Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

TIẾP TỤC PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA QUÂN ĐỘI TRÊN MẶT TRẬN SẢN XUẤT, XÂY DỰNG KINH TẾ

H.Th.T. Psy.11.

Kết hợp kinh tế với quốc phòng là quan điểm đúng đắn của Đảng ta đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội luôn vững mạnh trong mọi thời kỳ. Điều này được thể hiện trên một số nội dung sau:
Thứ nhất, quân đội tiếp tục là "đội quân sản xuất" là đòi hỏi tất yếu trong giai đoạn mới
Thời gian qua, quân đội tham gia vào công tác sản xuất, xây dựng kinh tế đã góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn về kinh tế-xã hội của đất nước, tham gia tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo của nhân dân trên những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa. Nhiều doanh nghiệp quân đội với các sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao đã đứng vững trong cơ chế thị trường
Đặc biệt, có những doanh nghiệp quân đội đã khẳng định được vị thế của mình không chỉ trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Nhiều doanh nghiệp quân đội sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế-xã hội đất nước, đóng góp rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Những doanh nghiệp quân đội đó đang góp phần làm giàu cho đất nước, chúng ta phải khuyến khích họ tiếp tục cống hiến.
Thứ hai, Bản chất hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội ta
Ở vị trí địa chính trị như nước ta thì việc quân đội sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế là không thể tránh khỏi và tồn tại ở những dạng thức khác nhau suốt quá trình lịch sử: Thời Lý-Trần là chính sách “ngụ binh ư nông” (gửi quân vào nông), trong đó, quân nhân và đinh tráng luân phiên phục vụ trong quân đội và cày cấy để kinh tế phát triển, nhưng vẫn có một đội quân dự bị hùng hậu. Triều Nguyễn, quân đội tham gia khai khẩn đất hoang, mở rộng kinh tế trên những vùng đất mới, nhiều địa danh từ đồn binh đã biến thành điền trang.
Từ trước đến nay, khi đề cập đến nhiệm vụ kinh tế của Quân đội ta, cụm từ đầy đủ phải là “quân đội sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế”. Nhiệm vụ này bắt nguồn từ một câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Nội dung nhiệm vụ sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế của quân đội bao gồm: (a). Sản xuất vũ khí, trang bị và các dịch vụ mang tính đặc thù phục vụ quân đội… (b). Các đoàn kinh tế-quốc phòng đứng chân trên những địa bàn chiến lược khó khăn gian khổ, thưa dân ở biên giới, hải đảo để giúp dân xóa đói, giảm nghèo, đưa văn hóa về thôn bản, bố trí lại dân cư, xây dựng thế trận lòng dân, từ đó thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới; các đơn vị tham gia kinh tế biển, làm chỗ dựa cho ngư dân bảo vệ biển của Tổ quốc. (c). Bộ đội thường trực tranh thủ thời gian ngoài giờ huấn luyện tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Các đơn vị sự nghiệp quốc phòng như nhà trường, bệnh viện... trong thời bình không dùng hết công suất phục vụ quốc phòng thì dùng công suất còn lại tham gia vào các hoạt động phục vụ kinh tế-xã hội để giữ tay nghề cho chuyên gia, người lao động và cải thiện đời sống. (d). Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bổ sung nguồn thu cho quân đội và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Thứ ba, Các doanh nghiệp quân đội đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước
Những năm qua, quân đội đã sử dụng hợp lý các tiềm năng của các đơn vị quân đội để sản xuất và xây dựng kinh tế, những thành tựu trong xây dựng kinh tế được dùng để củng cố quốc phòng, xây dựng sức mạnh quân sự. Trong thời bình, chức năng “đội quân sản xuất” của Quân đội ta càng được phát huy mạnh mẽ. Quân đội luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng hệ thống các khu kinh tế-quốc phòng ở những vị trí chiến lược nơi biên giới, hải đảo; là lực lượng nòng cốt trong xóa đói, giảm nghèo, tổ chức lại dân cư, củng cố và tăng cường quốc phòng và an ninh trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm.
Hiện nay, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp quân đội đang thể hiện vai trò của mình, khi vừa phát triển sản xuất và cung cấp nhiều sản phẩm cho xã hội, đầu tư rất lớn, tạo điều kiện để vùng sâu, vùng xa phát triển; đồng thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Chính sự ổn định và lớn mạnh của các doanh nghiệp quân đội tham gia hoạt động kinh tế ở các lĩnh vực: Bưu chính-Viễn thông (Viettel); bay dịch vụ (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam); dịch vụ ngân hàng (MB); dịch vụ cảng biển (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn)... đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế đất nước.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét