Thời
gian qua nổi lên việc một số đối tượng cơ hội chính trị, phản động lưu vong,
chống phá Nhà nước từ bên ngoài tìm cách cấu kết với các hội nhóm, cá nhân
trong nước kêu gọi xóa bỏ một số điều luật vì mục đích chính trị, hòng gây bất
ổn xã hội, chống phá chế độ, trong đó
có Ðiều 331 Bộ luật Hình sự “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm
phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” hiện
đang là mục tiêu hướng đến của các đối tượng chống phá. Lợi dụng những sự việc
gây chú ý dư luận về phát ngôn, ứng xử, hoạt động xã hội của một số cá nhân,
nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, những sự việc liên quan đến
một số cá nhân bị khởi tố và xử lý theo Ðiều 331 Bộ luật Hình sự..., một số trang
mạng phản động lập tức lớn tiếng rêu rao, xuyên tạc, đòi xóa bỏ Ðiều 331 Bộ
luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).
Cần khẳng định rằng pháp luật Việt Nam được xây dựng phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế và yêu cầu thực tiễn nhằm bảo đảm cho sự phát triển tự do, toàn diện của nhân dân, góp phần xây dựng và duy trì xã hội trong vòng trật tự, ổn định, ngăn chặn các tổ chức và cá nhân lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm quyền con người. Nhà nước luôn đặt quyền tự do dân chủ của công dân lên hàng đầu, sự tôn trọng và đảm bảo được quy định rõ trong Hiến pháp và các quy định của pháp luật. Ðiều 15, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Trong Bộ
luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Ðiều 331 quy định về “Tội lợi dụng
các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp
của tổ chức, cá nhân” là sự cụ thể hóa Hiến pháp, tôn trọng và bảo vệ nguyện
vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân; giúp điều chỉnh, ngăn chặn, có chế tài
đối với các hành vi vi phạm, lệch chuẩn trong các quan hệ xã hội, ngăn ngừa
những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng,
tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi
ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Pháp luật luôn
tôn trọng và bảo vệ những tư tưởng, ý chí, nguyện vọng của mỗi tổ chức và cá
nhân khi đưa lên công khai trên phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội nếu
phù hợp với tinh thần xây dựng và thượng tôn pháp luật, phù hợp với chuẩn mực
đạo đức và truyền thống văn hóa của dân tộc. Ðồng thời, nếu những tổ chức và cá
nhân sử dụng mạng xã hội với mục đích xấu, động cơ không trong sáng, núp dưới
danh nghĩa bảo vệ quyền tự do dân chủ mà thực chất là có những hành vi chà đạp
lên quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác, xâm phạm đến Nhà
nước thì đều phải chịu các chế tài xử phạt tương ứng.
Trước các luận điệu xuyên tạc
của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội bản thân mỗi công dân cần nhận thức
đầy đủ về Hiến pháp, pháp luật, tích cực tuyên truyền kiến thức pháp luật và
nâng cao ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật trong cộng đồng góp phần tăng
cường ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, đất nước, đồng thời đấu
tranh với các luận điệu xuyên tạc bảo vệ sự tôn nghiêm của Hiến pháp, pháp
luật./.
NVE40
0 nhận xét:
Đăng nhận xét