Thực
hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, những năm qua, tôn giáo
là một trong những nội dung chiến lược được các thế lực thù địch, phản động
triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã
hội (ANCT, TTATXH), tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng
coi đó là một yếu tố quan trọng để tạo sức ép từ bên ngoài, đồng thời kích động
các hoạt động chống phá từ bên trong.
Nhận diện các thủ đoạn, phương thức thâm độc
Qua nghiên cứu, có thể khái quát một số thủ
đoạn, phương thức cơ bản mà các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo thời
gian gần đây để chống phá nước ta như sau:
Một là, chúng tìm mọi cách tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của
Nhà nước, tích cực thúc đẩy liên kết hoạt động giữa các tôn giáo hòng từng bước
biến tôn giáo thành lực lượng chính trị đối trọng với Đảng và Nhà nước Việt
Nam. Chúng đẩy mạnh phát triển các hội đoàn tôn giáo, khuếch trương thanh thế,
kết hợp với tăng cường truyền đạo trái phép, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng
đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Bắc, Tây Nguyên để tập hợp quần chúng,
gây áp lực với chính quyền địa phương. Chúng đã lập ra các hội, nhóm liên kết
bất hợp pháp núp dưới danh nghĩa tôn giáo như “Hội đồng liên tôn Việt Nam”,“Hội
đồng nhân quyền Việt Nam”, “Văn phòng Công lý-Hòa bình”... để lôi kéo, mua
chuộc quần chúng, tín đồ nhằm tập hợp lực lượng tiến hành các hoạt động phá
hoại ANCT, TTATXH ở một số địa phương. Đáng chú ý, kẻ địch triệt để đẩy mạnh
hoạt động lấn chiếm, chuyển nhượng đất đai trái pháp luật của các cá nhân, tổ
chức tôn giáo, như: Vụ lấn chiếm đất đai trái pháp luật tại Giáo xứ Sở Kiện (Hà
Nam); vụ lấn chiếm, chuyển nhượng đất đai trái phép tại Giáo xứ Xuân Hòa (Bắc
Ninh); vụ dòng Thiên An lấn chiếm đất rừng ở Hương Thủy (Thừa Thiên Huế)...
Thông qua đó, đòi tư hữu hóa đất đai, gây mâu thuẫn giữa các chức sắc, tín đồ
với chính quyền, kích động chức sắc, tín đồ tôn giáo cản trở việc thực hiện
chính sách, pháp luật, chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến
tình hình ANCT, TTATXH tại địa phương...
Hai là, chúng triệt để lợi dụng chiêu bài “tôn giáo hóa dân tộc”
để thâm nhập, lôi kéo, tập hợp lực lượng là người DTTS, tiến tới hình thành tổ
chức phản động trên địa bàn. Chúng thông qua các tôn giáo đã phát triển ở vùng
DTTS hoặc lập ra một số hình thức "tôn giáo riêng" cho người DTTS như
"Tin lành của người Mông" để thành lập “Nhà nước Mông” ở Tây Bắc;
"Phật giáo Nam Tông Khmer" để thành lập “Vương quốc Chăm Pa” ở vùng
DTTS Nam Trung Bộ, “Nhà nước Khmer Kampuchea Krom” ở Tây Nam Bộ... thực chất là
hình thành các tổ chức phản động chống phá Nhà nước ta. Đáng chú ý, gần đây, tổ
chức phản động “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” (CHPC) do A Đảo (Sa
Thầy, Kon Tum) làm “Giáo hội trưởng” đã kết nối với các đối tượng trong nước
tuyên truyền, lôi kéo chức sắc, tín đồ và người dân tập hợp lực lượng, từng
bước công khai hóa hoạt động. Chúng móc nối, lôi kéo, hướng dẫn các tín đồ theo
đạo Tin lành thuần túy trong nước tham gia các buổi tập huấn trực tuyến về nhân
quyền mà thực chất chính là các buổi đào tạo kỹ năng hoạt động “xã hội dân sự”;
hướng dẫn phương pháp thu thập, cung cấp các thông tin sai lệch về tình hình
trong nước để xuyên tạc, vu cáo ta trên mạng xã hội và các diễn đàn quốc
tế.
Ba là, lợi dụng thần quyền, giáo lý, giáo
luật để kích động, ép buộc đồng bào tôn giáo chống lại chủ trương, chính sách
của Đảng và Nhà nước; lôi kéo, kích động tín đồ và nhân dân biểu tình, gây rối
để lấy cớ can thiệp từ bên ngoài. Đó là những biểu hiện như hoạt động chỉ đạo, kích
động chống đối chính sách, pháp luật, bất hợp tác với chính quyền trong việc
giải quyết các vấn đề phức tạp tại địa phương hay công khai bày tỏ thái độ
thách thức chính quyền, coi thường pháp luật, kích động bạo lực, gây chia rẽ
khối đại đoàn kết dân tộc ta, kêu gọi đa nguyên, đa đảng, lật đổ chế
độ...
Bốn là, triệt để tác động, lôi kéo các chính khách cực đoan
trong chính trường một số nước để tác động quốc hội, nghị viện các nước này
thông qua các báo cáo, nghị quyết, thông cáo xuyên tạc tình hình tôn giáo, dân
tộc ở trong nước, vu cáo Nhà nước vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Thông
qua các cuộc hợp tác song phương, đa phương giữa Mỹ và các nước đồng minh với
Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội để gây sức ép với Việt Nam về dân
tộc, tôn giáo, tìm cách gắn “các yêu sách về vấn đề tôn giáo, dân tộc”, “dân
chủ, nhân quyền” trong quan hệ song phương, đa phương với Việt Nam; từ đó hòng
tìm cách can thiệp vào nội bộ nước ta. Ở bên ngoài, các tổ chức phản động lưu
vong ráo riết vận động Việt kiều, người nước ngoài ủng hộ kinh phí, vật chất,
phương tiện rồi tìm cách đưa vào trong nước để “nuôi dưỡng, hậu thuẫn” các đối
tượng trong nước hoạt động quyết liệt, tích cực hơn. Chúng còn móc nối với số
cơ hội chính trị trong nước thu thập tin tức, tình hình dân tộc, tôn giáo, việc
xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện
chính sách dân tộc, tôn giáo ở địa phương rồi bóp méo, xuyên tạc trên các diễn
đàn, trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông nhằm hạ thấp uy tín của Việt
Nam trên trường quốc tế.
Chủ động, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng,
Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo ở nước ta
không ngừng được cải thiện, nâng lên, đồng bào có đạo và nhân dân tích cực tham
gia vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an
sinh xã hội. Các lực lượng chức năng đã kịp thời giải quyết bức xúc trong cộng
đồng các tôn giáo và nhân dân, ổn định an ninh trật tự tại địa bàn, bảo đảm
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; xử lý nghiêm các hành vi lợi
dụng tôn giáo vi phạm pháp luật; tranh thủ được sự ủng hộ của đa số quần chúng
và đồng bào các tôn giáo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét