Nhằm thực hiện “diễn biến hòa
bình” đối với nước ta, trong những năm qua, các thế lực thù địch triệt
để tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch, những thông tin xấu, độc hại,
bịa đặt, vu cáo hòng chống phá Việt Nam. Thông qua đó, hòng xóa bỏ nền tảng tư
tưởng của Đảng, từng bước thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Chúng coi đó là
một mũi tấn công quan trọng nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội. Các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa
Mác-Lênin, tìm cách đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin, coi
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là người
cộng sản. Chúng cho rằng, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng Chủ nghĩa
Mác-Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam là sai lầm, là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển
của đất nước. Chúng triệt để lợi dụng, khoét sâu những hạn chế, thiếu sót trong
thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng
viên, lợi dụng các vụ việc phức tạp xảy ra ở trong nước để xuyên tạc rằng, Chủ
nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời, cho rằng Việt Nam nên thay đổi
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng hệ tư tưởng dân chủ tư sản để
“phù hợp với xu thế phát triển”. Chúng ra sức đẩy mạnh tuyên truyền, ca ngợi chủ
nghĩa tư bản, cổ xúy cho chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, cho rằng chủ
nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, không còn là xã hội áp bức, bóc lột. Thông
qua đó, nhằm làm một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân dao động, hoài nghi
về vai trò lãnh đạo của Đảng, về thành tựu đổi mới của đất nước, về mục tiêu,
con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; kích động, chia rẽ nội bộ để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ
xã hội chủ nghĩa, lôi kéo, kích động nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây
mất ổn định chính trị, xã hội ở nước ta.
Để tuyên truyền các quan điểm sai trái,
thù địch với nước ta, các thế lực thù địch đã xuất bản, tán phát các loại ấn phẩm,
tài liệu như: Các báo cáo, nghị quyết, dự luật của nghị viện, quốc hội các nước
(như Mỹ, Australia, Anh…); các văn bản pháp lý của các tổ chức quốc tế, các tổ
chức phi chính phủ (NGO) như: Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), Tổ chức theo dõi nhân
quyền quốc tế (HRW)…; các ấn phẩm xuất bản, như: Sách báo, tạp chí, tập san, tờ
rơi… của các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong, số đối tượng cơ hội chính trị
trong và ngoài nước; các trang web, các chương trình phát thanh, phát hình bằng
tiếng Việt, như: BBC, VOA, RFA, RFI…
Chúng triệt để lợi dụng thời điểm trong nước
diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc
hội… hoặc xảy ra các vụ việc phức tạp để đẩy mạnh các chiến dịch phá hoại tư tưởng
nhằm tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, thù địch đối với nước ta.
Trong những năm qua, chúng ta đã triển
khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hoạt động tuyên
truyền những quan điểm sai trái, thù địch; xử lý nghiêm trước pháp luật các đối
tượng tuyên truyền, xuyên tạc chống phá nước ta. Các cơ quan chức năng đã tăng
cường quản lý báo chí, internet, hoạt động xuất bản, yêu cầu các tập đoàn truyền
thông, như: Google, Youtube… gỡ bỏ các clip, tài khoản có nội dung xấu, độc hại.
Thông qua các kênh hợp tác song phương, đa phương… các cơ quan chức năng đã
chuyển tải chính sách, thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quyền con người tới
cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài, góp phần giải tỏa các thông tin
sai lệch và đấu tranh, phản bác các luận điệu phản động, thù địch đối với nước
ta.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt
được, công tác đấu tranh trên lĩnh vực này trong thời gian qua còn nhiều hạn chế,
bất cập, như:
Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng
viên về âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa
cũng như tác hại của quan điểm sai trái, thù địch đối với xã hội còn hạn chế;
Sự phối hợp giữa các cơ quan ban, ngành
trong tuyên truyền và đấu tranh, phản bác còn mang tính hình thức, thụ động,
chưa phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác này.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao
nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, phương thức và tác hại của
các quan điểm sai trái, thù địch còn ở mức khiêm tốn.
Nhằm
phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả hoạt động này, cần tập trung thực hiện
đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng một số giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, công tác phòng ngừa, đấu
tranh chống hoạt động tuyên truyền các luận điệu sai trái, thù địch luôn phải
được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng và Nhà nước nhằm
phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai công tác này một
cách thực chất, thường xuyên, liên tục với quyết tâm chính trị lớn, có sức thuyết
phục cao, sức lan tỏa sâu rộng.
Cuộc đấu tranh này phải được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân với nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng.
Hai là, tiếp tục tăng cường công
tác nắm tình hình, nghiên cứu dự báo, phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn hoạt
động tuyên truyền, xuyên tạc, đặc biệt là các phương thức hoạt động mới của các
thế lực thù địch để tuyên truyền các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch; dự
báo thời điểm các thế lực thù địch đẩy mạnh các chiến dịch phá hoại tư tưởng để
kịp thời triển khai biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác
nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, khẳng định vị thế, vai trò của
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạch định đường lối xây dựng
và phát triển đất nước; làm cho hệ tư tưởng này có sức sống mãnh liệt và giữ
vai trò chủ đạo trong đời sống của xã hội ta.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác
tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân về bản
chất cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng
minh chứng cụ thể từ những thắng lợi trong lịch sử dân tộc và trong công cuộc
xây dựng, phát triển đất nước hiện nay; về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của
công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng; về âm mưu, thủ đoạn của các
thế lực thù địch nhằm tuyên truyền, xuyên tạc hệ tư tưởng của xã hội ta... để từ
đó thúc đẩy mọi người tự giác tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh.
Năm là, tiếp tục thực hiện thắng lợi
công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm
nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, làm cho
nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; không ngừng nâng cao vị thế của nước ta
trên trường quốc tế.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét