Mê tín dị đoan là một hủ tục ở Việt Nam là một dạng thức tín
ngưỡng dân gian xuất hiện từ lâu đời. Trong cuộc sống hiện đại, nhất là thời đại
công nghệ 4.0 cùng với sự phát triển không ngừng của đất nước trên mọi lĩnh vực,
thì hiện tượng mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại, biến tướng dưới nhiều hình thức
tinh vi, đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin và sự thiếu hiểu biết của nhiều người.
Đáng chú ý, hiện nay, nhiều hoạt động “mê tín, dị đoan” núp bóng dưới danh
nghĩa “phong tục tập quán”, “tín ngưỡng, tôn giáo” trở nên khó kiểm soát.
Không ít người dân vì không phân biệt được giữa “tín ngưỡng, tôn giáo” và “mê
tín, dị đoan” tham gia và hoạt động trái với thuần phong mĩ tục của dân tộc, thậm
trí đã có hành vi vi phạm pháp luật.
Trên thế giới, dân tộc nào cũng có tín ngưỡng, văn hóa, niềm
tin tôn giáo của riêng mình. Các tôn giáo hay tín ngưỡng dân gian, dù tồn tại
dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng đều có lịch sử hình thành và phát triển
qua nhiều thế kỷ. Cho dù một số tôn giáo, tín ngưỡng có những yếu tố huyền ảo,
mang tính truyền thuyết, thì mục đích chung hướng tới vẫn là niềm tin bất diệt
về một đấng thiêng liêng, siêu nhiên, có quyền năng ban thưởng cho những hành động
đẹp, những con người tốt bụng, hay trừng phạt những việc làm xấu, những kẻ độc
ác… Qua đó, đức tin đã giúp con người tự răn mình, điều chỉnh hành vi, cách ứng
xử; hay noi theo những tấm gương sáng; phản bác, lên án những kẻ xấu. Tựu trung
là tôn giáo hay tín ngưỡng nào cũng đều nhằm hướng con người tới những giá trị
tốt đẹp “Chân- Thiện- Mỹ”.
Tuy nhiên, hiện nay có một nghịch lý là khi xã hội ngày càng
phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, thì “phú quý sinh lễ nghĩa”, đi
kèm theo đó là không ít những tệ nạn mê tín dị đoan cũng nở rộ như nấm sau mưa.
Các hình thức: bói toán, đồng cốt, gọi hồn… tưởng như đã được dẹp bỏ, giờ lại
có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát và nhanh chóng lây lan trong mọi tầng lớp
xã hội, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa. Nhiều việc làm mang ý nghĩa tốt đẹp
ban đầu giờ bị biến tướng tinh vi dưới nhiều hình thức gây tốn kém tiền bạc, vừa
“tiền mất tật mang”, vừa làm mất đi ý nghĩa trong sáng, tốt đẹp ban đầu của
nghi thức truyền thống… Nghiêm trọng hơn để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng
và Nhà nước ta, thế lực thù địch, phản động, lợi dụng sự mê muội, tin theo các
luận điệu mê tín dị đoan để thực hiện hành vi truyền bá tư tưởng, truyền đạo
trái phép, làm nhũng nhiễu suy nghĩ, chính kiến của mỗi người, dụ dỗ, lôi kéo
những người ít hiểu biết hoạt động vi phạm pháp luật ảnh hưởng xấu đến trật tự,
an toàn, văn minh của xã hội…
Trong tình hình hiện nay, xu thế hội nhập và phát triển, tác
động của cách mạng khoa học công nghệ, bên cạnh thời cơ để xây dựng và phát triển
đất nước, cúng đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, đấu tranh phòng, chống mê tín
dị đoan là cuộc chiến dài lâu, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và khéo léo. Đòi hỏi
sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành trong hệ thống và toàn thể nhân
dân, trong đó cần nâng cao nhận thức cho mỗi người dân chấp hành nghiêm chỉnh Pháp
luật, nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe, không tham gia các
hoạt động mê tín, dị đoan; kiên quyết phát hiện, đấu tranh, xử lý, bài trừ mê
tín, dị đoan để đời sống tâm linh tín ngưỡng của dân tộc luôn phát huy được các
giá trị tích cực vốn có từ hàng nghìn đời nay. Chúng ta tôn trọng, bảo vệ, phát
huy những giá trị thiêng liêng, bản chất tốt đẹp, nhân văn của tôn giáo, tín
ngưỡng dân gian, thực hiện tốt đường lối quan điểm của Đảng về tự do, tín ngưỡng,
đồng thời đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan và những
ảnh hưởng tiêu cực của nó đến mọi mặt đời sống xã hội, xây dựng đất nước Việt
Nam phát triển hiện đại, văn minh, vừa theo kịp với dòng chảy của thế giới, vừa
vẹn nguyên bản sắc đậm nét của dân tộc./.
VB11
0 nhận xét:
Đăng nhận xét