Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

NHỮNG CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM

Trong dịp chúng ta kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (26/01/1925 – 26/01/2018), các đối tượng phản động đã tung nhiều bài viết nói xấu tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, tung ra những luận điệu như: Đảng “bóp nghẹt” báo chí; báo chí Việt Nam không được hoạt động đúng nghĩa vì bị “bịt mồm”; khái niệm tự do báo chí ở Việt Nam là xa xỉ…
Mục tiêu của chúng nhằm “cởi trói” cho những kẻ đã và đang dùng Internet, mạng xã hội để chống phá chế độ xã hội, Nhà nước Việt Nam.
Vậy vì sao các thế lực thù địch, những kẻ xấu lại tập trung xuyên tạc, bóp méo tình hình báo chí? Thủ đoạn của chúng như thế nào? Quyền tự do ngôn luận báo chí Việt Nam hiện nay ra sao?
Thứ nhất, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, phương thức dùng chiến tranh xâm lược để thống trị một dân tộc là điều không dễ. Hơn nữa, với Việt Nam - một dân tộc đã từng đánh bại những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới thì phương thức đó chẳng bao giờ có thể giành chiến thắng.
Chiến lược của các thế lực thù địch, của những kẻ có hận thù với cách mạng Việt Nam trong và ngoài nước hiện nay chỉ có thể dùng thủ đoạn chính trị “mềm” - dùng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đấy những phần tử thoái hóa về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Vì vậy, xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam là một hướng tấn công chủ yếu hiện nay của chúng. Tiền đề và điều kiện thực hiện được chiến lược đó là xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận báo chí. 
Thứ hai, thủ đoạn mà các thế lực thù địch sử dụng để xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam chủ yếu là vu cáo Việt Nam: “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”;“Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”; “bắt bớ nhiều blogger”…
Đứng đầu cho hành vi xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ, nhân quyền Việt Nam nói chung, tự do ngôn luận, báo chí nói riêng là các bản phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Thứ ba, thực tế cho thấy, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí. Theo thống kê, tính đến năm 2016, cả nước có 857 cơ quan báo chí, gồm: 199 cơ quan báo chí in, 658 tạp chí (trong đó có 105 báo, tạp chí điện tử); 1 hãng thông tấn quốc gia; 67 cơ quan phát thanh truyền hình. Hầu hết các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội đều có báo, tạp chí hoặc trang thông tin, báo điện tử.
Hiện nay, không chỉ người dân Việt Nam mà cư dân nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam có thể truy cập để có thông tin từ những hãng thông tấn báo chí lớn. Ở Việt Nam hiện nay có tới 75 kênh truyền hình nước ngoài online, trong đó có các kênh lớn như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg...
Hiện có hơn 20 cơ quan báo chí nước ngoài đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Qua Internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức, bài vở của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times...
Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển Internet hàng đầu khu vực, đặc biệt là mạng Facebook. Trong cuộc gặp bà Monika Bickert đai diện của Facebook, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện Việt Nam có hơn 92 triệu dân thì có 70% dân số sử dụng Internet, khoảng 45 triệu người có tài khoản Facebook.
Chính phủ Việt Nam không ngăn cản Facebook cũng như các mạng xã hội khác phát triển mà tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Thứ tư, ở Việt Nam, báo chí đã tạo ra đồng thuận xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; là phương tiện để người dân kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật và đóng góp ý kiến phản biện đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trên lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.
Chẳng hạn vụ Trịnh Xuân Thanh mở đầu từ bài báo: “Xe tư nhân gắn biển số xanh và “di sản” của Phó Chủ tịch Hậu Giang”, sau đó đồng chí Tổng Bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an… khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận. Kết quả đã dẫn đến phát hiện một chuỗi các vụ việc tham nhũng, nhiều cán bộ cao cấp, những “đại gia” tưởng như những bức tường thành không bao giờ đổ đã vào tù.
Thử hỏi những người đang xuyên tạc, bóp méo tình hình báo chí Việt Nam: Nếu Việt Nam không có tự do báo chí, tự do ngôn luận thì làm sao có được những tác phẩm báo chí sống động, đem đến hiệu quả xã hội lớn như vậy?
Cũng giống như các nước khác trên thế giới, hiện nay khung pháp luật về quyền tự do ngôn luận, báo chí Việt Nam đã hoàn thiện. Đó là nhiều quy định trong Bộ luật Hình sự, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, các nghị định của Chính phủ như Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet…
Điều đáng chú ý là những quy định về quyền tự do ngôn luận báo chí hiện nay cho thấy tư duy chính trị, pháp lý mới của Đảng và Nhà nước ta. Đó là phòng chống hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời tôn trọng và bảo đảm quyền con người.
Điều 13, Luật Báo chí năm 2016 quy định trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: “1. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí… 2. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. 3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.
Điều 11, Luật tiếp cận thông tin 2013 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức… Điều 5, Nghị định năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng quy định rõ các hành vi bị cấm.
Thời đại ngày nay, không có bất cứ chế độ xã hội, nhà nước hiện đại nào lại không tôn trọng, bảo vệ quyền tự do ngôn luận báo chí, tự do sử dung Internet, mạng xã hội. Vì đây là một điều kiện cho sự phát triển của đất nước. Đối với Đảng và Nhà nước ta thì quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do Internet không chỉ là quyền cần phải bảo đảm hơn nữa mà được xem là một động lực cho sự phát triển của xã hội./.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét