Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020


Bộ mặt thật của kẻ “Miệng nam mô, bụng bồ dao găm”
          Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) ra đời năm 1964, đến năm 1966 phân hóa thành Giáo hội Ấn Quang và Giáo hội Việt Nam Quốc tự. Năm 1972 và 1974, Viện Hóa đạo Ấn Quang đã tiến hành Đại hội và đưa Hòa thượng Thích Trí Thủ lên ngôi Viện trưởng.
          Sau ngày đất nước thống nhất, vào năm 1981, theo nguyện vọng chung của các tổ chức, hệ phái Phật giáo và Phật tử, Đại hội Thống nhất Phật Giáo Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. GHPGVNTN đã cùng với 8 tổ chức hệ phái Phật giáo khác bầu ra Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Phật Giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Trí Thủ cùng phải đoàn GHPGVNTN đã nhất trí nhập tổ chức của mình vào ngôi nhà chung là Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. GHPGVNTN xem như đã hoàn thành sứ mệnh của mình và không còn tồn tại riêng rẽ từ ngày đó.
          Như thế, ông Thích Quảng Độ hoàn toàn không có tư cách để tự phong cho mình cái chức Viện trưởng Viện Hóa đạo, không có tư cách đại diện cho GHPGVNTN dưới bất kì danh nghĩa nào. Thế nhưng năm 1999, một Hội nghị được gọi là Đại hội 8 của GHPGVNTN được tổ chức ở Mỹ đã bầu ông Quảng Độ làm Viện trưởng Viện Hóa đạo. Đại hội do những người nước ngoài tổ chức ở nước ngoài, không có bất kì đại biểu nào của Phật giáo trong nước tham dự, dĩ nhiên không có giá trị và vô thừa nhận tại Việt Nam. Thế nhưng ông Quảng Độ luôn dùng cái danh nghĩa hão huyền ấy để làm những điều sai trái. Khi bị nhắc nhở, chế tài về những hành động vi phạm pháp luật, ông Quảng Độ lại to tiếng cho rằng bị chính quyền đàn áp.
          Hành trình 30 năm nay của ông Thích Quảng Độ là một xâu chuỗi những hành vi vu khống, “nằm vạ”, hối lỗi, van xin và sáng nắng chiều mưa, thay đổi chính kiến ngay sau khi được khoan hồng. Những hành động của ông Quảng Độ mà chúng tôi sẽ phân tích ở phần sau cho thấy tính chất cơ hội đục nước béo cò của ông. Lợi dụng những thời điểm thuận tiện để xuất hiện và khoa trương nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân.
          Luôn luôn phạm tội, luôn luôn xin tha
          Năm 1977, Thích Quảng Độ và một số người cùng phe nhóm có những hành vi chống phá chính quyền và bị bắt. Cuối năm 1978 ông ta bị đưa ra xét xử trước TAND TP.HCM. Trong một lá đơn viết tay gửi các cơ quan tố tụng, ông ta nhận xét về bản thông tư 002 do mình soạn thảo và phát tán trước đó là: “Ai đọc thông tư số 2 cũng phải sửng sốt kinh ngạc, cho rằng nội dung nó mang tính chất một lời hiệu triệu kêu gọi Tăng Ni chống lại chính quyền cách mạng. Chính bản thân tôi giờ nghĩ lại cũng phải cảm thấy hoảng sợ và ân hận... Tôi xin chính quyền lượng xét khoan hồng tha thứ hoặc ân giảm tội trạng cho tôi để tôi còn có được cơ hội hối cải....”
          Năm 1995, Thích Quảng Độ lại cùng với một nhóm người thuộc phe cánh của mình âm mưu phục hồi hoạt động của GHPGVNTN. Ông cho tay chân chuẩn bị một số tiền để đi cứu trợ đồng bào lũ lụt. Chuyện sẽ rất đáng ghi nhận và hoan nghênh nếu ông Quảng Độ làm điều đó với cái tâm trong sáng. Thế nhưng sự thật thì ngược lại. Theo một bản khai viết tay ngày 6-1-1995, bị can Đặng Phúc Tuệ, tức Thích Quảng Độ thừa nhận: “Mục đích của việc tổ chức cứu trợ là phục hồi hoạt động của GHPGVNTN, đây là dịp rất tốt để cho quần chúng nhân dân và tăng ni Phật tử chú ý đến tổ chức này...”. Khi bị ngăn chặn, ông Quảng Độ lại vu vạ trong một văn bản rằng công an đàn áp những người cứu trợ, tiếng la khóc vang trời. Trong bản cung, ông cũng thừa nhận điều này là vu khống. Xin không nhắc lại nội dung những tài liệu mà ông Quảng Độ viết và phát tán trong thời điểm năm 1995. Chỉ xin trích nhận định của chính ông ta về những văn bản đó: “”Đến nay tôi tự nhận thấy việc phát tán, phổ biến những tài liệu do tôi viết ra đã dựa trên những thông tin của các phần tử bất mãn, phần tử xấu nên có tác hại trong quần chúng nhân dân, gây chia rẽ giữa nhân dân với chính quyền Nhà nước Việt Nam, làm giảm lòng tin của Phật tử với Giáo hội, có hại đến khối đoàn kết toàn dân”. Cũng như những lần trước, cuối bản khai, ông ta lại xin khoan hồng, hứa tìm một nơi yên tĩnh để chuyên tâm dịch kinh kệ, đóng góp sức mình cho Phật giáo nước nhà. Ông Quảng Độ bị phạt năm năm tù và năm năm quản chế về hai tội “phá hoại chính sách đoàn kết” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xam phạm lợi ích của nhà nước, của tổ chức xã hội”. Được khoan hồng, giảm án, ông Thích Quảng Độ lại tiếp tục những hành vi trước đó. Ông quên rất nhanh những lời hứa của mình.
         Nhân danh cái thiện
         Ngày 17-7-2007, nhân cơ hội nhiều người dân khiếu kiện tập trung về trụ sở Vụ Công tác phía Nam của Văn phòng Quốc hội tại số 194 Hoàng Văn Thụ, TP.HCM, Thích Quảng Độ đã xem đây là một dịp để kích động chống phá chính quyền. Ông ta và Thích Minh Nguyệt (một nhà sư có vợ, có chín người con và có bồ, đã bị cách chức trụ trì một ngôi chùa nhỏ ở Tiền Giang) mang 300 triệu đồng (con số theo công bố của Quảng Độ, chưa ai kiểm chứng) đến đây. Một tay cầm bó tiền, một tay cầm loa, Thích Quảng Độ đứng lên nói xấu chính quyền và kích động người khiếu kiện.
          Phàm truyền thống của người dân Việt, làm điều tốt không đợi hàm ơn, người nhà Phật lại càng xem nhẹ sự khoa trương. Thế nhưng Quảng Độ mang tiền đến và không quên bố trí người quay phim, chụp ảnh. Chỉ 30 phút sau khi ông ta rời nơi phát tiền, những thông tin thổi phồng và thêm thắt và xuyên tạc đã được gửi cho Võ Văn Ái, Giám đốc trung tâm thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris để tay này đưa lên mạng. Thế nhưng dù ông Thích Quảng Độ đã dùng tiền để mua chuộc và kích động, người dân vẫn tự nguyện giải tán sau khi được chính quyền tiếp xúc và phân tích. Ngày 18-7, những người khiếu kiện đã lên xe về địa phương.
          Không dừng lại ở đó, Thích Quảng Độ bày mưu khác. Ngày 23-8 ông ta cử Thích Không Tánh mang 300 triệu đồng ra Hà Nội để kích động người dân khiếu kiện. Âm mưu này không thành do bị chính quyền phát hiện.
          Xâu chuỗi những gì ông Thích Quảng Độ đã làm trong những năm qua, có thể thấy rất rõ một điều ông ta là kẻ cơ hội. Từ chỗ là một Viện trưởng Viện Hóa đạo tự phong, không được cả Phật tử, Giáo hội và chính quyền thừa nhận, ông Quảng Độ đã làm đủ trò để gây sự chú ý. Nhiều lần ông ta bị xử lý về những hành vi bịa đặt, vu khống, chống phá chính quyền. Chính bản thân ông nhiều lần thừa nhận hành vi sai trái, xin tha và hứa hẹn sẽ hối cải nhưng rồi ông lại nhanh chóng nuốt lời. Dù tự nhận mình luôn làm việc vì chánh pháp, vì sự lớn mạnh của Phật giáo nhưng Thích Quảng Độ luôn làm những điều ngược lại.
          Thiết nghĩ, sẽ không cần phải lên án ông Quảng Độ, bởi chính ông đã tự bộc lộ sự thiếu tự trọng. Điều ông ta nói và làm là hai thái cực, như dân gian vẫn nói: “Khẩu Phật, tâm xà”. (MP)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét