Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

TỤ TẬP ĐÔNG NGƯỜI, GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG LÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT CẦN PHẢI BỊ XỬ LÝ

 Thời gian vừa qua, tại một số tỉnh, thành cả nước do một bộ phận người dân nhận thức thiếu hiểu biết cộng với sự nhẹ dạ, cả tin nên đã bị các phần tử xấu của “diễn biến hòa bình” lợi dụng, mua chuộc, đã xuống đường tụ tập đông người để biểu đạt ý kiến về dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và dự thảo Luật An ninh mạng. Những vụ tụ tập này bị biến thành các hoạt động gây rối, đặc biệt ở một số địa phương có khu công nghiệp, vùng trung du miền núi là các hoạt động bạo động, đập phá cơ sở chính quyền, công an. Các hành động đó hoàn toàn trái với quy định Pháp luật Việt Nam và cần phải lên án, xử lý nghiêm minh theo Pháp luật.

Theo đó, cơ quan công an địa phương đã triệu tập, khởi tố nhiều đối tượng tham gia, trong đó đã bắt “một vài tên cầm đầu” do bọn Việt Tân lưu vong nuôi dưỡng. Đám đông được cơ quan chức năng xác nhận chủ yếu là các thanh, thiếu niên hiếu kỳ, say rượu, nghiện ngập, thiếu nhận thức hoặc bị xúi giục kích động hay cho tiền để quậy phá. Có thể thấy các hành vi trên khi bị xác định là vi phạm pháp luật thì được quy vào các trường hợp như sau:

Thứ nhất, về hành vi tụ tập gây rối nơi công cộng. Hành vi này được quy định tại điểm đ khoản 2 điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, hành vi này chỉ đơn thuần là tụ tập nhiều người gây rối trật tự công cộng mà không có mục đích chính trị và không gây thiệt hại đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Trường hợp gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ có thể bị phạt tiền 3-5 triệu đồng. Nếu hành vi tụ tập gây rối nơi công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt hành chính thì người đó hoàn toàn có thể phạm vào tội gây rối trật tự công cộng theo điều 318 Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Thứ hai, về hành vi kích động người khác tham gia gây rối. Hành vi này có thể bị phạt 2-3 triệu đồng theo quy định tại điểm b, g khoản 3 điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Trong trường hợp người nào có mục đích chống chính quyền mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức thì có thể sẽ phạm vào một trong 2 tội là phá rối an ninh - Điều 118 BLHS 2015 hoặc bạo loạn - Điều 112 BLHS 2015.

Thứ ba, về hành vi đập phá tài sản công. Nếu người nào thực hiện hành vi đập phá tài sản công nhằm chống chính quyền nhân dân thì có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nước CHXHCN Việt Nam theo quy định tại Điều 114, BLHS 2015.

Thứ tư, việc không tham gia sản xuất làm ảnh hưởng, thiệt hại cho doanh nghiệp là hành vi vi phạm nghĩa vụ của người lao động theo điểm b Khoản 2 Điều 5, Bộ Luật Lao động (BLLĐ) 2012. Đây là cơ sở để người sử dụng lao động áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật đối với người lao động. Tùy theo thiệt hại thực tế mà doanh nghiệp có các biện pháp xử lý khác nhau phù hợp với quy định của BLLĐ, như khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, cách chức, sa thải…

Thứ năm, về vấn đề bị kích động, cho tiền, xúi làm bậy. Các đối tượng thực hiện các hành vi phân tích trên đa số đều khai báo họ được người khác cho tiền, xúi giục gây rối. Tuy nhiên, đây không phải là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm nếu họ thuộc các trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 51 BLHS. Thực tế trong các vụ đập phá trụ sở, đốt cháy nhiều ôtô, xe máy… tại Bình Thuận đã đủ cơ sở xác định hành vi này có dấu hiệu tội phạm hình sự. Giá trị tài sản bị đập phá, đốt cháy là rất lớn nên sự phá hoại này có dấu hiệu hình sự của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù khi giá trị tài sản gây thiệt hại trị giá 500 triệu đồng trở lên. 

Với các hành vi gây thương tích cho người khác - như có hàng chục trường hợp lực lượng vũ trang bị gây thương tích - thì cũng có dấu hiệu vi phạm của tội chống người thi hành công vụ, quy định tại Điều 330 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc tội cố ý gây thương tích, quy định tại Điều 134, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với khung hình phạt cao nhất lên đến chung thân.

PHH

0 nhận xét:

Đăng nhận xét