Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

 

Thành tựu của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua đã góp phần củng cố vững chắc niềm tin của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, các thế lực thù địch lại vin vào đó để phát tán thông tin sai trái, thực hiện các chiến dịch truyền thông xuyên tạc về công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam, cố tình lật ngược bản chất, đánh tráo khái niệm, phủ bóng đen tối lên đời sống chính trị - xã hội của đất nước ta.

Núp dưới những cái mũ như dự báo, nhận diện về môi trường chính trị ở Việt Nam, một số đối tượng và tổ chức cực đoan, phản động lưu vong ở nước ngoài tiếp tục sử dụng chiêu bài cũ tung ra những phỏng đoán mập mờ, lẫn lộn về các vụ án chống tham nhũng nhằm thu hút sự chú ý, rồi lặp lại những luận điệu cũ rích rằng: Việc xử lý các vụ án tham nhũng ở Việt Nam là chuyện thanh trừng, đấu đá nội bộ, phe cánh chính trị, rằng tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền do xã hội thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngược lại, đầu năm 2023, theo Báo cáo chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022 do Tổ chức minh bạch quốc tế công bố: Việt Nam là một trong số sáu quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội. Năm 2022 Việt Nam tăng 3 điểm so với năm 2021 từ vị trí 39 lên vị trí 42. Sự ghi nhận của quốc tế về sự tiến triển này đã là sự thừa nhận về những thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam, phủ nhận hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ.

Sau khi Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội thực hiện các thủ tục miễn nhiệm đối với một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước theo quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng thì làn sóng xuyên tạc lại rộ lên. Chúng cho rằng, công tác nhân sự ở kỳ Đại hội Đảng hay bầu đại biểu Quốc hội, nhất là nhân sự cấp cao là cuộc tranh giành quyền lực, thanh trừng nội bộ, thủ tiêu đối phương theo lợi ích nhóm, công tác nhân sự trong Đảng đã được sắp xếp theo lợi ích nhóm. Trắng trợn hơn, chúng còn cho rằng cách thức xử lý các lãnh đạo cấp cao là sự lấn áp của Đảng, Đảng đứng trên pháp luật, Đảng làm thay Nhà nước. Mục đích cuối cùng của chúng là ra sức chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc xử lý những cán bộ, đảng viên sai phạm kể cả những người từng giữ cương vị rất cao là minh chứng cho quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta đồng thời mang lại niềm tin rất lớn của nhân dân đối với Đảng trong cuộc chiến chống giặc nội xâm. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Nếu thấy tay nhúng chàm rồi thì tốt nhất là xin thôi. Thực tế ta đã xử lý rồi. Đó là nhân văn, nhân ái, nhân tình, mở đường cho mà tiến bộ, đâu phải cứ cốt xử nặng. Hiện nay việc này đã tạo sức răn đe, cảm hóa rất lớn, đi vào nề nếp ở các cấp, các ngành”. Có thể thấy rằng, Đảng ta rất chú trọng đấu tranh chống tham nhũng bằng các biện pháp tổng hợp, chứ không chỉ có một biện pháp pháp lý không thôi. Đó là từ chính trị, giáo dục chính trị - tư tưởng, cho đến công tác tổ chức, các biện pháp hành chính kinh tế và hình sự, chứ không chỉ đơn thuần là biện pháp hình sự. Điều đó cũng thể hiện tính nhân văn trong xét xử.

Không chỉ dừng lại ở việc hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước, các thế lực thù địch, phản động ngang nhiên đưa ra những luận điệu xuyên tạc vô căn cứ như: cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng đang làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế; cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp của Đảng Cộng sản Việt Nam đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài. Gần đây, các luận điệu còn tinh vi hơn khi cố tình đưa đẩy thông tin độc hại gây xáo trộn dư luận như: việc chống tham nhũng về dài hạn được nhìn nhận là tích cực nhưng trong ngắn hạn có thể làm tê liệt hoạt động kinh doanh khi mà các quan chức thà bị khiển trách vì không làm gì còn hơn là có nguy cơ bị bỏ tù vì mắc bất kỳ sai lầm nào. Có thể thấy rằng, những năm qua, Việt Nam đang triển khai rất mạnh mẽ và ghi nhận được nhiều thành tựu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế. Bằng chứng cho thấy, chúng ta đã ngăn chặn được rất nhiều vụ án gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng và cũng thu hồi được hàng nghìn tỉ đồng. Công cuộc này được toàn dân ủng hộ và đang trở thành quyết tâm chính trị lớn của Việt Nam và của cả hệ thống chính trị. Điều này trực tiếp tác động tích cực tới nền kinh tế ở chỗ nó buộc các cơ quan chức năng phải thực hiện một cách nghiêm túc hơn, chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn từ đó giúp nâng cao hiệu quả đầu tư công cũng như giảm thiểu tình trạng thất thoát, tình trạng lãng phí tài sản công, đây là tác động tích cực quan trọng nhất. Bên cạnh đó, nó giúp làm cải thiện môi trường đầu tư, hạn chế các tình trạng nhũng nhiễu cũng như giảm thiểu các chi phí cho doanh nghiệp. Có thể thấy rằng công cuộc chống tham nhũng là tác động tích cực vượt trội hơn tất cả các tác động khác trong nền kinh tế. Do đó, những luận điệu phiếm diện cho rằng chống tham nhũng ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế là hoàn toàn không có cơ sở.

Cuộc chiến chống tham nhũng rất quyết liệt, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn để các cán bộ tự giác nhận sai phạm, gánh vác trách nhiệm theo quy định của Đảng. Nhìn lại tất cả các vụ xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự của nhà nước trong hơn 10 năm qua đều đã cho thấy rõ quyết tâm, nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là tuyên ngôn mà trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế. Các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động không thể ngăn bước, cản đường cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam.

HH90

0 nhận xét:

Đăng nhận xét