, phương tiện, lực lượng thực hiện tốt các chủ
trương, chính sách, pháp luật, việc làm vào đời sống đạt hiệu quả. Trong quá
trình đó, cán bộ, đảng viên trước hết làm tốt vai trò là một công dân, với tinh
thần là hạt nhân, đi đầu trong tổ chức, triển khai, thực hiện.
“Dân kiểm tra” là việc nhân dân xem xét, đánh giá thực tế thực hiện
chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, việc làm, qua đó phát hiện những
sai lệch, thiếu sót, đề xuất, ngăn chặn, xử lý, đưa ra biện pháp điều chỉnh kịp
thời, bảo đảm thực hiện có hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra. Mặt khác, qua kiểm tra
để khuyến khích, biểu dương những việc làm tốt, mô hình hay. Nhân dân kiểm tra
bằng cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện gián tiếp thông qua các cơ quan
đại diện dân cử, nhất là dân chủ ở cơ sở. Để nhân dân kiểm tra được cần có cơ
chế cụ thể, cách thức tiến hành phù hợp.
“Dân giám sát” là nhân dân theo dõi, xem xét,
đánh giá quá trình thực hiện, kết quả thực hiện chủ trương, đường lối, chính
sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án, công việc thực hiện. Giám sát cơ
quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình
có đúng, có tuân thủ đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật không bằng
hình thức trực tiếp, hoặc gián tiếp. Xuất phát từ thực tế, khó phân biệt rõ
ràng, rành mạch giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động giám sát; lúc nào, việc
gì thì kiểm tra và lúc nào, việc gì thì giám sát. Trong đó, nhân dân “giám sát”
có phạm vi rộng bao gồm chủ thể quản lý giám sát việc làm của khách thể quản lý
trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị; “kiểm tra” có phạm vi hẹp hơn chỉ diễn
ra quá trình chủ thể quản lý xem xét việc làm của chủ thể quản lý và tự kiểm
tra trong nội bộ, trong bản thân mỗi người theo một cơ chế, quy định nhất định.
“Dân thụ hưởng” tức là nhân dân được nhận,
hưởng thụ thành quả, kết quả của quá trình phát triển về đời sống vật chất,
tinh thần mà các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật mang lại sau quá
trình tổ chức, thực hiện. Đồng thời, nhân dân thấy được mục đích, động lực thực
sự, cuối cùng của chủ trương, chính sách, pháp luật mà Đảng, Nhà nước đề ra và
tổ chức thực hiện đều vì nhân dân, bảo đảm quyền con người được thực hiện một
cách triệt để, lan tỏa những giá trị nhân văn, tiến bộ đúng với bản chất của
chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Đây là sự phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện
chủ trương của Đảng về quyền dân chủ của người dân; qua đó, tiếp tục khẳng định
nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc.
Việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã góp phần tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo Hiến pháp năm 2013; Vì vậy trong thời giai tới cần tiếp tục phát huy tốt phương châm trên để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, hung cường./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét