Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

SỰ KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN

        QA82.PSY34

          Có một thực tế hiện nay, thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong thời bình, những thành tựu của đất nước hơn 30 năm đổi mới  đã tạo ra đầy đủ những điều kiện thuận lợi nhất mọi người học tập, rèn luyện, phát triển nhân cách, khẳng định mình trong xã hội. Đặc biệt với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, mạng xã hội, thế hệ trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài, tuy nhiên đa phần các bạn trẻ còn thiếu kinh nghiệm trong xem xét đánh giá các vấn đề chính trị- xã hội, nhận thức của nhiều bạn trẻ còn phiến diện, thiếu sâu sắc, khả năng phân rõ đúng sai trong cuộc sống còn nhiều hạn chế, dễ bị cám dỗ bởi những lợi ích vật chất trước mắt, dễ bị dụ dỗ, mua chuộc lôi kéo. Hiện nay, trên các trang mạng xã hội nhiều bạn trẻ công khai bày tỏ những quan điểm, ý kiến cá nhân về những vấn đề chính trị- xã hội đang diễn ra hàng ngày theo chiều hướng rất tiêu cực như nói xấu chế độ, phủ nhận những thành quả mà Đảng, nhân dân đã nỗ lực vượt qua bao khó khăn, thách thức đưa đất nước đi lên và có được vị thế như ngày nay. Họ không hoặc chưa bao giờ nhìn thấy những kết quả, thành tựu to lớn mà đất nước đã đạt được mà chỉ quan tâm đến những tiêu cực, những mặt trái của xã hội, những khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất để nhận xét đánh giá, tỏ thái độ bi quan, hoài nghi, không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, mất niềm tin vào chế độ, vào đội ngũ cán bộ, từ đó họ chia sẻ những ý kiến đó cho bạn bè, người thân một cách vô tình hoặc có chủ định mà không biết rằng đó là một hành động hết sức nguy hại. Cơ chế lây lan tâm lý, cơ chế đồng nhất hóa sẽ làm cho những ý kiến cá nhân đó lây lan đến nhiều người, làm cho nhiều bạn trẻ đồng tình với những ý kiến đó và hậu quả là sẽ có nhiều bạn trẻ bất mãn, hoài nghi, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của đảng, vào chế độ XHCN, vào đội ngũ cán bộ, công chức, xem xét nhìn nhận các vấn đề theo hướng lệch lạc, tiêu cực, dễ bị các thế lực thù địch, phản động lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc và có những hành vi vi phạm pháp luật.
Bất cứ xã hội nào trong quá trình xây dựng và phát triển cũng sẽ bộc lộ những mâu thuẫn, kể cả đối với những quốc gia phát triển cũng chưa thể giải quyết một cách triệt để những tiêu cực xảy ra. Đặc biệt là trong tình hình hiện nay, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng đặt ra rất nhiều những khó khăn thách thức, nhất là đối với Việt Nam một nước đang phát triển phải tích cực, chủ động hội nhập để tận dụng nguồn vốn, khoa học công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến. Bên cạnh đó cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực như tham nhũng, lãng phí, thương mại hóa các quan hệ xã hội, tài nguyên cạn kiệt và vấn đề an toàn sống...do đó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mỗi người. Tháp nhu cầu của Abraham Maslow- nhà tâm lý học người Mỹ đã chỉ ra rằng nhu cầu của con người bao gồm hai nhóm chính : nhu cầu căn bản liên quan đến yếu tố thể lý của con người như nhu cầu về thức ăn, nước uống, ngủ nghỉ… và các nhu cầu cao hơn như: sự công bằng, an tâm, an toàn, vui vẻ, địa vị xã hội, sự tôn trọng, vinh danh...Những tác động tiêu cực nêu trên ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống nhu cầu của con người, đặc biệt là giới trẻ, khiến họ luôn sống trong cảm giác không còn biết tin ai, tin vào cái gì, tạo nên sự bất an và căng thẳng tâm lý kéo dài, không có động cơ, động lực và mục đích sống rõ ràng, sống thờ ơ, vô cảm và sẽ trở thành con mồi cho những phần tử cơ hội chính trị, thế lực phản động điều khiển theo những mưu đồ của họ để chống phá Đảng, nhà nước, vi phạm pháp luật.
Phải chăng đó là sự khủng hoảng về niềm tin? Không tin vào sự lãnh đạo của Đảng, không tin vào chế độ, không tin vào đội ngũ cán bộ, công chức và không tin vào chính bản thân mình. Điều đó thật nguy hiểm đối với dân tộc, với đất nước và chính bản thân con người. Hoàng đế Pháp Na-pô-lê-ông đã có một câu nói khá nổi tiếng, trở thành một châm ngôn trong cuộc sống của mỗi chúng ta: "Mất tiền là chẳng mất gì cả, mất danh dự là mất nửa cuộc đời; mất niềm tin và nghị lực là mất cả cuộc đời". Bởi tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước, là thế hệ tương lai của dân tộc, một dân tộc muốn phát triển thì thế hệ trẻ phải có niềm tin vững chắc vào con đường mà dân tộc lựa chọn, vào sự lãnh đạo của Đảng, có niềm tin vào chính bản thân mình.
Niềm tin là sự hòa quyện của nhận thức, tình cảm và ý chí, để xây dựng và củng cố vững chắc niềm tin trước tiên phải trang bị cho mình hệ thống tri thức khoa học và toàn diện, trước những thông tin đa chiều tác động đến từ sách vở trong nhà trường, từ mạng xã hội, từ những người xung quanh…các bạn trẻ phải có kiến thức sâu rộng để phân biệt đúng sai, nhất là những vấn đề về chính trị xã hội, lịch sử, để đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc lịch sử; có tình cảm lành mạnh, tích cực, tình yêu con người, yêu quê hương đất nước, yêu công việc và có ý chí mạnh mẽ để khắc phục mọi khó khăn trở ngại, vượt qua được những cám dỗ tầm thường về vật chất, tinh thần. Để có được niềm tin ngoài sự giáo dục định hướng của nhà trường, gia đình và xã hội, bản thân các bạn trẻ phải tích cực, chủ động, tự giáo dục, tự rèn luyện bản thân, tích cực học tập nghiên cứu, nắm vững những tri thức khoa học, học tập nắm vững truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đặc biệt là âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Tích lũy vốn sống, kinh nghiệm, biết phân biệt đúng- sai, nhìn nhận xem xét, đánh giá những vấn đề chính trị- xã hội một cách toàn diện, sâu sắc theo hướng tích cực và phát triển, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, sai trái, phản khoa học, những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong xã hội, có ý chí khắc phục khó khăn, thử thách vươn lên trong cuộc sống để khẳng định bản thân.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét