Trong bản “Phúc trình thường niên về tệ buôn bán người trên thế giới” ra
ngày 20-6-2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng “vấn đề buôn bán người tại Việt
Nam vẫn rất nghiêm trọng do không xử lý triệt để tội phạm buôn người theo pháp
luật”, từ đó họ đưa Việt Nam vào “nhóm quốc gia có vấn đề buôn bán người bậc 2
và sẽ bị theo dõi do không đạt được những tiêu chuẩn cần thiết nhằm loại bỏ và
giảm thiểu nạn buôn bán người”. Cần phải thấy ngay rằng cách nhìn nhận ấy của
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là chủ quan, phiến diện một chiều và xuyên tạc sự thật.
Chính
sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con
người. Trong mọi chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, con người
luôn được đặt vào vị trí trung tâm. Nhằm góp phần bảo vệ quyền con người, giữ
gìn trật tự an toàn và ổn định xã hội, công tác phòng, chống tội phạm
(PCTP) nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng luôn được Việt Nam đặc
biệt chú trọng. Những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong đấu
tranh PCTP mua bán người thời gian qua là toàn diện, rõ nét và không
ai có thể phủ nhận.
Không chỉ xâm hại quyền con người, ảnh hưởng nghiêm trọng
đến sức khỏe, đạo đức, nhân phẩm, tính mạng của các nạn nhân, tội phạm mua bán
người còn gây ảnh hưởng xấu đến nền tảng đạo đức, giống nòi, thuần phong mỹ
tục, tác động trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội... Nhận
thức rõ tính chất nguy hiểm ấy, những năm qua, các cơ quan chức năng của Việt
Nam từ Trung ương đến địa phương luôn thể hiện trách nhiệm cao, thái độ kiên
quyết trong phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tội phạm mua bán người. Dưới
sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức
năng đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục và đã tạo được sự
chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với công tác
phòng, chống mua bán người. Không chỉ phổ biến kiến thức pháp luật về tội mua
bán người, công tác tuyên truyền của Việt Nam còn hướng vào nâng cao nhận thức
cho người dân về thủ đoạn của những kẻ mua bán người, đề cao trách nhiệm của
các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và từng người dân trong đấu tranh phòng,
chống loại tội phạm này.
Việt
Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về
phòng, chống mua bán người. Tại Điều 150 và Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015
(sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ về tội mua bán người và tội mua bán
người dưới 16 tuổi. Đặc biệt, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội
nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2012 đã quy
định khung pháp lý quan trọng làm cơ sở cho công tác phòng ngừa, phát hiện và
xử lý tội phạm mua bán người. Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số
62/2012/NĐ-CP quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn
cho nạn nhân, người thân của họ. Ngày 3-5-2018, Thủ tướng Chính phủ Việt
Nam đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về ngăn chặn, đấu tranh tình trạng công
dân Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi
phạm pháp luật ở nước ngoài, nhằm hạn chế tình trạng tội phạm lợi dụng để bán
người ra nước ngoài. Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức
mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn
chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, ngày
10-5-2016, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quyết định lấy ngày
30-7 hằng năm là “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người”. Thủ tướng Chính
phủ đã ban hành Chương trình hành động PCTP mua bán người giai đoạn
2016-2020, hướng tới mục tiêu chung là giảm nguy cơ mua bán người, tội phạm mua
bán người; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị
mua bán trở về... Để theo kịp với những diễn biến của tình hình, Việt Nam
luôn tích cực nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật
theo hướng ngày càng đồng bộ hơn, tính khả thi cao hơn, tạo khung pháp lý thuận
lợi hơn cho công tác đấu tranh PCTP buôn bán người và tiếp nhận, hỗ
trợ nạn nhân bị mua bán khi được giải cứu.
Việt
Nam tích cực tham gia và thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện các
điều ước quốc tế. Các hoạt động nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác
phòng, chống mua bán người được Việt Nam hưởng ứng mạnh mẽ. Việt Nam gia nhập
Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia từ ngày 8-6-2012; Nghị
định thư về phòng ngừa trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là
phụ nữ và trẻ em từ ngày 29-12-2011 và Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc
tế về chống lao động cưỡng bức. Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước
ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em (Công ước
Actip)... Được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Việt
Nam triển khai thành công dự án thành lập đường dây nóng phòng, chống buôn bán
người. Việc làm này được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, phù hợp để
tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng, chống mua bán người tại Việt
Nam.
Chính
phủ Việt Nam kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi
phạm tội mua bán người theo pháp luật. Các lực lượng, cơ quan chức năng của
Việt Nam luôn quán triệt thực hiện tốt phương châm, nguyên tắc, tinh thần trách
nhiệm trong đấu tranh, xử lý với tội phạm mua bán người. Thông tin từ Bộ Công
an cho biết, năm 2018, toàn quốc phát hiện 211 vụ với 276 đối tượng, lừa bán
386 nạn nhân, so với năm 2017 giảm 43,88% số vụ, giảm 43,8% số đối tượng, trong
đó đã điều tra, khởi tố 200 vụ, 261 đối tượng. Viện kiểm sát nhân dân các cấp
đã truy tố 109 vụ, 194 bị can. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 130 vụ, với 233
bị cáo; đã giải quyết, xét xử 116 vụ, với 213 bị cáo. Các cơ quan chức năng đã
xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.500 trường hợp, trong đó có hơn 490 trường
hợp được xác định là nạn nhân bị mua bán, còn lại là những người được xác định
nhập cảnh và di cư trái phép. Trong 6 tháng đầu năm 2019, triển khai kế hoạch
đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người,
lực lượng công an đã phát hiện 89 vụ, 142 đối tượng lừa bán 169 nạn nhân, so
với cùng kỳ năm trước giảm cả về số vụ, số đối tượng và số nạn nhân.
Tuy
nhiên, Việt Nam không phủ nhận công tác PCTP mua bán người còn những tồn tại,
hạn chế nhất định. Đáng chú ý là do nhận thức chưa đầy đủ nên cấp ủy,
chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo,
kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện công tác đấu
tranh PCTP nói chung và tội mua bán người nói riêng. Do hiệu quả của
công tác truyền thông chưa cao nên nhận thức của một bộ phận người dân về công
tác đấu tranh phòng, chống buôn bán người còn nhiều khoảng trống, nhất là về
thủ đoạn của các đối tượng phạm tội. Điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu việc
làm, thêm vào đó là sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân thường bị các
đối tượng mua bán người lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Trong bối cảnh
hội nhập quốc tế rộng mở, tình hình tội phạm có chiều hướng diễn biến phức tạp
và thực tiễn luôn biến đổi không ngừng, do đó việc ban hành và tổ chức thực
hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến loại tội phạm này chưa theo
kịp được yêu cầu, còn những bất cập nảy sinh. Mặt khác hệ thống pháp luật về
phòng, chống mua bán người của Việt Nam với hệ thống pháp luật các nước tiếp
giáp còn nhiều điểm khác nhau, trong khi hành vi phạm tội của các đối tượng
không chỉ trong khuôn khổ nội địa mà còn mang tính chất xuyên quốc gia. Đây là
một trong những khó khăn tác động trực tiếp đến công tác đấu tranh, nhất là
trong bắt giữ, điều tra, xử lý các vụ án mua bán người ở Việt Nam...
Dù
còn những tồn tại, hạn chế nhất định nhưng những nỗ lực của Việt Nam trong đấu
tranh PCTP mua bán người là không thể phủ nhận. Từ những kết quả
nổi bật nói trên có thể khẳng định việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng “vấn đề
buôn bán người tại Việt Nam vẫn rất nghiêm trọng do không xử lý triệt để tội
phạm buôn người theo pháp luật” là không có cơ sở, phiến diện và xuyên tạc sự
thật.
Cần
phải thấy rõ một thực tế là không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi, nhiều khu vực
trên thế giới hoạt động mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp. Ðây là công
việc nhiều khó khăn, trở ngại nhưng với quyết tâm chính trị và bằng kinh nghiệm
của mình Việt Nam sẽ tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính
trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua
bán người. Trong bối cảnh tội phạm mua bán người hình thành các đường dây,
tổ chức xuyên quốc gia, Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác với các nước
trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng, các tổ chức quốc tế
trong PCTP mua bán người. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam
kiên quyết lên án mọi hành động cản trở cuộc đấu tranh phòng, chống mua bán
người và kịch liệt phản đối, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, bịa đặt nhằm phủ
nhận những thành tựu bảo vệ quyền con người nói chung và công tác phòng, chống
tệ nạn mua bán người nói riêng ở Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét