Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

ĐÀI PHÁT THANH QUỐC TẾ PHÁP (RFI) LẠI XUYÊN TẠC CHÍNH SÁCH CỦA HÀ NỘI

       Vừa qua, trên đài phản động RFI, tác giả Thụy My đã đăng tải bài viết “Các cuộc biểu tình quy mô và thế lưỡng nan của Hà Nội trước Trung Quốc” với nội dung tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Luật Đặc khu. Trong đó, tác giả Thụy My cho rằng: “Các cuộc xuống đường mới đây nhằm phản đối Luật Đặc khu, một dự luật đặt ra các đặc khu kinh tế (SEZ) với mục tiêu thúc đẩy đầu tư và cải cách kinh tế. Tuy nhiên, viễn cảnh những giao dịch đáng ngờ, được cho là nhượng đất cho các nhà đầu tư Trung Quốc, đã gây ra một làn sóng các cuộc biểu tình phản đối. Những người biểu tình cầm các biểu ngữ “Không đặc khu, không cho Trung Cộng thuê đất dù chỉ một ngày”, “Đả đảo bán nước”.
 Phong trào phản kháng khởi đầu ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội rồi nhanh chóng lan ra các tỉnh, thành phố, có thể kể đến: Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Tây Ninh”. Đây là những luận cứ hết sức nguy hiểm, xuyên tạc Luật Đặc khu ở nước ta, ảnh hưởng xấu đến uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chúng ta đều thấy rằng trong Dự thảo Luật Đặc khu rõ ràng không có một chữ nào liên quan đến Trung Quốc, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên nhằm chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Bởi lẽ, trong Dự thảo Luật quy định bình đẳng trong một môi trường chung,với tất cả thành phần kinh tế và với tất cả các nước, môi trường hội nhập quốc tế ta đang mở nên bình đẳng hết, không hạn chế người này người khác. Mọi người dân đang hình dung tiêu cực, đang đẩy thành vấn đề sợ Trung Quốc. Hiện nay, trên thế giới nhiều nước đã làm đặc khu. Lân cận với Việt Nam có Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhiều nước đã thành công nhưng cũng có nước không thành công. Khi đưa ra dự án luật như vậy, rất nhiều bà con nhân dân, trí thức, Việt kiều đưa ra ý kiến. Điều đó đã thể hiện tinh thần yêu và đáng được hoan nghênh. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của người dân, Chính phủ đã điều chỉnh lại vấn đề thời gian thuê đất một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng mà nhân dân đã phản ánh. Mặt khác, chúng ta cũng phải nhận thức được rằng đất ở đây là đất thuê. Đất thuê đó thực hiện theo quy trình nào, hàng năm UBND trình HĐND giá thuê đất, chứ không phải giao vĩnh viễn nhượng tô, nhượng địa như đặc khu Hong Kong, Ma Cao. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Đồng thời, tại mỗi đặc khu cũng có cơ cấu nhà đầu tư phù hợp, của từng quốc gia theo một tỷ lệ cần thiết, chứ không phải chỉ một nước. Điều đó đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh quốc gia đi liền với nhau trong xây dựng đặc khu. Vì vậy, mỗi người dân hãy bình tĩnh, tin tưởng Chính phủ sẽ có những quyết sách, đặc biệt là Quốc hội sẽ cân nhắc để hài hòa giữa phát triển kinh tế, an ninh xã hội và điều bất di bất dịch không bao giờ thay đổi là vấn đề an ninh, độc lập chủ quyền của dân tộc ta. Người dân trong cả nước hãy bình tĩnh, tránh nghe những lời xúi giục tiêu cực làm dao động tinh thần, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là lòng tin đối với Đảng, Chính phủ, Nhà nước.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đề nghị lùi thời gian thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 và chỉnh lý Dự án Luật đã tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội. Đây là một quyết định kịp thời, hợp lòng dân, thể hiện trách nhiệm, tinh thần dân chủ, cầu thị của Chính phủ và Quốc hội trong việc lấy ý kiến đóng góp của người dân trong quá trình xây dựng Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, trước tình hình trên, các thế lực thù địch, bọn phản động trong và ngoài nước đã tuyên truyền kích động, lợi dụng danh nghĩa “lòng yêu nước”, phản đối Trung Quốc để dụ dỗ, lôi kéo người dân xuống đường, tụ tập đông người, hô hoán, tấn công lực lượng chức năng thực thi công vụ… gây mất trật tự an ninh nơi công cộng. Việc một bộ phận người dân lợi dụng “biểu tình ôn hòa” để phản đối thông qua Dự án Luật Đặc khu đã tụ tập đông người tại một số địa phương đã ảnh hưởng đến uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 
Điển hình, vào ngày 10/6/2018, lấy cớ phản đối dự thảo Luật Đặc khu, nhiều người dân đã kéo ra Quốc lộ 1 qua thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận chặn xe. Tại một số điểm, nhiều thanh niên ném gạch đá tấn công, đập phá ô tô công vụ. Tối cùng ngày, hàng nghìn người tập trung trước cổng UBND Bình Thuận ở đường Hải Thượng Lãn Ông, thành phố Phan Thiết. Nhiều người xô cổng, đập vỡ cửa kính vọng gác bảo vệ, đốt xe. Nhiều kẻ quá khích dùng gạch đá, bom xăng ném vào bên trong, tấn công lực lượng công vụ. Sự việc đã khiến hàng chục cảnh sát bị thương, gây phẫn nộ trong quần chúng nhân dân. Ấy vậy mà đài RFI lại lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc chính sách đối ngoại, chia rẽ quan hệ Việt Nam - Trung Quốc kích động người dân tham gia biểu tình, tuần hành, gây rối an ninh trật tự trên địa bàn Hà Nội thì không thể chấp nhận được và đáng bị toàn thể xã hội lên án./.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét