Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI VỀ CHÍNH TRỊ THEO QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA MÁC- LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

   Đ.V.L.Psy.11.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, chính trị của quân đội là chính trị của giai cấp, là sự tuân thủ và phục tùng đường lối chính trị, đây là sự thấm nhuần sâu sắc hệ tư tưởng của giai cấp, thấm nhuần đường lối chiến lược, sách lược của giai cấp, là sự trung thành và chiến đấu vì quyền lợi, địa vị, mục tiêu, lý tưởng của giai cấp. Nói đến xây dựng quân đội về chính trị là nhấn mạnh việc xây dựng bản chất cách mạng, tăng cường sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội.
Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là một tất yếu khách quan trước hết xuất phát từ bản chất giai cấp của quân đội. Xét về bản chất, quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của giai cấp và nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích căn bản của giai cấp, nhà nước đó. Bản chất của quân đội gồm hai thuộc tính cơ bản. Về chính trị, đây là công cụ của giai cấp, nhà nước; về quân sự, nó mang tính chất bạo lực vũ trang. Bản chất giai cấp chính là sự thể hiện bản chất chính trị của quân đội. Nó phụ thuộc vào bản chất giai cấp và nhà nước tổ chức ra và sử dụng nó. Chính trị của quân đội được cấu thành bởi địa vị, quyền lực của giai cấp lãnh đạo quân đội. Điều đó được biểu hiện ở đường lối, nguyên tắc, cơ chế lãnh đạo của chính đảng của giai cấp với quân đội. Đối với quân đội ta, hệ tư tưởng chi phối trong đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sỹ là hệ tư tưởng giai cấp công nhân, là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng HCMinh.
Khi bàn về bản chất chiến tranh, V. I. Lênin cho rằng: Bất cứ một cuộc chiến tranh nào cũng đều là sự tiếp tục của chính trị mà chiến tranh theo đuổi. Chiến tranh vừa là sự kế tục của chính trị, vừa là sự thức tỉnh của chính trị. Không và tuyệt nhiên không có một quân đội nào phi giai cấp. Trong khi chăm lo xây dựng sức mạnh toàn diện của quân đội, chúng ta cần hết sức chăm lo xây dựng quân đội về chính trị, trọng tâm là củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân cho quân đội, coi đó là vấn đề sống còn của quân đội cách mạng, là một trong những nguyên tắc hết sức cơ bản trong xây dựng quân đội kiểu mới. Các mác khẳng định: “lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bởi lực lượng vật chất. Lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó xâm nhập vào quần chúng”. Để chuyển hoá yếu tố chính trị tinh thần thành lực lượng vật chất chính là quá trình xây dựng quân đội về chính trị. Không phải kẻ thù của chúng ta không thấy được sức mạnh của yếu tố chính trị tinh thần đối với quân đội. Chúng ra sức tuyên truyền, biện hộ cho cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Khẳng định bản chất chính trị của quân đội, các nhà lý luận mác xít đã vạch ra những nguyên lý xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân về chính trị. Đó là:
- Quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân tất yếu phải mang bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng. Từ đó cần đặc biệt chăm lo xây dựng quân đội về chính trị, nhất là củng cố, tăng cường bản chất giai cấp, coi đó là vấn đề sống còn của quân đội cách mạng, là nguyên lý căn bản trong xây dựng quân đội xã hội chủ nghĩa.
- Xây dựng quân đội về chính trị phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với quân đội, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng giữ vai trò quyết định toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và chiến đấu của quân đội. Xây dựng các tổ chức đảng trong quân đội vững mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, công tác tổ chức.
- Trong quá trình xây dựng quân đội, cần tuân thủ nghiêm ngặt tính giai cấp trong nguyên tắc, cơ cấu tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; huấn luyện giáo dục quân nhân.
- Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, đưa ý thức hệ của giai cấp công nhân vào thống trị đời sống tinh thần trong quân đội.
- Thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa quân đội với giai cấp công nhân, với nhân dân và tăng cường mối quan hệ nội bộ quân đội; xây dựng, củng cố mối quan hệ với quân đội các nước xã hội chủ nghĩa, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa quốc tế vô sản chân chính.
- Coi trọng cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận, làm thất bại âm mưu “phi chính trị hoá” quân đội của các thế lực thù địch.
Những nguyên lý đó vẫn giữ nguyên giá trị trong điều kiện mới, là cơ sở nền tảng tạo nên sức mạnh của quân đội. Việc bảo vệ và tiếp tục khẳng định những nguyên lý đó trong điều kiện hiện nay có ý nghĩa quan trọng cả về thế giới quan, phương pháp luận và nền tảng tư tưởng, là cơ sở lý luận trực tiếp của việc xây dựng quân đội cách mạng về chính trị.
Chủ tịch HCMinh và Đảng ta ngay từ khi mới tổ chức ra những lực lượng vũ trang đầu tiên, đã vận dụng đúng đắn nguyên lý xây dựng quân đội kiểu mới của chủ nghĩa Mác- Lênin, luôn coi trọng xây dựng quân đội về chính trị. HCMinh nhiều lần khẳng định: Chính trị là vận mệnh của quân đội cách mạng. Người coi chính trị là cái gốc, là nền tảng của quân đội. Người thường xuyên nhắc nhở: “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Trong đấu tranh cách mạng, HCMinh luôn đặt lên hàng đầu vấn đề xây dựng quân đội về chính trị, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở cho xây dựng các mặt khác. Người đã thành công trong việc khám phá ra quy luật: Xây dựng quân đội nhân dân việt nam phải đi từ chính trị đến quân sự, từ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng phát triển thành các tổ chức vũ trang, từ mục tiêu chính trị của từng giai đoạn cách mạng để xây dựng lực lượng quân sự. Lấy xây dựng cơ sở chính trị, lực lượng chính trị, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng làm chỗ dựa, làm lực lượng hỗ trợ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quân đội.
Để xây dựng quân đội về chính trị, HCMinh chỉ rõ cần tập trung vào những vấn đề sau:
      “- Trung với đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.
      - Cán bộ chiến sỹ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt xẻ bùi.
      - Quân với dân như cá với nước.
     - Có tinh thần yêu nước chân chính, lại có tinh thần quốc tế vô sản cao cả.
     - Do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục.
Quán triệt sâu sắc những nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng HCMinh, Đảng ta khẳng định: Vấn đề cốt lõi nhất trong xây dựng quân đội ta về chính trị là quân đội luôn giữ vững, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc. Chính trị của quân đội không chỉ bao hàm các mối quan hệ giữa quân đội với hệ thống chính trị mà nó bảo vệ, mà còn bao hàm cả mối quan hệ giữa quân đội với dân tộc và nhân dân. Quân đội ta sinh ra từ các phong trào vũ trang của quần chúng, được nhân dân nuôi dưỡng; được Đảng lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện. Do đó quân đội ta không chỉ mang bản chất của giai cấp công nhân mà còn mang tính nhân dân, tính dân tộc. Chăm lo, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc là nội dung cơ bản của nhiệm vụ xây dựng quân đội ta về chính trị trong giai đoạn mới. Một vấn đề nữa trong trong xây dựng quân đội ta về chính trị là: quân đội phải thấu suốt và thực hiện một cách triệt để đường lối quân sự, đường lối chính trị của Đảng. Đảng là người tổ chức, lãnh đạo, rèn luyện quân đội, là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội. Do đó, quân đội phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng. Có như vậy, quân đội mới thực sự là công cụ bạo lực tin cậy, là lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chất lượng chính trị của quân đội là chất lượng chính trị của cán bộ, chiến sỹ được thể hiện ở sự trung thành với lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, ở bản lĩnh chính trị vững vàng, ở sự trong sạch về đạo đức lối sống và sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét