Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

 

Thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá cách mạng Việt Nam là cách làm, các biện pháp xảo trá, lừa lọc, có bản chất xấu xa của các thế lực thù địch nhưng được che đậy, bao bọc một cách tinh vi, làm cho người ta tin và làm theo. Vỏ bọc che đậy cho các hành vi, thủ đoạn xấu xa mà các thế lực thù địch thường dựa vào là các chiêu bài “nhân quyền”, “dân chủ”, “tự do”, nhất là những vấn đề do lịch sử để lại; những khó khăn trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc; hay thiếu sót trong việc thực hiện đường lối phát triển kinh tế, xã hội ở miền núi, trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ở các địa phương; những đặc điếm về văn hoá, đời sống tâm lý của nhân dân các dân tộc thiểu số... Nghĩa là các thế lực thù địch triệt để tận dụng, tạo ra, khai thác mọi khe hở có thể, đế thực hiện những biện pháp chống phá cách mạng Việt Nam về vấn đề dân tộc trên chính địa bàn các dân tộc thiểu số đang sinh sống, coi đó là điểm xuất phát trong thực hiện mưu đồ lớn và lâu dài của chúng.

Thực tế đã những luận điệu trên hoàn toàn sai trái, thiếu căn cứ. Thực tế cho thấy trong những năm qua các dân tộc thiểu số ở Việt Nam luôn được quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi về mọi mặt. Các dân tộc thiểu số là bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Cả nước hiện có 5.468 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 49% tổng số xã toàn quốc. Khoảng 87% xã dân tộc thiểu số phân bố ở khu vực nông thôn. Tính đến ngày 01/4/2019, dân số của 53 dân tộc thiểu số khoảng 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Trong từng quyết sách về chính sách dân tộc, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, phát triển khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nói riêng, việc triển khai các Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo ở vùng sâu, vùng xa… đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đó chính là thực hiện xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển giáo dục, nâng cao dân trí; tôn trọng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa; xây dựng cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên các cấp trong sạch vững mạnh… để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Các cơ quan ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cùng cấp ủy, chính quyền sở tại đã triển khai các nhóm giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đặc thù của vùng đồng bào dân tộc nhằm thu hẹp khoảng cách vùng, miền. Cùng với đó, cổ vũ, động viên tinh thần nỗ lực, phấn đấu vươn lên của đồng bào, để không chỉ từng bước nâng cao chất lượng đời sống mà còn góp phần củng cố và tăng cường khối đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những điều đó đã khẳng định sự quan tâm, chăm lo của hệ thống chính trị các cấp đến đồng bào các dân tộc thiểu số, chứ không phải là những hoạt động đơn lẻ, lén lút của cái “xã hội dân sự” mà các thế lực thù địch, phản động rêu rao với luận điệu “nâng cao trách nhiệm của chính quyền”.

Vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số luôn được phát huy và bảo đảm. Thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, qua các thời kỳ cách mạng, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Việt Nam ngày càng tăng về số lượng, chất lượng, ngày càng khẳng định rõ vai trò là hạt nhân trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong thời kỳ đổi mới, rất nhiều cán bộ, đảng viên, đồng bào người dân tộc thiểu số đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Với sự quan tâm đào tạo và bồi dưỡng của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cá nhân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao chất lượng, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia vào hệ thống chính trị ngày càng cao. Trong bộ máy Đảng, Nhà nước các nhiệm kỳ, nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số giữ trọng trách lãnh đạo đất nước trên cương vị Tổng Bí thư, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng và tương đương…. Đại hội Đảng các cấp trong năm 2020 cũng đã khẳng định nhất quán chủ trương về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước ta. Kết quả bầu cử tại 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương có 389 đồng chí cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 11,68%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,72%. Tỉnh Cao Bằng có tới 75,5% tỉnh ủy viên là người dân tộc thiểu số. Ủy viên ban thường vụ người dân tộc thiểu số là 113 đồng chí, đạt tỷ lệ 11,86%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,51%. Bí thư cấp ủy người dân tộc thiểu số là 06 đồng chí, đạt tỷ lệ 9,23% ....

Như vậy, những âm mưu chia rẽ các dân tộc thiểu số chỉ là những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc với các dân tộc thiểu số. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nhận diện và đấu tranh bác bỏ./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét