Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2019

ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ LUẬT AN NINH MẠNG


     Luật An ninh mạng được thông qua tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, với tỷ lệ đồng thuận rất cao là 86,86%. Sự cần thiết của luật này không chỉ để bảo vệ an ninh quốc gia mà còn bảo vệ người dân và tạo môi trường xã hội phát triển lành mạnh trên không gian mạng. Tuy nhiên, thời gian qua, trên internet và các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng xấu vẫn đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, thông tin sai trái, lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động biểu tình, tụ tập đông người với mục đích bác bỏ vai trò của Luật An ninh mạng, gây mất an ninh trật tự.
Với đặc tính phổ quát rộng, không giới hạn về không gian, thời gian, độ tương tác, lan truyền nhanh chóng, Internet tạo ra nhiều lợi ích nhưng cũng mang lại những thách thức to lớn, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và sự phát triển của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, Internet có tốc độ phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên trong thời gian qua, tình hình an ninh mạng ở Việt Nam có những diễn biến phức tạp, xuất hiện các vi phạm pháp luật trên không gian mạng, như hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo, chống Đảng, Nhà nước; hoạt động lừa đảo, trộm cắp, cờ bạc, cá độ, mại dâm qua mạng; hoạt động kích động, lôi kéo biểu tình... gây bức xúc trong xã hội. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị triệt để lợi dung mạng xã hội để tán phát các tin, bài, video clip có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước; tuyên truyền, kích động, tung tin thất thiệt, lừa bịp, mị dân, thật giả lẫn lộn, thu hút sự quan tâm, theo dõi của cộng đồng mạng, khiến cho một bộ phận cư dân mạng mất phương hướng, lầm tưởng rằng đó là sự thật, dẫn đến hoài nghi, thiếu niềm tin với Đảng, Nhà nước. 
      Đặc biệt, trong thời điểm Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thời điểm trước, trong và sau khi Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, trên internet, mạng xã hội đã xuất hiện nhiều luận điệu cho rằng: Luật An ninh mạng “quá chặt, không cần thiết, ảnh hưởng đến quyền tự do dân chủ của người dân”, “bóp nghẹt tự do trên mạng”, “gây cản trở cho tương lai Việt Nam”…Đây là những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc rất nguy hiểm, đi ngược lại với lợi ích quốc gia, không có căn cứ lý luận, thực tiễn. Thậm chí tại một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận đã xuất hiện hoạt động kích động người dân gây rối, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ, phá rối an ninh, trật tự, gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng chính là tạo hành lang pháp lý đảm bảo an ninh trên mạng internet, không chỉ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia mà còn bảo vệ người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường xã hội phát triển lành mạnh trên không gian mạng; là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc chống Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình, tập trung đông người trái pháp luật. Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do dân chủ của công dân như các luận điệu đăng tải trên các trang mạng xã hội, mà Luật này quy định tương đối đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa và xử lý vi phạm pháp luật, không ngăn cản, xâm phạm quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng. Các hoạt động liên lạc, trao đổi, đăng tải, chia sẻ thông tin, mua bán kinh doanh, thương mại vẫn được đảm bảo trên thực tế, không hề bị ngăn cản, cấm đoán, chỉ có những hành vi vi phạm pháp luật mới bị xử lý. Nếu tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, tán phát thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống sẽ bị ngăn chặn, gỡ bỏ và chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật (Điều 15).
Với phạm vi điều chỉnh của Luật, các tổ chức, cá nhân hoạt động môi trường không gian mạng sẽ được bảo đảm an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như bị đánh cắp thông tin, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bị vu khống, làm nhục, loại bỏ dần các hành vi đánh bạc, cá độ, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy kích động bạo lực, mại dâm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng. Do vậy, Luật An ninh mạng sẽ bảo vệ chặt chẽ quyền lợi của người sử dụng internet, giảm thiểu rủi ro cho cơ quan quản lý và người tiêu dùng, thúc đẩy và cải thiện hoạt động kinh doanh trong quá trình hội nhập của đất nước.
      Để ngăn chặn, hạn chế tác động tiêu cực của những luận điệu xuyên tạc, bác bỏ, phủ định vai trò của Luật An ninh mạng, giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về mục đích, nội dung, ý nghĩa của Luật An ninh mạng, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng thông tin trên mạng internet.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét