Với vai trò là một cơ quan trọng yếu của chính quyền như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, Bộ, ngành Tư pháp tự hào về truyền thống vẻ vang mà các thế hệ cán bộ Tư pháp đã dầy công vun đắp, trung thành, sáng tạo, tận tụy, đoàn kết, phấn đấu vì đất nước, vì nhân dân, vì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Có thể khái quát một số thành tựu nổi bật của Bộ, Ngành Tư pháp
trong chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành như sau:
1. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1960
Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa đã ra Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất Quốc gia gồm 12 Bộ, trong đó
có Bộ Tư pháp do đồng chí Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng. Ra đời trong chế độ
mới, thấm nhuần tư tưởng bình đẳng, dân chủ chống áp bức vì sự tiến bộ xã hội
trong Tuyên ngôn độc lập của Bác, trong giai đoạn đầu thành lập, theo Nghị định
số 37 về tổ chức của Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp có chức năng xây dựng các dự án
luật, pháp lệnh về hình sự, dân sự, thương sự và thủ tục tố tụng …; tổ chức và
quản trị các Tòa án, các thẩm phán và viên chức Tư pháp, truy tố các tội phạm,
quản trị các nhà lao và giáo dục phạm nhân, quản lý các luật sư, quản tài viên,
đấu giá viên, thừa phát lại, dự thảo và thi hành các hiệp ước quốc tế về tư
pháp. Trong tình hình hết sức khẩn trương của cuộc kháng chiến, Bộ Tư pháp đã
kịp thời kiến nghị ban hành Sắc lệnh về việc giữ lại các luật lệ cũ để áp dụng
với điều kiện không được phương hại đến quyền lợi của Nhân dân và nền độc lập
của đất nước; xây dựng, trình Chủ tịch nước ban hành các văn bản về chế độ tư
pháp mới, thiết lập hệ thống Tòa án và các ngành thẩm phán, tiến hành tuyển
chọn những thẩm phán đầu tiên của chế độ mới. Tuy nhiên, những tư tưởng cao đẹp
của Hiến pháp năm 1946 đang được triển khai thực hiện thì thực dân Pháp đã quay
lại nhằm xâm chiếm nước ta một lần nữa. Để cùng cả nước với cuộc kháng chiến
trường kỳ, cuối năm 1946, Bộ Tư pháp dời tru sở lên chiến khu Việt Bắc. Trong
điều kiện ác liệt của cuộc kháng chiến, Bộ Tư pháp đã tập trung mọi nỗ lực để
tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện công cuộc cải cách tư pháp lần thứ nhất
vào năm 1950 trên cả ba phương diện: Lập pháp - Tố tụng - Tổ chức Ngành Tư
pháp. Trong đó, trọng tâm là cải cách bộ máy tư pháp với các luật tố tụng theo
hướng tăng cường tính nhân dân, xây dựng nền tảng tư pháp nhân dân, vận động
Nhân dân tham gia công tác tư pháp, tham gia kháng chiến, bảo vệ chính quyền,
thực hiện giảm tô, cải cách ruộng đất, đưa cuộc kháng chiến đến thẳng lợi, vẻ
vang. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, thế hệ cán bộ Tư pháp
đầu tiên là các tri thức, luật gia, luật sư yêu nước đã tự nguyện tham gia công
cuộc kiến thiết dân chủ, tổ chức, điều hành bộ máy tư pháp cách mạng và có
nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước trên mặt trận ngoại giao... Năm 1954,
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Kháng chiến thắng lợi, Bộ Tư pháp được Chủ
tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi. Đất nước bước sang một giai đoạn cách mạng
mới, Bộ Tư pháp tập trung giúp Chính phủ xây dựng Hiến pháp năm 1959 và các đạo
luật về tổ chức bộ máy nhà nước, các luật, sắc lệnh về quyền dân sự, quyền tự
do dân chủ của Nhân dân phù hợp với tình hình mới. Trong suốt cuộc kháng chiến
chống Mỹ, ở miền Bắc, các cơ quan pháp chế đã tích cực triển khai công tác tham
mưu về pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng khuôn khổ
pháp lý cho việc kế hoạch hóa kinh tế quốc dân.... Ở cơ sở, các Ban Tư pháp chú
trọng công tác hòa giải ở cơ sở, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương
ái, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, trật tự xã hội…Ngày 11/02/1960, Hội đồng
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/CP quy định nhiệm vụ và tổ chức của Bộ Tư
pháp. Theo Nghị định này, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ nghiên cứu những quy định về
hệ thống tổ chức và thẩm quyền của Tòa án nhân dân địa phương các cấp, của Tư
pháp cấp xã; hướng dẫn việc thực hiện các quy định ấy; nghiên cứu và dự thảo
các bộ luật và các đạo luật tổng hợp về dân sự, hình sự và thủ tục tố tụng; chỉ
đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm mục đích giáo dục cho Nhân
dân ý thức tuân theo pháp luật; nghiên cứu những quy định về hội thẩm nhân dân,
về tổ chức luật sư, bào chữa viên, công chứng viên, giám định viên và quản lý
các tổ chức ấy; đào tạo và giáo dục cán bộ tòa án và cán bộ tư pháp; quản lý
cán bộ và biên chế của Ngành Tư pháp theo chế độ phân cấp quản lý cán bộ và
biên chế; hướng dẫn, kiểm tra và tổng kết công tác của Ngành Tư pháp.
2. Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1981
Năm 1972, Ủy ban pháp chế (thay thế cho Bộ Tư pháp) được thành
lập giúp Chính phủ quản lý toàn diện về pháp luật, pháp chế, góp phần quan
trọng trong quản lý thống nhất công tác pháp chế của Hội đồng Chính phủ, thực
hiện chức năng quản lý thống nhất công tác xây dựng và ban hành pháp luật,
hướng dẫn và theo dõi thi hành pháp luật, xây dựng cơ quan pháp chế cấp dưới,
bồi dưỡng cán bộ pháp chế, quản lý hành chính tư pháp; làm tư vấn pháp luật cho
Ủy ban hành chính về các vấn đề liên quan đến pháp chế.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 cách mạng dân tộc dân chủ đã hoàn
toàn thắng lợi, một trong những vấn đề bức thiết cần giải quyết kịp thời là
thực hiện thống nhất về mặt nhà nước, pháp luật. Ủy ban pháp chế đã tiếp nhận
và bàn giao công việc tư pháp của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt
Nam, tích cực thực hiện rà soát, trình Hội đồng Chính phủ công bố danh mục văn
bản pháp luật được áp dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam nhằm thống nhất pháp chế
xã hội chủ nghĩa của đất nước. Năm 1981, Bộ Chính trị ra Nghị quyết tái thành
lập Bộ Tư pháp, kế thừa tổ chức và hoạt động của Ủy ban pháp chế với sự mở rộng
chức năng, nhiệm vụ.
3. Giai đoạn từ năm 1981 đến năm 1992
Năm 1981, Bộ Tư pháp được tái thành lập, khẳng định vai trò của
Ngành Tư pháp trong việc góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý
xã hội bằng pháp luật. Ngày 22/11/1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định
số 143-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp. Theo
đó, Bộ Tư pháp là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng, có chức năng giúp Hội đồng Bộ
trưởng thực hiện quản lý thống nhất các công việc về tư pháp trong cả nước, bao
gồm công tác dự thảo pháp luật, quản lý về mặt tổ chức các Tòa án nhân sân địa
phương và các công tác tư pháp khác; công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức
pháp luật xã hội chủ nghĩa trong cán bộ và Nhân dân; góp phần bảo đảm thi hành
Hiến pháp và pháp luật; tăng cường chuyên chính vô sản, thực hiện quyền làm chủ
tập thể xã hội chủ nghĩa của Nhân dân. Bộ Tư pháp đã có những đóng góp quan
trọng trong xây dựng pháp luật, mở đường cho đổi mới về kinh tế, xây dựng nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 1986, Việt Nam thực hiện
công cuộc đổi mới toàn diện và sâu sắc, trước hết là đổi mới về kinh tế. Từ sự
đổi mới về tư duy pháp lý, Bộ Tư pháp đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng các đạo
luật, pháp lệnh đầu tiên của thời kỳ đổi mới. Những đề xuất đổi mới về pháp
luật đã tạo không gian pháp lý phù hợp, giúp nhanh chóng giải phóng tối ưu các
nguồn lực trong cả nước, thổi luồng gió mới cho các hoạt động sản xuất kinh
doanh, đổi mới về pháp luật có tính trụ cột trong hệ thống pháp luật như chủ
trì xây dựng Bộ luật Hình sự năm 1985, Bộ luật Tố tụng hình sự 1988, Luật Hôn
nhân và gia đình năm 1986; Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1988; Pháp lệnh Trừng
trị tội hối lộ năm 1981…; góp phần xây dựng Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
năm 1987, Luật Công ty năm 1990, Luật Doanh nghiệp tư nhân..; tham gia góp ý về
các điều ước quốc tế, cùng các ngành trình ký kết hoặc gia nhập trên 50 điều
ước quốc tế. Ngoài ra, công tác quản lý các Toà án nhân dân về mặt tổ chức cũng
có những thay đổi đáng kể, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các công
tác khác có nhiều khởi sắc…
4. Giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2007:
Ngày 04/6/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38-CP quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp, là cơ sở pháp lý
quan trọng cho việc đổi mới, kiện toàn hệ thống các cơ quan tư pháp, đánh dấu
một bước phát triển mới của tổ chức bộ máy cơ quan Bộ Tư pháp nói riêng và tổ
chức hệ thống Ngành Tư pháp nói chung. Theo đó, Bộ Tư pháp thực hiện chức năng
quản lý nhà nước, thống nhất về công tác tư pháp, xây dựng và tham gia xây dựng
pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, quản lý về mặt tổ chức Tòa án nhân dân
địa phương; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý và quản lý các công tác tư pháp
khác… Ngành Tư pháp có vinh dự được thay mặt Nhà nước chăm lo cho nhu cầu pháp
lý của Nhân dân, con người thông qua các công tác quốc tịch, khai sinh, kết
hôn, nuôi con nuôi, trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở
cơ sở...; bảo đảm nhu cầu pháp lý của người dân và doanh nghiệp thông qua các
hoạt động công chứng, chứng thực đăng ký giao dịch bảo đảm, bán đấu giá tài
sản, luật sư, giám định tư pháp, thống nhất triển khai công tác pháp chế tại
các doanh nghiệp nhà nước... Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2003/NĐ-CP
ngày 06/6/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Tư pháp. Bộ, ngành Tư pháp đã có nhiều đóng góp trong việc hoàn thiện pháp luật
như chủ trì soạn thảo Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật dân sự năm 2005, Bộ
luật tố tụng hình sự năm 2003; Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004… Công tác kiểm
tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, hợp tác
quốc tế, thi hành án dân sự, bổ trợ tư pháp, xử lý vi phạm hành chính… cũng đạt
nhiều thành tựu quan trọng, đi vào chiều sâu phục vụ tốt nhu cầu xây dựng thể
chế thị trường, từng bước hội nhập, góp phần bảo đảm nhu cầu pháp lý của người
dân và doanh nghiệp…
5. Giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2015
Với tư duy năng động, bám sát tình hình thực tiễn, quán triệt
đường lối lãnh đạo của Đảng, Bộ Tư pháp đã đề xuất chủ trì, giúp Chính phủ soạn
thảo trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 48/NQ-TW về Chiến lược xây dựng
và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, góp
phần quan trọng vào việc xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược cải
cách tư pháp giai đoạn 2006 – 2020 và là một mắt xích quan trọng trong tiến
trình cải cách tư pháp. Bộ, ngành Tư pháp tích cực thực hiện Chiến lược xây
dựng pháp luật, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đã
tạo nên những đột phá trong hoạt động tư pháp, pháp luật, được Nhà nước tin cậy
giao nhiều nhiệm vụ mới như tổ chức thi hành pháp luật, phục vụ đời sống dân
sinh, quản lý trực tiếp thực hiện bồi thường nhà nước, kiểm soát thủ tục hành
chính, quản lý xử lý vi phạm hành chính… Đây là những công việc mới có nhiều
khó khăn, đòi hỏi vừa xây dựng thể chế, vừa tổ chức lực lượng triển khai đã
được toàn ngành nỗ lực thực hiện. Hơn nữa, một điểm nổi bật trong công cuộc cải
cách tư pháp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị đó là việc thực hiện mạnh mẽ các
hoạt động xã hội hóa như sự ra đời và hoạt động hiệu quả của các văn phòng công
chứng, bán đấu giá tài sản, văn phòng thừa phát lại…
Đặc biệt, Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn này ngày càng thể
hiện vai trò nòng cốt trong việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một trong ba đột phá mà Chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Lần đầu tiên trong hoạt động xây dựng
pháp luật của Nhà nước, tiếp theo Hiến pháp, Bộ luật dân sự, Bộ luật Hình sự
được tổ chức lấy ý kiến toàn dân theo đề xuất của Bộ Tư pháp. Chủ trì soạn thảo Bộ luật dân sự năm 2015,
Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
năm 2015... Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật được
triển khai. Hiệp hội công chứng viên lần đầu tiên được thành lập. Công tác thi
hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng khẳng định vị trí, vai
trò quan trọng trong việc thi hành pháp luật. Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11
hằng năm được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức
thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân. Hoạt động giáo dục pháp
luật trong nhà trường, hòa giải ở cơ sở có nhiều chuyển biến rõ rệt. Công tác
thi hành án dân sự có sự chuyển biến tiến bộ vượt bậc, nhất là khi có Luật Thi
hành án dân sự.… Dự án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học
Luật TP. Hồ Chí Minh là các trường trọng điểm đào tạo về pháp luật và Đề án xây
dựng Học viện Tư pháp trở thành trung tâm lớn đào tạo cán bộ tư pháp được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt và khẩn trương triển khai, thực hiện sự chuyển hướng
quan trọng trong đào tạo cán bộ tư pháp. Từ năm 2007, Bộ Tư pháp đã đề xuất chủ
trương mở rộng hệ thống cơ sở đào tạo, trường trung cấp luật... Cũng trong giai
đoạn này, Bộ Tư pháp đã tham mưu ký kết hàng chục hiệp định tương trợ tư pháp,
đảm nhiệm vai trò ngày càng quan trọng về tư vấn các vấn đề pháp lý, tăng cường
hợp tác song phương và đa phương, trực tiếp tham gia nhiều vụ việc giải quyết
tranh chấp về đầu tư, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các doanh nghiệp góp phần
nâng cao vị thế của Việt Nam trong tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh…
6. Giai đoạn từ năm 2015 đến nay
Ngày 16/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2017/NĐ-CP
quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
Theo đó Bộ Tư pháp có chức năng quản lý nhà nước về: Xây dựng và thi hành pháp
luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi
hành án dân sự, thi hành án hành chính, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, bồi
thường nhà nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc
phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp…Công tác xây dựng, hoàn thiện
pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh
nhằm cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013 và các định hướng cải cách tư pháp.
Chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội ban hành: Luật Trợ giúp pháp lý năm 2019,
Luật Giám định Tư pháp năm 2020, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm
2020, Luật tiếp cận thông tin 2016…Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng
cường ứng dụng công nghệ thông tin như thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả
giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, triển khai đăng
ký khai sinh, quản lý hộ tịch, đăng ký giao địch bảo đảm trực tuyến… Công tác
thi hành án dân sự, tổ chức thi hành pháp luật và các công
tác khác có nhiều chuyển biến. Công tác phổ biến, giáo dục pháp
luật có nhiều đổi mới; phản ứng chính sách kịp thời, nhạy bén hơn, nhất là
trong bối cảnh diễn ra đại dịch COVID -19 trên phạm vi cả thế giới. Công tác hợp tác
pháp luật được thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện trên mọi bình diện đa phương và song
phương với điểm nhấn là gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước
ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp, Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển
(IDLO)…/.
(Nguồn: xbtuphap.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin tuc.aspx?ItemID=1830&l=Nghiencuutraodoi)
CH-K11
0 nhận xét:
Đăng nhận xét