Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

ĐẤU TRANH VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG CAN THIỆP VÀO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

 Đã từ lâu, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến các hoạt động tôn giáo và ban hành những chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và Hiến pháp, pháp luật. Quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Những quan điểm nhất quán này đã được ghi nhận trong Hiến pháp, kể từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 2013.

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng bóp méo, xuyên tạc nhằm chống phá Việt Nam. Thông qua vài trang mạng thiếu thiện chí ở hải ngoại, gần đây, một số tổ chức, cá nhân thù địch lại núp bóng “bảo vệ tự do tôn giáo” để chỉ trích rằng chính quyền Việt Nam “đàn áp tôn giáo tràn lan”; “ép buộc hàng trăm người bỏ đạo”; “phân biệt đối xử người dân theo đạo và không theo đạo”;… đòi trả tự do cho những tù nhân đang thụ án về tội lợi dụng tôn giáo chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Cần phải khẳng định ngay rằng, những chỉ trích vô lối ấy dựa theo những thông tin không có cơ sở, bị bóp méo, xuyên tạc làm sai lệch bản chất vấn đề. Ở Việt Nam, trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật, theo hoặc không theo tôn giáo nào là hoàn toàn do sự tự nguyện của công dân, không có chuyện chính quyền ép buộc người dân bỏ đạo. Mọi sinh hoạt của các tín đồ, chức sắc các tôn giáo được thực hiện bình thường ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam, không có chuyện chính quyền “đàn áp tôn giáo”.

Những năm qua, sinh hoạt tôn giáo của công dân Việt Nam ngày càng phát triển. Nhà thờ, đình chùa, miếu mạo… được tu sửa, tôn tạo, xây cất ngày càng nhiều. Cả nước hiện có hơn 29,6 nghìn cơ sở thờ tự. Công tác đào tạo chức sắc các tôn giáo ngày càng được mở mang. Việt Nam hiện có trên 57,4 nghìn chức sắc và trên 147 nghìn chức việc. Số lượng người dân tham gia các tôn giáo ngày càng tăng. Việt Nam hiện có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số)… Thực tế đã chứng minh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam luôn hướng tới vận động đồng bào các tôn giáo tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân nhằm xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, hướng các chức sắc, chức việc tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, ủng hộ các xu hướng tiến bộ trong các tôn giáo làm cho các giáo hội ngày càng gắn bó với dân tộc và sự nghiệp cách mạng của toàn dân. Mọi công dân Việt Nam dù theo các tôn giáo khác nhau hay không theo tôn giáo nào đều bình đẳng trước pháp luật.  Tại Việt Nam hiện có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Một số nhóm tôn giáo không được chính quyền cho phép hoạt động, một số đối tượng bị các cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý là do họ đã lợi dụng tôn giáo để hoạt động chính trị, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá sự nghiệp đổi mới của nhân dân Việt Nam. Hành vi của họ đã vi phạm pháp luật Việt Nam và cần phải có các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.

Cùng với tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà nước Việt Nam thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho mọi công dân, trong đó có cả các chức sắc, tín đồ tôn giáo luôn đề cao cảnh giác, nhận diện rõ ràng và kịp thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động lợi dụng tôn giáo để chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Dù cố tình bóp méo, xuyên tạc, một số tổ chức, cá nhân thù địch cũng không thể phủ nhận được thực tế tốt đẹp trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của công dân Việt Nam.

Còn với những đối tượng đang thụ án mà một số cá nhân, tổ chức thù địch đòi trả tự do, thực chất họ là những kẻ lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước Việt Nam chứ không vì mục đích bảo đảm quyền tự do tôn giáo. Việc đòi trả tự do cho những đối tượng ấy là hành động can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Nghị quyết Liên hợp quốc về nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ” được thông qua năm 1965 và được ghi nhận, thể hiện trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế quan trọng khác, đó là: “Tuyên bố cấm can thiệp vào công việc nội bộ, bảo vệ độc lập và chủ quyền của các quốc gia”. Như vậy, hành động đòi trả tự do cho những đối tượng đang thụ án về tội lợi dụng tôn giáo như đã nêu vừa trái với pháp luật Việt Nam, vừa vi phạm nguyên tắc quan hệ quốc tế. Sự thật rất rõ ràng, chẳng lẽ một số cá nhân, tổ chức thù địch với Việt Nam lại không hiểu được những điều ấy. Hay họ đang cố tình không hiểu vì những động cơ và mục đích đen tối: Tiếp tay cho hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước Việt Nam./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét