Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2023

LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC THÀNH TỰU GIÁO DỤC CỦA VIỆT NAM


Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực đặc biệt, có vai trò quyết định đến tiến trình phát triển lâu dài của đất nước, không những thế, nó còn tác động đến mọi gia đình, mọi con người trong xã hội, trong những năm qua lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã tích cực đổi mới và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bất chấp thực tế đó, các phần tử cơ hội, phản động luôn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận thành tựu của giáo dục Việt Nam trong gần một thế kỷ qua. Trong bài viết, “Một nền giáo dục dối trá toàn diện” với cái nhìn thiển cận, phiến diện, thái độ không thiện chí chỉ nhìn vào một số hạn chế, yếu kém trong công tác giáo dục, đào tạo để xuyên tạc, phủ nhận toàn bộ thành tựu của nền giáo dục Việt Nam, khi cho rằng “nền giáo dục Việt Nam đã xuống cấp tới mức không còn có thể xấu xa hơn nữa” và những hạn chế của giáo dục là do chế độ…. Đến đây, bộ mặt của kẻ cơ hội chính trị đã lộ rõ, từ giáo dục, chúng đã bẻ lái sang chính trị, từ phủ nhận thành tựu của nền giáo dục, sang phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nền giáo dục nói riêng, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Việt Nam nói chung.

Có thể khẳng định trong thời gian vừa qua đã chứng minh, giáo dục Việt Nam đã có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng con người mới và phát triển đất nước, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao, điều đó được thể hiện:

Thứ nhất, giáo dục Việt Nam đã có nhiều đổi mới và đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng. Giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững, quyết định tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc; giáo dục vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục, nên ngay khi giành được độc lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, coi đây là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để xây dựng và phát triển đất nước. Những năm qua, đặc biệt là sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nền giáo dục nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng. Chất lượng giáo dục, đào tạo từng bước được nâng lên, hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục được hoàn thiện, mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo từng bước được mở rộng ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học. Nước ta không chỉ hoàn thành mục tiêu đưa hầu hết trẻ em đúng độ tuổi đến trường học tập, mà đến nay đã cơ bản hoàn thành phổ cập trung học cơ sở ở khắp các địa phương trong cả nước. Mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục và đào tạo được đổi mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, hướng vào phát triển con người toàn diện cả năng lực và phẩm chất, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm gần đây, nước ta có nhiều học sinh tham gia thi và đạt nhiều giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học. Năm 2022, 100% học sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế đều đoạt giải, gồm 13 huy chương Vàng, 12 huy chương Bạc, 8 huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích). Việt Nam nằm trong top 10 nước đạt kết quả cao nhất tại các kỳ thi này với nhiều học sinh đạt điểm cao. Đó là những thành tích được cả thế giới ghi nhận, là kết quả từ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của thầy cô, gia đình và xã hội đối với giáo dục… Một nền giáo dục luôn lấy con người là trung tâm và vì con người như vậy thì không thể gọi là “nền giáo dục xấu xa” như sự bịa đặt của của các thế lực thù địch được.

Thứ hai, các tổ chức quốc tế đánh gia cao về những nỗ lực của Việt Nam đối với phát triển giáo dục. Những nỗ lực và thành tựu giáo dục của Việt Nam đạt được trong thời gian qua, không chỉ các cấp, các ngành và nhân dân Việt Nam vui mừng, phấn khởi, đánh giá cao, mà các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao. Giáo sư, tiến sĩ Paul Glewwe, Trường Đại học Minesota (Hoa Kỳ), chuyên gia và nghiên cứu viên chính của dự án Nghiên cứu cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam cho biết: Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bước tiến, luôn thuộc nhóm những nước có kết quả tốt. Giáo sư, tiến sĩ Joan Dejaeghere, Trường Đại học Minesota (Hoa Kỳ) đánh giá “Tôi nhận thấy một bước tiến quan trọng của giáo dục Việt Nam là chương trình mới thể hiện sự chuyển dịch theo hướng tiếp cận phát triển năng lực... Rõ ràng đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ nằm trong kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”.

Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhìn nhận trong chuyến thăm Việt Nam năm 2017 “trong lần thứ ba đến Việt Nam, tôi thấy Việt Nam có nhiều thay đổi, nhất là sự phát triển tích cực về kinh tế cũng như chất lượng giáo dục, trong đó có thành tựu về đào tạo giáo viên và thúc đẩy sự công bằng, bình đẳng về giáo dục”.

Tóm lại những kết quả giáo dục, đào tạo trong nước và những nhận xét của các cá nhân, tổ chức quốc tế là minh chứng sinh động thể hiện giáo dục Việt Nam đã có nhiều đổi mới, không ngừng tiếp cận chuẩn mực giáo dục quốc tế để làm mới, làm giàu cho nền giáo dục của quốc gia. Đó là gam màu tươi sáng thể hiện bức tranh giáo dục Việt Nam đang trên đà khỏi sắc chứ không phải “tha hóa, xấu xa” như cách nhìn phiến diện “mù màu” của các thế lực thù địch. Vì vậy bản thân mỗi chúng ta cần có cái nhìn xâu sắc về nền giáo dục nước nhà, từ đó phấn đấu vươn lên làm chủ kiến thức, làm chủ khoa học công nghệ, xây dựng nước nhà ngày giàu mạnh, đồng thời tích cực đấu tranh, phản bác với các biểu hiện sai trái của các thế lực thù địch.

MĐ11

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét