Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2023

KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC THÀNH TỰU TRONG CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM


Từ nhiều năm nay, lợi dụng những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là quan hệ của Việt Nam với một số nước lớn và vấn đề chủ quyền biển, đảo của nước ta ở Biển Đông, trên các phương tiện thông tin, nhất là mạng xã hội, các thế lực thù địch và các phần tử chống đối, cơ hội đã tung nhiều thông tin sai lệch, ra sức công kích, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước ta.

Xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước Việt Nam là đã “lạc hậu, lỗi thời”, “không còn phù hợp”, nhất là trong tình hình hiện nay. Không ít cá nhân, nhóm cá nhân tự xưng là “người yêu nước”, “tâm huyết” với “vận mệnh quốc gia dân tộc” đã viết bài phát tán trên mạng xã hội với những giọng điệu xuyên tạc. Họ lập luận rằng, thế giới hiện nay đang là thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, các quốc gia, dân tộc có mối quan hệ ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau. Vì thế theo họ, nếu vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ là “bảo thủ”, “tự mình cô lập mình”, là “tự tách ra khỏi dòng chảy” của thế giới bên ngoài, chính sách đối ngoại đó đã thực sự “lạc hậu, lỗi thời”, “không còn phù hợp”, và đã trở thành “lực cản” đối với sự phát triển đất nước. Họ cho rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) là “tự trói tay mình”, là chính sách “không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi”, nếu không thì không thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền của đất nước.

Bóp méo sự thật, xuyên tạc rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam trên thực tế đã từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đang ngấm ngầm “theo chân” nước này để chống nước kia. Họ xuyên tạc chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, cân bằng quan hệ với các nước lớn của Việt Nam, cho rằng đó là “đường lối trung dung”, là “đi dây” trong quan hệ với các nước lớn, như thế là “tự cô lập” mình, “tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Lợi dụng một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là khi Việt Nam đẩy mạnh quan hệ với Mỹ và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên được tổ chức tại Hà Nội (tháng 02-2019), một số thế lực cố tình xuyên tạc Việt Nam “đang ngấm ngầm “theo chân” nước này chống nước kia”, Việt Nam đã “nghiêng về bên này để chống bên kia”, đã “từ bỏ” chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của mình.

Xuyên tạc mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước, nhất là mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ và với Trung Quốc. Các thế lực thù địch và một số phần tử cơ hội trắng trợn xuyên tạc rằng, Việt Nam đang phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, Việt Nam đang điều chỉnh quan hệ đối ngoại nhằm “tìm kiếm đối tác chiến lược”, “thiết lập liên minh mới” để đối phó với nước đang gây áp lực bất lợi cho mình. Họ “kiến nghị” Đảng và Nhà nước Việt Nam phải từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ; rằng muốn bảo vệ được độc lập, chủ quyền thì phải dựa vào một cường quốc, “chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo”.

Hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn của thời đại, dù đang gặp những trở ngại, thách thức. Mỗi nước trên thế giới đều có quan hệ với các nước khác, nhất là chú trọng quan hệ với các nước lớn với những nội dung, hình thức và mức độ khác nhau. Đó vừa là xu thế, vừa là phương thức cơ bản bảo đảm an ninh và phát triển của mỗi nước. Phù hợp với xu thế đó, gần 35 năm qua, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Do vậy, cần khẳng định rằng, chỉ có nhất quán và thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, không phụ thuộc vào bất cứ nước lớn hay nhóm nước nào thì chúng ta mới có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội, điều kiện thuận lợi phục vụ cho sự phát triển đất nước. Điều đó tuyệt đối không thể gọi là “lạc hậu, lỗi thời”, là “trung dung”, “đi dây” trong quan hệ với các nước lớn.

Trên thực tế, chúng ta đã và đang thúc đẩy quan hệ với các nước lớn cũng như với các nhóm nước, tổ chức trên thế giới. Chúng ta chủ động tham gia các cơ chế, các diễn đàn khu vực và toàn cầu để vừa thích ứng với các trào lưu, xu thế chung của thế giới, vừa phục vụ một cách tốt nhất các lợi ích quốc gia - dân tộc.

Hiện nay, chúng ta vừa tăng cường quan hệ với Trung Quốc, vừa làm sâu sắc hơn quan hệ với Mỹ trên cơ sở mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước này ngày càng trở nên tốt đẹp, thực chất và hiệu quả hơn. Đó là quan điểm, lập trường và chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tuyệt nhiên không phải là chúng ta đang “nghiêng về bên này để chống bên kia” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Ngay từ rất sớm, tư tưởng độc lập, tự chủ đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt và là nguyên tắc cơ bản định hình các hoạt động đối ngoại từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam đến nay. Độc lập, tự chủ vừa là đường lối, vừa là nguyên tắc bất biến để chúng ta bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc của mình trước mọi tác động của tình hình, trước những biến động của thời cuộc, khẳng định tính đúng đắn của đối ngoại Việt Nam.

Độc lập có nghĩa là chúng ta tự “điều khiển lấy mọi công việc” của mình, “không có sự can thiệp ở ngoài vào”5. Không để bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước ta là nguyên tắc cốt lõi của đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ. Độc lập, tự chủ phải dựa trên cơ sở nội lực, thực lực của đất nước, đồng thời cũng dựa vào hợp tác và hội nhập quốc tế. Trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam “trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tối đa nội lực, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế”6, kiên trì chính sách độc lập, tự chủ gắn bó chặt chẽ với thực hiện phương châm tích cực và chủ động trong công tác đối ngoại, với “chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức, khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước”7. Đó là quan điểm, phương cách giải quyết, xử lý đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

                                                                                               TT11

0 nhận xét:

Đăng nhận xét