Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, đã có không
ít quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, xuyên tạc, phủ nhận con đường cách
mạng mà Đảng và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn trong hơn 90 năm qua. Họ cho rằng,
Đảng Cộng sản Việt Nam đưa dân tộc Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH)
không khác gì “đẩy dân tộc vào “thiên đường mù”, “bến bờ ảo vọng”. Luận điệu
xuyên tạc này đã bị phủ nhận hoàn toàn bởi thực tiễn công cuộc đổi mới và những
thành quả ban đầu của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội
chủ nghĩa (XHCN).
Thực tế cho thấy,
từ khi thành lập đến nay, với đường lối đúng đắn và bản lĩnh của một Đảng cách
mạng chân chính, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thành
công cách mạng giải phóng dân tộc và tiến hành công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam XHCN ngày càng đạt được những kết quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Mặc
dù vậy, cho đến nay, vẫn có những con người được sinh ra, được hưởng thành quả
của sự nghiệp cách mạng ấy đã phủ nhận, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng
và phủ nhận thành quả cách mạng của nhân dân ta. Họ cho rằng, nếu không đi theo
con đường XHCN thì dân tộc Việt Nam đã không chậm phát triển, không có tham
nhũng; rằng, nếu đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, đất nước sẽ phát triển
nhanh, xã hội sẽ tiến bộ và công bằng...
Thực chất, những luận điệu nêu trên, hoặc là quan điểm sai
trái, thù địch, phản động; hoặc là không đủ khả năng nhận thức được xu thế phát
triển tất yếu của lịch sử nhân loại.
Có thể khẳng định, từ khi lịch sử loài người xuất hiện giai
cấp, áp bức, bóc lột, bất công, thì tình trạng chiến tranh, thủ đoạn cướp đoạt
bằng bạo lực, nô dịch cũng xuất hiện. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, tình trạng
ấy ngày càng trở nên gay gắt. Từ đó, những khát vọng, mong muốn được giải phóng
của những giai cấp bị áp bức, bóc lột cũng xuất hiện. Nhiều thế hệ các nhà tư
tưởng, các nhà cách mạng ưu tú đã cống hiến, hy sinh cả cuộc đời cho lý tưởng tốt
đẹp, nhân đạo, cho sự tiến bộ của nhân loại. Từ những tư tưởng sơ khai của
Aghit, Clê-ô-men thế kỷ III trước Công nguyên đến những mô hình, hệ thống quan
điểm ngày càng hoàn chỉnh, tiến bộ hơn như T.Moro, G.Ba-bớp, Xanh-xi-mông,
Ph.Phurie, R.Owen, N.Đô-bzô-liu-bốp. Tư tưởng XHCN được khái quát thành hệ một
thống lý luận khoa học trong Chủ nghĩa Mác. Đến V.I.Lê-nin, lý luận đó là tiền
đề cho sự ra đời CNXH hiện thực. CNXH được hiểu với 3 tư cách: Là một học thuyết,
một phong trào cách mạng và một chế độ xã hội. Học thuyết, phong trào, chế độ ấy
hướng đến sự giải phóng triệt để con người, chấm dứt bạo lực, cường quyền, chiến
tranh; để phát triển toàn diện con người, để sự tự do của mỗi người là tiền đề
cho sự tự do của tất cả mọi người.
Xuất phát từ nhận thức rằng, áp bức giai cấp là nguyên nhân
căn bản, sâu xa của áp bức dân tộc, thì các chế độ người áp bức, bóc lột người
trong lịch sử đều dẫn đến tình trạng dân tộc này đi áp bức, bóc lột dân tộc
khác. Tình trạng này xuất hiện là do giai cấp thống trị về kinh tế trong một
dân tộc luôn muốn củng cố địa vị kinh tế của mình thông qua bóc lột, đồng thời
mở rộng sự ảnh hưởng của mình thông qua áp bức, nô dịch các dân tộc khác. Sự đô
hộ của các nước đế quốc đối với các nước thuộc địa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ
XX, về thực chất là sự bành trướng, áp bức bóc lột của giai cấp tư sản khi nó
đã trở thành giai cấp lỗi thời về mặt lịch sử.
Chế độ XHCN ra đời sẽ tạo cơ sở kinh tế để nhân dân được ăn
no, mặc ấm. Theo Hồ Chí Minh: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập
khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Chế độ chính trị của CNXH sẽ bảo đảm quyền lực
thực sự thuộc về nhân dân. Chế độ xã hội trong CNXH sẽ bảo đảm cho quyền tự do,
dân chủ, bình đẳng và tiến bộ. Khi nhân dân được thụ hưởng những lợi ích thực sự
mà cách mạng đem lại, nhân dân các nước XHCN sẽ ra sức bảo vệ thành quả cách mạng,
bảo vệ chế độ, qua đó góp phần củng cố độc lập dân tộc bền lâu. Thực tế là, từ
năm 1945 đến nay, không chỉ có Việt Nam giành được độc lập từ sự đô hộ của chủ
nghĩa thực dân, mà có nhiều nước từ Á, Phi đến Mỹ Latin cũng giành được độc lập
nhưng khi đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, nhiều nước vẫn chìm trong bạo lực,
chiến tranh, mâu thuẫn sắc tộc, nghèo đói. Các nước ấy bị chi phối, thao túng,
và thực sự không có độc lập, tự do.
Đến nay, Việt Nam chưa phải là quốc gia phát triển, nhưng nếu
tính từ năm 1945 thì nền độc lập của dân tộc Việt Nam mới được 78 năm và nếu
tính từ năm 1975 thì dân tộc Việt Nam mới chấm dứt chiến tranh được 48 năm. Với
từng ấy thời gian cho việc xây dựng và kiến thiết đất nước thì còn quá ngắn so
với chế độ tư bản đã có hơn 500 năm kiến tạo.
Tuy nhiên, điều căn bản là, ngày nay, chế độ tư bản chủ
nghĩa không phải là chế độ mà ở đó con người được giải phóng và phát triển thực
sự; chế độ mà ở đó “một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại
chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài
chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối
toàn xã hội”, do đó “Sự rêu rao bình đẳng về quyền nhưng không kèm theo sự bình
đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình
thức, trống rỗng mà không thực chất”.
Trong khi đó, với thành tựu của sự nghiệp đổi mới đất nước,
dân tộc và nhân dân Việt Nam ngày càng được hưởng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh
phúc. “Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát
triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong những năm qua với mức tăng trưởng
trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt
342,7 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập
bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512USD; Việt Nam đã ra khỏi
nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền
miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở
thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới”.
Cách mạng là sự nghiệp khó khăn, lâu dài, gian khổ, vì cách
mạng là thay chế độ xã hội cũ bằng xã hội mới. Lịch sử cho thấy, chiếm hữu nô lệ
chỉ tan rã sau 400 năm từ khi xuất hiện mầm mống của chế độ phong kiến trong
lòng nó. Giai cấp tư sản lật đổ chế độ phong kiến để xác lập địa vị thống trị của
mình phải mất gần 300 năm, bắt đầu từ cách mạng tư sản Hà Lan (thế kỷ XVI), đến
tận khi vua Louis XVI lên đoạn đầu đài ở Pháp vào thế kỷ XVIII thì chủ nghĩa
phong kiến ở châu Âu về đại thể mới chấm dứt sự thống trị. Thậm chí, tàn dư của
chế độ phong kiến còn tồn tại cho đến ngày nay ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên,
đúng như Đảng ta khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất
định sẽ tiến tới CNXH”. Với ý nghĩa đó, “Chủ nghĩa cộng sản là hình thức tất yếu
và là nguyên tắc kiên quyết của tương lai sắp tới”.
Do vậy, độc lập dân tộc và CNXH là mục tiêu cơ bản và lâu
dài của cách mạng Việt Nam, bảo đảm cho dân tộc ta đi đến tương lai phồn vinh,
hạnh phúc. Với lịch sử hào hùng hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ
cha ông ta từ thuở xa xưa đã luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất
nước. Trong thời kỳ chiến tranh, họ là những người tiên phong trong các phong
trào đấu tranh giành độc lập và cứu nước, luôn làm nòng cốt cho cách mạng, hy
sinh tất cả cho sự nghiệp độc lập tự do. Với sự may mắn được sinh ra trong thời
bình, chúng ta cũng phải trân trọng sự cống hiến hi sinh của thế hệ đi trước;
hiểu rõ trách nhiệm của mình để gìn giữ và bảo vệ đất nước, bảo vệ những thành
quả đổi mới của đất nước được xây dựng bằng xương máu của cha ông mình; phải
xác định tư tưởng, tình cảm, lý tưởng sống của mình: yêu quê hương đất nước, tự
hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, lao động,
học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất
nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ Quốc cần; kiên quyết đấu tranh, phản bác làm thất
bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
MĐ11
0 nhận xét:
Đăng nhận xét