Những năm gần đây, tình trạng bất ổn, bạo động, biến động chính trị và xung đột vũ trang trên thế giới, điển hình như ở các nước Trung Đông, Bắc Phi có sự tham gia rất lớn của các trang mạng xã hội. “Diễn biến hòa bình” qua mạng xã hội đã và đang là phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các thế lực thù địch, phản động quốc tế trong giai đoạn bùng nổ thông tin ngày nay, nhất là đối với Việt Nam chúng ta.
Trên thực tế, các nước phương Tây đã
thực hiện thành công “Diễn biến hòa bình” với sự trợ giúp đắc lực và hiệu quả
của mạng xã hội tại nhiều nước Đông Âu, Bắc Phi như: Gruzia (2003), Ukraine
(2012) và Tunisia, Libya, Ai Cập trong phong trào “Mùa xuân Ả Rập” năm 2011.
Trong các cuộc bạo loạn lật đổ ở các nước này, mạng xã hội đã trở thành vũ khí
tối ưu khi nhanh chóng liên kết các nhóm chống đối, các phong trào hoạt động
ngầm không có thủ lĩnh công khai, tránh được sự kiểm tra, kiểm soát của chính
quyền. Chính nhà xã hội học Thụy Sĩ Ô-li-vơ Gơ-lát-xi đã khẳng định “các mạng
xã hội đóng một vai trò quan trọng trong những cuộc cách mạng này”.
Âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các
thế lực thù địch thông qua mạng xã hội cũng không loại trừ với Quân đội nhân
dân Việt Nam, vì đây là lực lượng chủ yếu, lực lượng nòng cốt bảo vệ Đảng, bảo
vệ Nhà nước và nhân dân. Các thế lực thu địch thường lợi dụng những sơ hở,
thiếu sót trong công tác quản lý, chỉ huy; khai thác thông tin từ một số vụ
việc tiêu cực đơn lẻ rồi xuyên tạc sự thật, thổi phồng thiếu sót khuyết điểm;
lấy hiện tượng quy kết thành bản chất; đăng tải thông tin thật, giả lẫn
lộn để đả kích, phủ nhận truyền thống, bản chất cách mạng của quân đội, bôi nhọ
hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, chia rẽ mối quan hệ mật thiết quân đội với nhân dân,
kích động đòi “phi chính trị hóa” quân đội. Qua đó, thúc đẩy nhanh các biểu
hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong quân đội; truyền bá lối sống thực
dụng, thẩm thấu tư tưởng văn hóa ngoại lai vào đời sống văn hóa, tinh thần, làm
phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, mục ruỗng về tổ chức, băng hoại về đạo
đức của quân nhân. Các thông tin được chúng nhào nặn rất tinh vi, trộn lẫn thật
- giả, tốt - xấu, khó nhận diện, trở nên cực kỳ nguy hiểm.
Là
lực lượng xung kích, nòng cốt, đi đầu trong cuộc đấu tranh chống “Diễn biến hòa
bình” thông qua mạng xã hội, lực lượng vũ trang nói chung, quân đội nói riêng
đã luôn nhận thức đúng tình hình, công tác đấu tranh phòng, chống “diễn biến
hòa bình” trên không gian mạng luôn được đảng ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên
quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chặt chẽ. Cấp ủy đảng các cấp
đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên về đấu tranh chống
các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Các cơ quan, đơn vị đã
chủ động xây dựng cơ quan thường trực, lực lượng nòng cốt, chuyên sâu,
tham gia đấu tranh và bảo đảm các điều kiện vật chất thực hiện công tác này ở
từng cấp. Đồng thời, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan
chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp đã phát huy vai trò nòng cốt
trong lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện đấu tranh phòng, chống các quan
điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Cùng
với đó, các đơn vị trong quân đội đã luôn chủ động trong công tác giáo dục
chính trị, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cán bộ, đảng
viên và quần chúng; thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng, đổi mới về nội
dung, phương pháp, hình thức đấu tranh nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện. Nhờ
đó, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an ninh mạng trên địa bàn đóng
quân được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển kinh tế
- xã hội và bảo vệ địa bàn an toàn, đơn vị an toàn.
Tuy
nhiên, vẫn còn một số ít cán bộ, chiến sĩ nhận thức chưa đúng đắn tình hình nhiệm
vụ của cơ quan, đơn vị, chưa thật sự chủ động, nhạy bén, sắc sảo; còn lơ là,
thiếu sót trong công tác và sinh hoạt thường ngày dễ dẫn đến bị kẻ xấu lợi dụng,
kích động, bội nhọ nhưng chưa được đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Còn có cán bộ
thiếu tích cực nghiên cứu, tham gia đấu tranh kém hiệu quả, chưa phát huy hết
trách nhiệm trong phát hiện, đấu tranh, phản bác những cái xấu, cái tiêu cực,
những luận điệu sai trái, phản động; chưa có những bài viết, thông tin chuyên
sâu về lý luận và thực tiễn mang tính định hướng, tính chiến đấu để đấu tranh
trực diện với các quan điểm thù địch, nên chưa tạo được sự chú ý rộng rãi và sức
lan tỏa đối với cộng đồng.
Trước
yêu cầu nhiệm vụ mới, công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn
biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội là nhiệm vụ
của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải được triển khai tích
cực, thường xuyên và lâu dài. Trong đấu tranh phải kiên quyết, linh hoạt, chủ động,
sắc bén, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính. Đối với
quân đội trong thời gian tới cần củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu
tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng bằng một số giải
pháp như sau:
Trước hết, lãnh
đạo, chỉ huy các cấp phải có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể,
phù hợp chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Quán triệt Nghị quyết
số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về tăng cường bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
trong tình hình mới”; Đề án “Quân đội phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên
lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới”; Chỉ thị số 47/CT-CT, ngày
08/01/2016 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về tổ chức lực lượng đấu tranh phản
bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng
trong Quân đội; đồng thời, bám sát thực tiễn hoạt động chống phá của các thế lực
thù địch trên không gian mạng.
Cấp
ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức về âm
mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trước những sự kiện
quan trọng, vụ việc phức tạp, nhạy cảm… kịp thời thông tin, định hướng tư tưởng
cho cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ. Qua đó, để cán bộ, chiến sĩ nắm chắc
về đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam và nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến
hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nêu cao tinh thần cảnh giác và ý thức
tổ chức kỷ luật, “tự miễn dịch” trước hoạt động chống phá tinh vi, thâm độc của
các thế lực thù địch trên không gian mạng.
Cơ
quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 của đảng ủy các cấp thực hiện tốt việc tham
mưu, xây dựng, ban hành đồng bộ hệ thống quy chế, quy định, chương trình hành động
cụ thể; chủ động xây dựng, tổ chức lực lượng để hoạt động đấu tranh trên không
gian mạng có nền nếp, bảo đảm bí mật, rộng khắp, thống nhất, hiệu quả và bảo vệ
mình. Thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc tình hình, cung cấp thông tin, “chỉ thị
mục tiêu” và định hướng để đấu tranh kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm. Các
nghị quyết, kết luận lãnh đạo thường kỳ của các cấp ủy, tổ chức đảng đều có nội
dung, biện pháp lãnh đạo đấu tranh trên không gian mạng, gắn với thực hiện nhiệm
vụ của cơ quan, đơn vị mình, bảo đảm tính nhạy bén, sáng tạo, nhưng phải chấp
hành nghiêm quy định bảo vệ chính trị nội bộ, không để lọt, lộ bí mật Nhà nước,
bí mật quân sự, ngăn chặn kịp thời các tài liệu phản động, văn hóa phẩm xấu độc
thâm nhập vào nội bộ.
Thứ hai, cấp
ủy, chỉ huy các cấp cần xác định: đấu tranh trên mạng xã hội là một nội dung
quan trọng nhằm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; phải kiên quyết, kiên trì và nhạy
bén, linh hoạt. Cấp ủy, chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp cần chú trọng quản
lý hoạt động trên mạng xã hội của cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ khi sử
dung internet, tham gia mạng xã hội và trong công tác đấu tranh chống “Diễn biến
hòa bình” trên không gian mạng; kịp thời chấn chỉnh các trường hợp chưa chuẩn mực
trên mạng xã hội, bảo đảm hoạt động đấu tranh luôn đúng định hướng.
Cấp
ủy đảng các cấp phải xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh
đạo, vận dụng phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị bằng kế hoạch,
chương trình cụ thể. Cần linh hoạt, sắc sảo, sáng tạo, tránh giáo điều, dập
khuôn, máy móc; đề cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, quy định phát
ngôn,... nắm chắc tình hình trên mạng xã hội của quân nhân, kịp thời phát hiện
những biểu hiện dao động, suy thoái về tư tưởng, chính trị, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” để có biện pháp giáo dục; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
Thứ ba, cần
giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thái độ chủ động, tích cực tham gia đấu
tranh chống “Diễn biến hòa bình” trên không gian mạng cho cán bộ, chiến sĩ. Muốn
vậy, trước hết các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Đổi mới
công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, nâng cao nhận thức
lý luận chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, kịp thời định hướng một cách thấu đáo,
thuyết phục những vấn đề mới nảy sinh có ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm, tâm
lý của bộ đội. Phải giáo dục cho quân nhân hiểu rõ “tính hai mặt” của không
gian mạng cũng như âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; tạo khả
năng “tự miễn dịch” cho cán bộ, chiến sĩ trước các thông tin xấu độc, cũng như
tăng cường sức “đề kháng” để chủ động tiến công, kiên quyết đấu tranh không
khoan nhượng với âm mưu “Diễn biến hòa bình” trên không gian mạng.
Thứ tư, duy
trì thường xuyên và có hiệu quả hoạt động thông báo thời sự và công tác tuyên
truyền trong nhân dân. Với tỉ lệ người dân sử dụng internet và mạng xã hội
đông đảo như Việt Nam hiện nay, cùng với tình trạng nhiễu loạn thông tin trong
thời gian qua, thực trạng “phản ứng chậm” với những thông tin sai trái, bịa đặt
trên mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị diễn ra còn phổ biến. Do đó, các cơ
quan, đơn vị phải nhạy bén, thường xuyên, kịp thời, chủ động cung cấp thông tin
chính thống thông qua chế độ thông báo thời sự và các hình thức tuyên truyền
trong nhân dân. Đối với các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, phạm vi tác động, ảnh hưởng
lớn, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần tranh thủ sự chỉ đạo, định hướng của cơ quan
cấp trên, chủ động thông báo, thông tin chính thống trên các trang mạng xã hội,
tạo sự đồng thuận cao trong cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn; duy trì
hiệu quả chế độ đọc báo, nghe tin, giao ban, hội ý để cung cấp thông tin, định
hướng nội dung, thống nhất biện pháp tuyên truyền, đấu tranh. Cần xác định rõ
căn cứ, cơ sở lý luận và thực tiễn để phản bác đối với những thông tin sai
trái; hướng dẫn cụ thể biện pháp, hình thức thông tin tuyên truyền trong nhân
dân cho cán bộ, chiến sĩ.
Thứ năm, phối
hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trên địa bàn xây dựng cơ chế và phát huy
có hiệu quả các thiết chế để kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho cán bộ,
chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân. Trong đó, cần chú trọng thiết lập
các trang, nhóm cộng đồng trên nền tảng có sẵn như: Facebook, Zalo, Mocha...
thu hút được đông đảo người dân tham gia. Đồng thời, triển khai thực hiện
nghiêm túc, có hiệu quả Luật An ninh mạng và Nghị định số 15/2020/ND-CP ngày
3-2-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính,
viễn thông, tần số vô tuyến điện và giao dịch điện tử. Tuy nhiên, cũng cần phải
thống nhất nhận thức: không phải thông tin phản ánh tiêu cực nào cũng đều là
thông tin sai trái, phản động, thù địch; cần có cách nhìn nhận khách quan, toàn
diện, từ đó tránh quy chụp, tạo hiềm khích, gây mất uy tín và chất lượng của
các trang, nhóm, làm giảm sút hiệu quả của hoạt động thông tin, tuyên truyền trên
địa bàn.
Tóm
lại, chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng là cuộc đấu tranh hết sức
quyết liệt, gay gắt, lâu dài và vô cùng phức tạp. Với vai trò là lực lượng nòng
cốt, đi đầu, Lực lượng vũ trang nói chung, các đơn vị quân đội nói riêng cần thực
hiện đồng bộ các giải pháp đấu tranh hiệu quả, thiết thực, góp phần làm thất bại
mọi âm mưu, thủ đoạn chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch
trong tình hình hiện nay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét