Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

CẢNH GIÁC VỚI ÂM MƯU CHỐNG PHÁ ĐƯỜNG LỐI NGOẠI GIAO CỦA VIỆT NAM TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

 Những năm gần đây, bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, diễn biến phức tạp như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt hơn; chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy. Đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng và để lại hậu quả nặng nề trên mọi mặt của đời sống xã hội ở hầu hết quốc gia. Sự kiện Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cũng tác động nhiều mặt đến đời sống chính trị và an ninh quốc tế. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng. Môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông của một số quốc gia Đông Nam Á tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trước những thách thức đặt ra, chính sách đối ngoại của đất nước càng thể hiện bản sắc rõ ràng của ngoại giao cây tre Việt Nam, "dĩ bất biến ứng vạn biến". Tất cả được thể hiện qua những hoạt động đối ngoại cấp cao của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta những tháng đầu năm năm 2023; đó không chỉ truyền tải thông điệp về một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; mà còn giới thiệu hình ảnh một Việt Nam đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế. Những tháng đầu năm năm 2023 đã chứng kiến những hoạt động ngoại giao sôi động của đất nước. Câu chuyện về một Việt Nam năng động, đổi mới luôn hiện hữu trong các diễn đàn cấp cao như Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Indonesia; hay trong các chuyến thăm song phương, đa phương của các nhà lãnh đạo cấp cao nước ta đến các nước đối tác, bè bạn và ngược lại. “Một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế và cùng thế giới chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu”, đó là thông điệp nổi bật từ những hoạt động đối ngoại quan trọng này. Tất cả đã thể hiện một vị thế mới của Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang có nhiều biến động.

Lợi dụng bối cảnh đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ráo riết tung ra những luận điệu xuyên tạc nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam; trong đó, đường lối đối ngoại là một mặt trận mà họ quyết liệt chống phá nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành ngoại giao Việt Nam.

Thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội, nổi cộm như: “Chân trời mới media”, “Hội anh em dân chủ”... đã xuất hiện những quan điểm, ý kiến của cái gọi là “luật sư độc lập”, “nhà báo tự do”, “nhà dân chủ”, “nhà nghiên cứu”, “người Việt yêu nước”... dưới các hình thức “thư góp ý”, “lời kêu gọi”, “tư vấn cho Nhà nước Việt Nam”, “phản biện”, “kiến nghị”... nhằm phê phán, xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.

Gần đây nhất vào ngày 23-6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi nhậm chức. Cùng với đó vào trưa 25-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao lên đường thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân. Như thường lệ, một số hãng truyền thông nước ngoài có phiên bản tiếng Việt như: RFA, VOA, RFI, BBC... lại tiếp tục đưa ra những luận điệu bịa đặt rằng “đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay là “đu dây”, “tự sát”, bị lệ thuộc, chi phối bởi các cường quốc. Rồi họ đưa ra "lời khuyên" Việt Nam nên bỏ chính sách quốc phòng “4 không” để nghiêng về phương Tây, gắn với thực hiện “dân chủ hóa Việt Nam”...

Sự nguy hại của những luận điệu phản động nêu trên dễ gây ra sự hoang mang, dao động, chia rẽ từ bên trong, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước, khiến dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về Việt Nam.

Trong mối quan hệ Việt - Trung hiện nay chúng ta luôn xác định, đây là mối quan hệ “đặc biệt” cần ưu tiên giải quyết trong các trường hợp xảy ra mâu thuẫn, bất đồng, thậm chí xung đột. Với sự gắn bó chặt chẽ trong lịch sử và trong hiện tại giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân, có thể khẳng định đây là mối quan hệ không thể tách rời. Sự “trỗi dậy” của Trung Quốc về kinh tế, chính trị, quân sự… trong những năm gần đây cho thấy, quan hệ Việt - Trung không dừng lại ở mối quan hệ láng giềng, đồng chí, anh em, đối tác mà còn là mối quan hệ với nước lớn, khu vực kinh tế lớn và cường quốc quân sự. Do đó, cần phát huy sự khéo léo, linh hoạt, tích cực, chủ động tranh thủ đàm phán, giải quyết mọi bất đồng bằng biện pháp hòa bình. Kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, chống lại mọi sự can thiệp, thao túng từ các thế lực bên ngoài.

Đối với Hàn Quốc, chỉ trong 30 năm sau khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được cấp Đối tác chiến lược toàn diện. Các lợi ích chung về kinh tế thắt chặt quan hệ hai nước. Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc, chỉ sau hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Hai bên đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỉ USD trong năm nay, tăng khoảng 13 tỉ USD so với năm 2022. Và sự quan tâm của Hàn Quốc với Việt Nam không chỉ là kinh tế mà còn là sự gắn kết giữa hai dân tộc. Hiện có khoảng 170.000 người Hàn Quốc đang sống ở Việt Nam. Đây cũng là quy mô cộng đồng Hàn Quốc lớn nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Có khoảng 6.500 gia đình Hàn - Việt tại Việt Nam và trên 80.000 gia đình Hàn - Việt sinh sống tại Hàn Quốc.

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn nhất quán tư duy độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và đường lối đối ngoại Việt Nam “đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống và bản sắc ngoại giao đó càng được bồi đắp, phát huy, tỏa sáng.

Vì vậy, mỗi chúng ta cần nhận thức rõ và cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch., cùng nhau đoàn kết, giữ gìn hình ảnh nước Việt Nam mãi đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Đồng thời, nhất quán quan điểm đấu tranh và ngoại giao của Đảng về đối tác và đối tượng trong môi trường hoà bình, hợp tác và phát triển, theo đó Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước trên thế giới trong mối quan hệ hoà bình, hợp tác và phát triển. Nhưng với bất kỳ những hành động nào xâm phạm đến chủ quyền, lãnh thổ và an ninh quốc gia... đều là đối tượng.

Vậy chúng ta hãy tin tưởng vào đường lối, chủ trương, của Đảng. Độc lập, tự chủ, tự cường đó là truyền thống của ngàn đời xưa để lại, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ như ngày hôm nay: an ninh chính trị, kinh tế, an sinh xã hội, ngoại giao... vậy chúng ta phải có tầm nhìn, quan điểm đúng, để đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái chống phá Đảng, Nhà nước ta hiện nay./.

NVE40

0 nhận xét:

Đăng nhận xét