Quốc phòng Việt Nam với mục đích hòa bình, tự vệ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Vì vậy sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 đã nêu rõ, chủ trương của Việt Nam là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam xây dựng sức mạnh quốc phòng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính sách Quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược.Chủ trương thực hiện nhất
quán chính sách quốc phòng “bốn không” vì chính sách này giúp chúng ta giữ vững
độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; luôn độc lập, tự
chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, ứng xử và giải quyết hài hòa các mối
quan hệ, hợp tác quốc tế hiện nay vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Tránh căng
thẳng, đối đầu, tránh xung đột về quân sự; tránh cô lập về kinh tế và ngoại giao;
tránh bị lệ thuộc về chính trị; thực hiện được chủ trương, đường lối đối ngoại
vì hòa bình, vì sự ổn định và phát triển, thực hiện tiến bộ xã hội. Khẳng định
chủ trương, đường lối đối ngoại về quốc phòng của Việt Nam là đúng đắn; kế sách
giữ nước độc lập, độc đáo, hợp lòng dân, được quảng đại quần chúng nhân dân
đồng tình, ủng hộ Đảng, Nhà nước ta. Đây là sự ứng phó mềm dẻo, linh hoạt, phù
hợp với định hướng phát triển theo xu thế thời đại và khát vọng hòa bình của
nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Điều đó
phản ánh tư duy, tầm nhìn chiến lược; hệ quan điểm nhất quán, xuyên suốt của
Đảng, Nhà nước ta trong lãnh đạo, chỉ đạo đường lối đối ngoại về quốc phòng
nhằm giải quyết ổn thỏa các mối quan hệ để “được mình, được việc, được quan
hệ”, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Nhờ đó, chúng ta “thêm bạn, bớt thù”, an tâm phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản
xuất; xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đầy biến động, phức tạp
như hiện nay, nhất là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina đang diễn ra.
Chúng ta đều biết, muốn bảo
vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo
vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, chúng ta phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ,
tự lực tự cường; không thể phó thác vận mệnh quốc gia - dân tộc cho “người
khác”, cậy nhờ “các thế lực bên ngoài” dù đó là đồng minh, dù cho có liên minh.
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cũng như trong
lịch sử cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo, chúng ta chưa bao giờ liên minh
quân sự với cường quốc.
Thực tế
chỉ ra rằng, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược,
Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, các nước bạn bè quốc tế đã
giúp đỡ chúng ta về vật chất và tinh thần nhưng chúng ta không ỷ lại vào họ,
không tham gia khối liên minh quân sự nào, dù là liên minh với Liên Xô hay Đông
Âu. Do lịch sử mối quan hệ truyền thống đặc biệt và yêu cầu nhiệm vụ chống kẻ
thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược ba nước Đông Dương, chúng ta
đã chủ động xây dựng và tham gia khối liên minh Việt Nam - Lào - Campuchia
(1951). Đây là liên minh đặc biệt, mang tính tự vệ, chính nghĩa nhằm đánh đuổi
quân xâm lược, giành lại độc lập, hòa bình cho nhân dân ba nước Đông Dương. Nó
trở thành biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu, một phương thức bảo vệ Tổ
quốc vào thời điểm đặc biệt do lịch sử quy định.
Với tư duy lý luận sắc bén và
tầm nhìn chiến lược, Đảng ta và Bác Hồ luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ và nhân
dân ta phải đề cao tinh thần: độc lập, tự chủ; tự lực tự cường”, “tự lực cánh
sinh”, “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”, “dựa vào sức mình là chính” để “tự
cứu lấy mình”, trên cơ sở kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời
đại; tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Việt Nam không chọn bên, không
nghiêng hẳn về một bên nào, không đi theo một cường quốc nào; luôn độc lập, tự
chủ, tỉnh táo và sáng suốt lựa chọn lẽ phải, chính nghĩa để phát huy sức mạnh
nội sinh là khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nguồn sức mạnh vô địch để
bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Để
bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần chăm lo cho
sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh của dân tộc với
sức mạnh của thời đại. Trong đó, sức mạnh bên trong, sức mạnh nội sinh của đất
nước, của chế độ và của nền kinh tế và tiềm lực quốc gia là nhân tố quyết định.
Vì vậy, chủ trương không tham gia liên minh quân sự của Đảng ta là đúng đắn,
phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước cùng với 13
nước đối tác toàn diện. Việt Nam đã chính thức thiết lập quan hệ đối ngoại quốc
phòng với hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ; đặt văn phòng tùy viên quân sự tại
Liên hợp quốc và 37 quốc gia khác. Có 49 quốc gia đặt văn phòng tùy viên quân sự
tại Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét