Việt Nam là dân tộc đa tôn giáo, tín ngưỡng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Các tôn giáo luôn đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc, thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”. Sự thật là như vậy, song vẫn còn những ý kiến trái chiều, phản ánh sai lệch tình hình tôn giáo ở Việt Nam
Trước những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng
sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, các thế lực thù địch càng hằn học, ra sức
lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tự do tôn giáo” như một
thứ vũ khí nhằm thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, phá hoại công cuộc
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chúng không ngớt tung ra
những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình tôn giáo ở Việt Nam;
rằng, “các địa phương vẫn tiếp tục đàn áp nhiều người Tin lành thiểu số”, “Việt
Nam hiện có nhiều người bị giam giữ vì tôn giáo”, “bị cưỡng ép bỏ đạo”… Rất
tiếc, nhiều năm qua, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, Tổ chức Ân xá Quốc
tế cũng như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn đưa ra những đánh giá thiếu thận trọng,
khách quan, phản ánh sai lệch về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt
Nam. Họ cáo buộc một cách trắng trợn và lặp đi lặp lại luận điệu rằng: “Nhà
nước Việt Nam đàn áp, tấn công giáo dân”, “ở Việt Nam không có tự do tín
ngưỡng, tôn giáo”; tự cho mình cái quyền đòi xếp Việt Nam trở lại danh sách
“các nước đặc biệt quan tâm về tôn giáo”.
Vậy sự thật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam như thế nào?
Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (9-1945) đến nay, Đảng, Nhà
nước ta luôn xác định và nhất quán thực hiện chủ trương, chính sách tôn trọng
và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; coi đây là vấn đề
chiến lược của cách mạng và được cụ thể hóa bằng Hiến pháp, pháp luật. Ngày
14-6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 234/SL, nội dung nêu rõ:
“Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ
luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện... Các tổ chức tôn giáo phải tuân
theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân. Việc bảo vệ tự
do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”.
Các Hiến pháp của nước ta đều ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo
hoặc không theo một tôn giáo nào của mọi công dân Việt Nam. Trong Chương 2
(Hiến pháp năm 2013) về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công
dân”, ở Điều 24 đã khẳng định: “1- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp
luật. 2- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3.
Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn
giáo để vi phạm pháp luật”.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nêu rõ: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân
theo quy định của pháp luật”; đồng thời, xác định chủ trương: “Tiếp tục hoàn
thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của
Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động
viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia
đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo
điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ đã được
Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động phòng ngừa,
kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê
hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”. Như vậy, quan điểm, chủ
trương của Đảng ta về vấn đề này là không chỉ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo, mà còn đánh giá cao vai trò của các tôn giáo đối với sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ở Việt Nam, các hoạt động thuần tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng ổn định
theo đúng hiến chương, điều lệ tổ chức, bảo đảm tuân thủ pháp luật Việt Nam và
phù hợp với luật pháp quốc tế. Chính quyền các cấp luôn tạo điều kiện cho đồng
bào các tôn giáo “đồng hành cùng dân tộc”, thực hiện đúng phương châm: “Đạo
pháp, dân tộc và CNXH”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, “nước vinh, đạo
sáng”, với tấm lòng “kính chúa, yêu nước”; vừa hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ
của “con Lạc, cháu Hồng” đối với Tổ quốc, vừa làm tròn bổn phận của tín đồ đối
với tôn giáo; hăng hái tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội,
tăng cường quốc phòng - an ninh, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta cũng còn những vấn
đề phức tạp, dễ bị những phần tử xấu lợi dụng để kích động, gây rối, hậu thuẫn
cho các thế lực thù địch phá hoại sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đó là tình
trạng mở rộng cơ sở thờ tự, nhà nguyện trái pháp luật; việc dựng tượng Thánh,
tượng Chúa, tượng Phật trên đất công vẫn diễn ra ở một số nơi. Tình trạng chức
sắc “phong chui”, “tự nhận” vẫn tiếp diễn; hiện tượng giảng đạo, truyền đạo
trái pháp luật vẫn xảy ra ở một số địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc
thiểu số, vùng biên giới. Việc lưu hành kinh sách, ấn phẩm tôn giáo trái
phép nhập từ nước ngoài chưa được ngăn chặn triệt để. Đáng chú ý, có một số
nhóm, hệ phái tôn giáo mâu thuẫn với nhau, dẫn đến hiện tượng tranh giành tín
đồ, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Đặc biệt, các thế
lực thù địch còn lợi dụng tôn giáo để tập hợp lực lượng, tuyên truyền, kích
động nhân dân gây rối, bạo loạn, vi phạm pháp luật và các quy định của địa
phương.
Mặc dù còn thực trạng đó, song, bức tranh về thành tựu tự do tín ngưỡng,
tôn giáo ở Việt Nam hiện nay là những minh chứng sống động, đầy sức thuyết
phục, được đồng bào các dân tộc ở trong nước thừa nhận, được dư luận thế giới
ca ngợi. Đó là những cơ sở để chúng ta kiên quyết đấu tranh, bác bỏ mọi luận
điệu xuyên tạc, cố tình phủ nhận quan điểm, chủ trương, chính sách tôn giáo của
Đảng, Nhà nước Việt Nam và những thành tựu về tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta
trong công cuộc đổi mới.
Tôn giáo vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc và vì dân tộc trong công cuộc
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mọi mưu đồ xuyên tạc sự
thật về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam để thực hiện mục đích
phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đều phải lên án, bác bỏ./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét