Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

Võ Ngọc Ánh lại “té nước theo mưa”


Thời gian qua, lợi dụng những sai phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 xảy ra tại một số địa phương, các thế lực thù địch đã đăng tải nhiều bài viết trên các trang mạng, với luận điệu xuyên tạc, bóp méo nền giáo dục Việt Nam. Mới đây, Võ Ngọc Ánh đã “té nước theo mưa” với bài viết “Từ việc “xét lý lịch” để đi học đến chuyện “mua điểm”’, đăng trên Danlambao, xuyên tạc, quy kết sai sự thật về giáo dục Việt Nam, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Võ Ngọc Ánh đã cho rằng, giáo dục Việt Nam “đầy khuyết tật”, “nhiều bệnh” và “còn đầy rẫy sự dối trá, bất công”. Với cái nhìn phiến diện, hằn học và phản động, Ánh đã thổi phồng một số hiện tượng tiêu cực, yếu kém của nền giáo dục Việt Nam, tác động tiêu cực tới niềm tin của nhân dân vào nền giáo dục nước nhà. Với óc thiển cận, thâm thù, Ánh đã không nhận thức được những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cũng như ngành giáo dục Việt Nam đang tự làm lành mạnh, trong sạch từ bên trong. Quá trình này tất yếu phải đấu tranh, lên án, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, cản trở sự phát triển. Tiêu cực, hạn chế, “khuyết tật” trong giáo dục có ở mọi nền giáo dục, mọi quốc gia. Ngay ở nước một số nước có nền giáo dục tiên tiến nhất cũng không tránh được những hiện tượng này. Tuy nhiên, việc lên án, loại bỏ những yếu tố tiêu cực không được quy chụp cho cả hệ thống giáo dục; xuyên tạc từ một vài hiện tượng riêng lẻ để đi đến kết luận quy chụp bản chất tốt đẹp của nền giáo dục Việt Nam, như bản chất bài viết này của Ánh.

Võ Ngọc Ánh đã rất hồ đồ quy kết rằng: “Không bộ trưởng nào có thể làm cho nền giáo dục Việt Nam tốt lên một khi còn trong “vòng kim cô” của Đảng Cộng sản”. Luận điệu này của Ánh hoàn toàn là sai về sự thật và phản động về chính trị. Bởi vì, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và đang tập trung đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI của Đảng, bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. Cơ sở vật chất của ngành giáo dục được đầu tư, đổi mới toàn diện và từng bước hiện đại hóa; chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ vượt bậc. Cả nước đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục Tiểu học, Trung học cơ sở… Nhiều năm qua, Việt Nam là một trong những điểm sáng của giáo dục thế giới khi có nhiều học sinh đạt huy chương tại các kỳ Olympic quốc tế Toán, Vật Lý, Hóa học, Sinh học. Trong Kỳ thi Olympic Quốc tế và khu vực năm 2018, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự. Tất cả các đoàn tham dự đều có thí sinh đạt Huy chương Vàng và 100% học sinh đi thi đều đoạt Huy chương (13 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc và 11 Huy chương Đồng), đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè các nước trên thế giới, được dư luận xã hội đánh giá cao… Đó là những thành tích được cả thế giới ghi nhận, là kết quả từ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của thầy cô, gia đình và xã hội đối với nền giáo dục Việt Nam.

Là công dân có trách nhiệm, chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá khách quan cả quá trình, không thể vì một sai lầm mà đổ lỗi, phủ nhận sạch trơn những cố gắng, nỗ lực của Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục của nước ta trong thời gian qua. Nêu cao cảnh giác trước những thông tin sai lệch; không ngừng củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà hiện nay./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét