Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

ĐẤU TRANH CHỐNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ CÔNG CUỘC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM

 

Trong những năm qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Theo đó, quyết tâm làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy lãnh đạo Nhà nước đã được chứng minh thông qua thực tiễn kết quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Những thành tựu trong công tác phòng, chống tham nhũng cũng đã được khẳng định với sự ghi nhận của người dân và cộng đồng quốc tế. Vậy nhưng các thế lực phản động, thù địch, bất mãn, cơ hội chính trị vẫn tiếp tục mưu đồ chống phá bằng việc tung lên mạng xã hội nhiều bài viết, thông tin xuyên tạc với những luận điệu vô căn cứ, bóp méo thực tế về công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam với mưu đồ hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Những quan điểm sai trái này đã đi ngược lại thực tế về công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam và đã được làm rõ bởi chính nhiều người nước ngoài đang theo dõi về tình hình chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.

Với luận điệu: “Việt Nam càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều. Tham nhũng là do thể chế chính trị. Từ bên ngoài nhìn vào các nhà quan sát quốc tế đều coi tham nhũng ở Việt Nam mang tính thể chế”. Đây là những luận điệu cũ rích, xuyên tạc vô căn cứ về công cuộc chống tham nhũng của Việt Nam vẫn đang được các phần tử phản động gieo rắc trên mạng xã hội. Cái gọi là các nhà quan sát thực chất là những kẻ cơ hội, phản động, thù địch và luận điệu vô căn cứ này không dựa trên bất cứ học thuyết hay bằng chứng thực tế nào. Theo ông Ad Spijkers - Cựu chuyên gia tổ chức Lương - Nông Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho rằng: “Tôi cho rằng lập luận tham nhũng là con đẻ của chế độ là không đánh giá đúng bản chất của vấn đề. Tham nhũng là một vấn nạn phức tạp hơn thế và tồn tại ở tất cả các quốc gia, dù ở chế độ chính trị nào, dù là nước phát triển hay đang phát triển và đương nhiên Việt Nam không phải một ngoại lệ. Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để đấu tranh phòng, chống tham nhũng cho hiệu quả và đó là điều Việt Nam đang làm rất tốt”. Thực tế cho thấy, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất là hiện tượng mang tính xã hội do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hoá gây ra. Không phân biệt chế độ xã hội, thể chế chính trị nào, chế độ đa đảng hay một đảng lãnh đạo. Cùng nhìn lại các vụ bê bối tham nhũng lớn trên thế giới như cựu Thủ tướng Malaisia đã bị bỏ tù vài năm trước và điều tương tự cũng đã xảy ra với cựu Tổng thống Hàn Quốc. Ở Châu Âu cựu Thủ tướng Pháp đã bị bỏ tù vì tham nhũng, ở Mỹ La tinh cựu Tổng thống Brazil cũng đã phải lĩnh án tù vì điều này. Từng ấy minh chứng đã có thể khẳng định tham nhũng không hề liên quan đến hệ thống chính trị. Ở Singapo Đảng hành động nhân dân đã liên tục lãnh đạo đất nước hơn 60 năm kể từ khi đạt được chế độ tự trị hoàn toàn trong nội bộ. Nhưng Singapore là một trong 10 quốc gia đứng đầu về khả năng kiểm soát tham nhũng. Qua đó có thể nói rằng, cuộc chiến chống tham nhũng liên quan đến mọi tầng lớp và ý chí, quyết tâm của lãnh đạo cầm quyền dù đó là quốc gia một đảng hay đa đảng. Quyền lực là cơ sở, là căn nguyên để nó nảy sinh cái hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, không phải tất yếu là cứ hễ có quyền là tham nhũng, tiêu cực. Chúng ta thấy các bộ máy nhà nước trên thế giới cũng như bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng có rất nhiều tấm gương sáng. Cái tất yếu là đối với những người không giữ được mình, đánh mất mình, không trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng mới dẫn đến suy thoái.

Không chỉ cố tình quy chụp vấn nạn tham nhũng về vấn đề thể chế chính trị, các phần tử phản động còn cho rằng Đảng, Nhà nước đã phát động chống tham nhũng, suy thoái nhưng đều thất bại. Số lượng các vụ việc tham nhũng, tiêu cực ngày càng gia tăng. Từ đó chúng trắng trợn đưa ra quan điểm chỉ có thể chống được tham nhũng khi thực hiện thể chế tam quyền phân lập, kêu gọi phải thay đổi thể chế thì mới có thể chống tham nhũng. Mưu đồ chống phá của chúng đã bộc lộ rõ khi mà nhiều nhà nghiên cứu quốc tế về Việt Nam đều đã thừa nhận công cuộc phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng hiện nay đang đạt hiệu quả cao. Ở Việt Nam đẩy mạnh và tăng cường phòng và đấu tranh chống tham nhũng vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài để Đảng tự soi mình, làm trong sạch đội ngũ của mình như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Chống tham nhũng như cắt một vài cành sâu để cứu cả cây, không thể không làm”.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm qua đã có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại nhiều dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây”. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xoá ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Chống tham nhũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt. Cùng với việc từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng. Vấn nạn này chắc chắn sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, niềm tin của nhân dân với đảng chắc chắn sẽ được củng cố và nâng cao.

 

HH90

0 nhận xét:

Đăng nhận xét